An toàn giao thông
Nâng cao hiệu quả bảo vệ công trình giao thông
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn tồn tại tình trạng tổ chức, cá nhân vi phạm vượt tải trọng làm hư hại cầu, đường; lấn chiếm đất công, đất hành lang an toàn đường bộ, luồng đường thủy nội địa (ĐTNĐ)… Thực tế này làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông (ATGT), gây nguy hại công trình giao thông (CTGT), tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT…
Cảnh sát giao thông kiểm tra tải trọng phương tiện trên đường bộ để bảo vệ công trình giao thông. Ảnh: T.H
CTGT và thực trạng vi phạm
Trải qua những khó khăn về hạ tầng giao thông những ngày đầu tái lập tỉnh, đến nay hệ thống đường giao thông của tỉnh có những bước tiến đáng kể. Toàn tỉnh có trên 4.098km; giao thông đô thị của TP. Bạc Liêu, TX. Giá Rai được quan tâm, đầu tư nâng cấp tạo bộ mặt mới cho đô thị. Các tuyến giao thông liên huyện, liên xã và trục thôn - ấp được tỉnh được liên tục đầu tư xây dựng từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa, hành khách của người dân được đáp ứng về cơ bản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, mạng lưới giao thông đường thủy khá dày đặc với các sông, kênh do Trung ương, địa phương quản lý chảy qua kết hợp tạo thành một hệ thống sông, kênh có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp cũng như vận chuyển, buôn bán hàng hóa của người dân. Bạc Liêu còn có đường bờ biển dài trên 56km với nhiều tiềm năng phát triển vận tải đường thủy.
Tuy nhiên, hiện trạng giao thông của tỉnh cũng còn nhiều hạn chế. Nhất là đối với đường bộ. Đa số hệ thống cầu, đường tỉnh còn hạn chế tải trọng, mặt đường hẹp chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa với tải trọng lớn của tỉnh và của vùng. Do biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng làm ngập thường xuyên các tuyến đường (đặc biệt là nội ô TP. Bạc Liêu) làm cho hệ thống giao thông đường bộ xuống cấp nhanh hơn. Một số dự án lớn về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đang thực hiện cũng có áp lực về vận chuyển vật liệu, hàng hóa; một số doanh nghiệp vì lợi nhuận cố tình cho xe quá tải vận chuyển lưu thông gây sụt lún, hư hỏng kết cấu mặt đường. Một số tổ chức, cá nhân vi phạm đào khoan đường trái phép; san lấp làm đọng nước mặt đường; đấu nối trái phép; lấn chiếm đất công, đất hành lang an toàn đường bộ để xây cất, mua bán, để vật liệu…
Nỗ lực bảo vệ hạ tầng giao thông
Thời gian qua, Thanh tra Sở GT-VT đã tích cực thanh kiểm tra và xử lý các vi phạm gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông. Từ năm 2020 đến nay, đã ban hành trên 1.000 quyết định phân công thanh tra viên tiến hành thanh tra các cá nhân, tổ chức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ và ĐTNĐ. Qua đó phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 478 trường hợp, xử phạt 460 trường hợp với số tiền trên 3 tỷ đồng... Đồng thời, báo cáo lãnh đạo Sở GT-VT trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 16 trường hợp vi phạm chở hàng hóa vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 50%, 150%.
Thanh tra GT-VT cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ dân mua bán, để hàng hóa lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, đất hành lang an toàn đường bộ. Phối hợp với các đội Cảnh sát giao thông, Văn phòng Quản lý đường bộ IV.5, IV.6 thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ các tuyến quốc lộ qua địa bàn. Phối hợp với Công an tỉnh, Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các địa phương đề xuất lắp đặt camera tại các cầu yếu; lắp đặt 12 điểm camera để xử lý vi phạm giao thông, kết hợp đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm thường xảy ra vi phạm.
Đối với ĐTNĐ, lực lượng chức năng lập 19 biên bản vi phạm xây dựng nhà ở trong hành lang bảo vệ luồng ĐTNĐ, đề nghị chủ hộ phá dỡ, khôi phục lại tình trạng ban đầu; vận động người dân không đặt đáy neo đánh bắt thủy sản trên các kênh lớn có nguy cơ mất ATGT. Kiểm tra, lập 197 biên bản liên ngành đình chỉ hoạt động của bến và phương tiện; tổ chức cho các chủ bến ký 464 cam kết chấp hành pháp luật giao thông ĐTNĐ.
Để công tác bảo vệ CTGT trong thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ CTGT đường bộ và ĐTNĐ bằng nhiều hình thức đến các tổ chức, doanh nghiệp, chủ xe, lái xe, hộ gia đình cá nhân dọc tuyến hiểu biết về lợi ích của việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, ký cam kết không thực hiện các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan thanh tra, kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ CTGT; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, chống người thi hành công vụ... Tăng cường công tác phối hợp, xây dựng quy chế phối hợp về quản lý, bảo vệ CTGT giữa cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng, đơn vị quản lý đường bộ với chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã. Xử lý dứt điểm các trường hợp giao đất trái thẩm quyền, đất nằm trong chỉ giới quy hoạch, đất hành lang an toàn đường bộ, ĐTNĐ. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả bảo vệ CTGT, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phối hợp tốt của các đơn vị, địa phương liên quan.
Mai Đinh
- Chuẩn y Phó Bí thư Huyện ủy Đông Hải
- Tập huấn nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024
- Quay hình cho các chương trình về văn hóa, ẩm thực Bạc Liêu phát trên Đài Truyền hình Việt Nam
- Bế mạc Kỳ họp thứ 21, HĐND khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Sử dụng an toàn máy bay không người lái trong sản xuất
- Học lái xe hạng C uy tín, chất lượng