Duyên chồng vợ từ… mặt trận Điện Biên Phủ!

Thứ Hai, 06/05/2024 | 17:09

Cùng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, bộ đội Trần Quang Thiều và dân công hỏa tuyến Trần Thị Tâm (ngụ cùng xã của tỉnh Hà Nam, cùng sinh năm 1930) đã gặp nhau. Sau lần gặp nhau tại đó, 2 người đã nên duyên chồng vợ trong một đám cưới tập thể do UBND xã tổ chức vào năm 1957 và hiện cả 2 cụ đang sinh sống tại Phường 7 (TP. Bạc Liêu).

Cụ Thiều và cụ Tâm ôn lại kỷ niệm đẹp trong những năm tháng hào hùng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

“ĐÁNH ĐỂ QUÂN PHÁP KHÔNG CÒN Ở VIỆT NAM NỮA”

Từ du kích địa phương, năm 1953, chàng trai Trần Quang Thiều trở thành bộ đội, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong biên chế của Sư đoàn bộ binh 3, Quân khu 3. Cha vừa bị địch bắn chết nên “nợ nước thù nhà” đã tạo nên sức mạnh cho Trung đội phó Trần Quang Thiều vượt lên sự khốc liệt của trận chiến sinh tử để cùng đồng đội, đồng bào chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Trong chiến dịch 56 ngày đêm, Trung đội phó - Trần Quang Thiều cùng đơn vị đào hào, khoét núi làm đường tiến công đánh quân Pháp tại cứ điểm “bất khả xâm phạm” Điện Biên Phủ. Địch từ điểm cao trút đạn xuống lực lượng đang đào công sự, trước tình thế đó, một chiến sĩ người dân tộc thiểu số, khi đó mới 17 tuổi hiến kế đào ngầm để giảm tổn thất, đẩy nhanh tiến độ. Ngày chiến đấu, đêm ngủ ngồi, lưng tựa vách giao thông hào, tay ôm thép súng. Cứ như thế, từng mét hào đã được đào, tiến sát đến hầm chỉ huy của địch để đặt và kích nổ thành công khối thuốc TNT gần 1 tấn.

Chiến sĩ Điện Biên -Trần Quang Thiều nhớ lại: “Bác Giáp cho kéo pháo lên các đồi cao, nã đạn xuống cứ điểm và tổ chức đánh toàn bộ các đồi. Trung đội của tôi đánh giáp lá cà với địch khi tiệm cận hầm chỉ huy của chúng, thương vong nhiều lắm. Súng là chiến lợi phẩm từ Chiến tranh thế giới thứ II, nên hay bị tắt, vừa bắn vừa thông nòng liên tục. Trước khi xung trận, đồng chí chính trị viên đã động viên: “Cố gắng đánh để bọn chúng không còn ở Việt Nam nữa”, nên tất cả chiến sĩ đều không chùn bước!”.

TIẾNG SÉT ÁI TÌNH CỦA ANH BỘ ĐỘI VÀ CÔ NỮ DÂN CÔNG

Cụ Trần Thị Tâm khi ấy tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến, vận chuyển gạo, đạn dược từ hậu phương lên tiền tuyến. Nữ dân công cùng đồng đội gánh từng thúng gạo trên vai, lưng đeo túi đựng đạn từ quê nhà Hà Nam vượt suối, băng rừng hơn 400 cây số lên tiếp tế cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Một chuyến đi như vậy kéo dài nhiều tháng và không ít lần đối diện hiểm nguy. Cụ Tâm kể: “Có lần đang đi trên đường 21 thì thấy chiếc xe cóc của quân Pháp (phương tiện đi cả trên bộ và dưới nước), tôi nhảy xuống ao bèo trốn. Vừa dìm gạo, đạn dược xuống nước, lại bị con đỉa to bằng ngón tay đeo cắn, nhưng không dám la để tránh bị phát hiện”.

Và trong những ngày tháng ác liệt của chiến dịch, anh bộ đội Trần Quang Thiều và nữ dân công Trần Thị Tâm vô tình gặp nhau. Qua mấy câu hỏi làm quen, biết cùng tuổi, cùng thôn Thanh Nga, xã Nhân Long (nay là Nhân Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) nên người con trai hứa hẹn: “Sau này nếu còn sống trở về thì sẽ tổ chức cưới”. Còn cụ Tâm thì chia sẻ: “Lúc ấy, tôi thích đi thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nên không hứa hẹn gì!”. Đó là lần gặp nhau duy nhất của 2 người trên chiến trường, cho mãi đến năm 1957, UBND xã tổ chức đám cưới tập thể cho 3 cặp và cả 3 chú rể đều là bộ đội. Ngày trọng đại, chú rể Thiều mặc bộ quân phục, còn cô dâu Tâm thì khoác lên người chiếc áo công nhân. Ba đám cưới diễn ra một lúc, không lễ vật và “tiệc” thì chỉ có 5 bao thuốc lá, 1 nón chè (trà) tươi!

Đám cưới đơn sơ ấy đã khởi đầu cho một gia đình (2 vợ chồng và 8 người con) hạnh phúc sau này. Năm 1976, đồng chí Trần Quang Thiều đăng ký với chi bộ xung phong vào tỉnh Minh Hải (nay là Bạc Liêu và Cà Mau) công tác, và 2 năm sau, 9 thành viên còn lại của gia đình cũng đã đoàn tụ tại nơi “đất nở”. Với khí chất của một chiến sĩ Điện Biên, của một đảng viên, cụ Thiều luôn nhắc nhở con cháu: “Phải giữ được sự liêm chính của người vô sản, không tơ hào dù cây kim sợi chỉ của dân như lời Bác Hồ đã dạy!”.

Bài, ảnh: HOÀNG QUÂN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.