Nhớ về một Festival đặc sắc, ấn tượng...

Thứ Sáu, 26/04/2024 | 15:21

Cách đây tròn 10 năm (từ ngày 24 - 29/4/2014), Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 (gọi tắt là Festival) với hàng loạt hoạt động tôn vinh một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vừa được UNESCO công nhận đã để lại nhiều ấn tượng đẹp.

Là một trong 21 tỉnh, thành phố có nghệ thuật ĐCTT, lần đầu tiên tổ chức, Bạc Liêu đã làm thăng hoa những giá trị độc đáo của di sản.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014.

Không gian trọn vẹn của ĐCTT

Lúc đó, dù tuổi cao sức yếu, trên chiếc xe lăn được người thân hỗ trợ, cố GS-TS. Trần Văn Khê (một người có nhiều tâm huyết với nền âm nhạc dân tộc nói chung, trong đó có nghệ thuật ĐCTT) đã có mặt ở khá nhiều hoạt động trong khuôn khổ Festival. Ở đâu có mặt ông, ở đó có những phát biểu trách nhiệm, nhiệt huyết về ĐCTT! Chứng kiến những hoạt động diễn ra, nhìn ngắm sâu vào những công trình văn hóa và cách Bạc Liêu tôn vinh ĐCTT, cố GS-TS. Trần Văn Khê nhận xét rằng: “Theo ý kiến của cá nhân tôi, lễ hội thành công ấn tượng, lần đầu tiên trong đời mình tôi được sống trong không gian trọn vẹn của ĐCTT. Ngồi ở bất kỳ nơi nào ở Bạc Liêu thời điểm ấy, tôi đều nghe âm thanh và thấy sắc màu của ĐCTT. Cái hồn văn hóa của dân tộc phủ trùm lên mọi ngõ ngách TP. Bạc Liêu tạo nên hình ảnh đẹp trong mắt những người dự khán”.

Có được cái hồn văn hóa ấy, vì “Bạc Liêu ý thức sâu sắc rằng: Bản sắc văn hóa Nam Bộ chính là động lực để Nam Bộ phát triển, mà nghệ thuật ĐCTT là yếu tố rất quan trọng góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa ấy. Festival chính là nhằm góp phần làm sâu sắc thêm tiềm năng, lợi thế và sức mạnh của Nam Bộ, là diễn đàn phát đi thông điệp: “Phải bảo tồn, phát huy những giá trị vĩnh hằng ấy”, như khẳng định của đồng chí Võ Văn Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng Trưởng Ban chỉ đạo Festival lúc ấy (nay là Phó Trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương) trong phát biểu tại khai mạc Festival.

Một không gian trọn vẹn của ĐCTT, bởi đó là nơi hội tụ, gặp gỡ của hơn 400 nghệ nhân, tài tử của Nam Bộ, cùng trên 300.000 đại biểu, du khách tham gia; một hội thảo khoa học về ĐCTT cũng gợi mở định hướng bảo tồn, phát huy giá trị của di sản trong dịp này, những công trình lan tỏa nét đẹp và giá trị, chiều sâu văn hóa của Bạc Liêu cũng được thành hình và ngày càng thu hút sự quan tâm của du khách như: Quảng trường Hùng Vương, biểu tượng cây đờn kìm cách điệu, Nhà hát Cao Văn Lầu...

Đội Đờn ca tài tử tỉnh Bạc Liêu trình diễn tại không gian đờn ca tài tử 21 tỉnh, thành phố Nam Bộ. Ảnh: H.T

Trải đường cho phát triển

10 năm nhìn lại, thành tựu của Festival vẫn đang viết tiếp câu chuyện hiện tại và tương lai - câu chuyện gìn giữ và phát huy những cội rễ văn hóa trên hành trình phát triển quê hương. Nhìn ở diện rộng, Festival là hoạt động có quy mô đầu tiên hưởng ứng Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT, là hành động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đây luôn được xác định là nhiệm vụ then chốt trong Chiến lược phát triển văn hóa của đất nước, góp phần giữ gìn cốt cách, tâm hồn và bản lĩnh Việt Nam - yếu tố không thể thiếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Bạc Liêu luôn nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của ĐCTT. UBND tỉnh đã ban hành Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2014 - 2020, sau đó tiếp tục là Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025. Xây dựng ĐCTT trở thành sản phẩm du lịch độc đáo cũng tiếp tục được xúc tiến…

Festival là tiền đề quan trọng để Bạc Liêu triển khai thực hiện định hướng phát triển, là dịp để bạn bè trong và ngoài nước có cái nhìn sâu hơn, mở rộng vòng tay hơn - trong tư cách du khách, đối tác, bè bạn - để đồng hành cùng sự phát triển của xứ “Dạ cổ hoài lang” này.

Trong một hội nghị xúc tiến đầu tư do Bạc Liêu tổ chức, PGS-TS. Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam) sau khi phân tích tiềm lực, thế mạnh từ con tôm, cây lúa, điện gió... đã không quên nhắc đến hành trình bảo tồn và phát huy giá trị của một di sản văn hóa phi vật thể ở nơi này: “Trong 10 năm qua, Bạc Liêu cũng đã nỗ lực thành công đưa đặc sản “ca vọng cổ” thành di sản văn hóa của loài người - một tài sản vô giá. Đây chắc chắn sẽ là một nguồn lực phát triển to lớn của tỉnh, của vùng và của cả nước trong tương lai hội nhập ngày càng rộng mở”. Chuyên gia này cho rằng, đó là “vốn liếng” để bước vào chặng phát triển mới của Bạc Liêu.

10 năm nhìn lại, câu chuyện của một Festival làm giàu đẹp thêm bản sắc văn hóa xứ sở vẫn lắng đọng dư âm đẹp! Từ Festival, người ta biết và hiểu nhiều hơn về một Bạc Liêu xanh - sạch - đẹp, văn minh với một quy hoạch hợp lý, với những công trình văn hóa có kiến trúc mang tính thẩm mỹ cao nhằm khai thác triệt để lợi thế là quê hương của bản “Dạ cổ hoài lang” và vọng cổ, ĐCTT, cũng như các bộ môn nghệ thuật nổi bật khác để phát triển du lịch; một Bạc Liêu có những dự án kinh tế lớn tạo động lực cho sự phát triển bền vững...

Câu chuyện ấy đã, đang và sẽ còn mở ra hướng đi lạc quan cho hành trình phát triển hiện tại, tương lai.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.