TĂNG TRƯỞNG XANH

Thứ Tư, 17/07/2019 | 17:27

Cụm từ “tăng trưởng xanh” gần như xuất hiện nhiều trong các hội nghị, hội thảo, trong các chủ trương, định hướng phát triển của nhiều cấp, nhiều ngành. Ngay cả trong từng hộ sản xuất cũng đã bắt đầu tiếp nhận với ý thức, trách nhiệm hơn. Nói một cách dễ hiểu, tăng trưởng xanh là tăng trưởng (kinh tế) nhưng phải đảm bảo không phá vỡ môi trường, bảo vệ môi trường nguyên thủy vốn có. Hay ít ra cũng đảm bảo gìn giữ làm cho môi trường không bị suy thoái. Không vì tăng trưởng kinh tế mà bất chấp, sẵn sàng đánh đổi.
Chế biến ra con tôm đạt chuẩn xuất khẩu nhưng nhà máy chế biến không được xả thải tràn lan “giết chết” nguồn sống đã sống trước đó. Làm ra hạt gạo dẻo thơm tự hào thương hiệu Việt không được để lại trên đồng ruộng thanh bình cả “hiện trường” của vỏ chai, dư lượng thuốc trừ sâu đe dọa sự sống con cá, con cua… Kiến thiết, xây dựng con đường đạt chuẩn quốc gia, quốc tế, không thể chấp nhận dọc hai bên nó là khói, bụi… mịt trời. Một trang trại nuôi heo của một gia đình, cả làng “nín thở”… thì đó khác nào sự “bức tử”, là sự đánh tráo khái niệm, đánh lừa mục tiêu, định hướng của “tăng trưởng xanh”. Nói gọn lại: Tăng trưởng xanh là tăng trưởng kinh tế, đa dạng sản phẩm nhưng phải giữ cho được sự trong lành của môi trường sống.
Thực tế, đây là việc khó - rất khó nhưng phải làm, không thể không làm.
Ngạn ngữ có câu: Được này - mất kia. Trong tăng trưởng xanh không phép “mất” mà nhất thiết phải “được”. Không được, không làm - đó là mục tiêu cao nhất và duy nhất của tăng trưởng xanh.
Tuy nhiên, trong thực tế lại là chuyện khác. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, hộ gia đình vì lợi nhuận trước mắt, lợi ích bản thân đã bất chấp, dùng mọi mánh khóe để qua mắt chính quyền, qua mắt chòm xóm láng giềng để đạt mục đích lợi nhuận cho riêng mình.
Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy bột giấy Lee&Man (Hậu Giang), Trang trại nuôi heo ở Bà Rịa - Vũng Tàu… mà báo chí từng lên tiếng là sự bất chấp vì lợi nhuận. Đến khi không qua mắt được người dân, không qua mắt được các nhà khoa học và chính quyền mới cúi đầu nhận tội (Formosa). Nhưng khi đó, cá chết cũng đã chết rồi, ngành Du lịch biển rộng lớn ở miền Trung cũng đã “treo biển”, các dòng sông quê đã bị “bức tử” từ lâu, người dân quanh vùng đã “nín thở” suốt năm tháng…
Ở Bạc Liêu, tăng trưởng xanh dựa vào 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội. Ở đó, trụ cột điện, năng lượng đã phát huy tối đa tính năng, đem lại hiệu quả rất tích cực. Trụ cột nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã từng bước phát huy hiệu quả trên cả 2 lĩnh vực: cây lúa - con tôm. Cây lúa đã “tăng trưởng xanh” cả về năng suất, chất lượng nhờ thực hiện nghiêm ngặt các quy trình ứng dụng khoa học - công nghệ, đảm bảo môi trường cho cây lúa phát triển và môi trường sống cộng đồng. Con tôm từ lâu rồi đã “rủng rỉnh” đẻ ra… đô-la làm giàu cho tỉnh, tăng mức sống người dân - nhất là người dân trong chuỗi sản xuất ngành tôm…
Tuy nhiên, đây là ngành sản xuất qua rất nhiều công đoạn: Từ khâu nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu… Mỗi một công đoạn kéo theo nhiều thành tố và phải xử lý. Riêng khâu chế biến đã rất khó trong việc xử lý nước thải (nước thải là tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại sự sống quanh nó nếu không xử lý triệt để).
Rất mừng là cho đến nay, Bạc Liêu chưa phát hiện sự hủy hoại đó. Nhưng chưa phát hiện không đồng nghĩa là không có. Thận trọng, chặt chẽ, kiểm soát, nhắc nhở thường xuyên là điều không thừa…
Bạc Liêu cần tránh “vết xe đổ” tương tự như Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy bột giấy Lee&Man (Hậu Giang), như Trang trại nuôi heo ở Bà Rịa - Vũng Tàu… Khi đó Bạc Liêu không chỉ đạt mục tiêu “tăng trưởng xanh” mà còn đảm bảo phát triển bền vững về kinh tế - xã hội và đời sống.
N.N.K

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.