Tiêu điểm

Tăng cường bảo vệ và phát huy tài nguyên biển

Thứ Hai, 29/04/2024 | 15:39

Một trong những định hướng chiến lược được thể hiện trong Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2025 là xây dựng Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển (KTB). Để phát triển bền vững và khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có, đồng thời, bảo vệ đa đạng sinh học, tài nguyên biển, bảo vệ môi trường (BVMT)…, rất cần có những giải pháp tối ưu.

Thả tôm giống tái tạo nguồn lợi thủy sản ở huyện Đông Hải.

GIÀU TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH

Với vùng đặc quyền KTB của tỉnh rộng hơn 20.742km2 và ngư trường rộng trên 40.000km2, biển Bạc Liêu có trữ lượng hải sản khá phong phú. Trong đó, có nhiều loại thủy, hải sản mang lại giá trị kinh tế cao như: tôm biển, cá gộc, cá sao, cá thu, cá đường… Đặc biệt, tôm biển có trên 30 loài, mực có trên 23 loài, cùng nhiều loài thủy sản và nhuyễn thể khác như: nghêu, sò, cua, ốc…

Tuy nhiên, theo dữ liệu điều tra của các viện nghiên cứu về biển, trữ lượng và nguồn lợi hải sản trên các vùng biển Việt Nam, trong đó có vùng biển Bạc Liêu đang có xu hướng giảm, ước tính trữ lượng 5 năm gần đây giảm 11 - 12% so với trước. Nguồn lợi hải sản tại vùng biển gần bờ gần cạn kiệt, trong khi đánh bắt xa bờ cần đầu tư lớn và chi phí cao hơn. Do đó, cần quan tâm bảo vệ và đầu tư cho tái tạo nguồn lợi thủy sản; hạn chế khai thác, đánh bắt nguồn lợi thủy sản ven bờ gây cạn kiệt và làm hủy hoại nguồn lợi, nhất là nghề cào và nghề te từ các phương tiện đánh bắt nhỏ.

Cùng với thủy, hải sản đa dạng và phong phú, nước biển cũng là nguồn tài nguyên rất quan trọng được sử dụng cho phát triển nuôi tôm, cá nước mặn, làm muối và trồng rừng phòng hộ ven biển. Ngoài ra, gió biển cũng là tài nguyên quan trọng và tạo ra lợi thế của tỉnh để phát triển nguồn điện gió ven biển và ngoài khơi. Theo tài liệu “Wind Energy Resource Atas of Southeast Asia” của Ngân hàng Thế giới thì khu vực ven biển tỉnh Bạc Liêu có vận tốc gió bình quân ở độ cao 65m từ 7 - 7,5m/s. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho phát triển các dự án năng lượng tái tạo ven biển Bạc Liêu. Đặc biệt, với 3 cửa biển (Nhà Mát, Cái Cùng, Gành Hào), Bạc Liêu có thể phát triển mạnh các ngành vận tải, cảng biển và du lịch biển. Trong đó, Cảng cá Gành Hào có khả năng phát triển thành trung tâm KTB lớn của tỉnh và của cả khu vực ven biển phía Đông Nam Bộ (khu vực từ Mũi Dinh đến Cà Mau), cung cấp các dịch vụ cho đánh bắt và chế biến thủy, hải sản.

Những đặc điểm về tài nguyên thủy, hải sản là tiền đề để Bạc Liêu có thể phát triển các ngành KTB, bao gồm đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, vận tải, du lịch biển và công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Đặc biệt là thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) có khả năng phát triển thành trung tâm đầu mối về KTB.

Các phương tiện nhỏ khai thác nghề te gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ở ven biển Nhà Mát (TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.A

CHUNG TAY HÀNH ĐỘNG

Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế vốn có nên công tác bảo vệ đa dạng sinh học, tài nguyên biển gắn với công tác BVMT luôn được Bạc Liêu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung thực hiện tốt thông qua chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh ban hành.

Theo đó, Bạc Liêu sẽ tiếp tục đẩy mạnh điều tra, đánh giá và xác định mức độ dễ bị tổn thương, tính nguy cấp, các loài nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng của các loài sinh vật biển đặc hữu, có giá trị khoa học và kinh tế để đưa ra các phương án, giải pháp bảo vệ, bảo tồn và phục hồi. Đồng thời, ứng dụng khoa học - công nghệ trong khai thác thủy sản, hạn chế phương tiện nhỏ khai thác ven bờ ảnh hưởng đến môi trường và nguồn lợi thủy sản, thả rạn nhân tạo làm nơi trú ẩn, sinh trưởng cho các loài thủy sản. Ngăn ngừa, kiểm soát chặt chẽ và phòng trừ có hiệu quả sự du nhập các giống, loài thủy sản ngoại lai xâm hại và sự du nhập sinh vật ngoại lai qua hoạt động vận tải biển, các hoạt động khai thác, gây nuôi và buôn bán xuyên biên giới các loài sinh vật biển hoang dã thuộc danh mục cần được bảo tồn.

Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học - công nghệ vào các công trình dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai từ biển, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Định kỳ cập nhật kịch bản BĐKH và nước biển dâng. Nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi của hệ thống tự nhiên và xã hội vùng biển và ven biển trước các tác động tiêu cực của BĐKH. Phát triển mô hình cộng đồng ứng phó với thiên tai và BĐKH. Xây dựng, phát triển đô thị, khu đô thị ven biển hiện đại theo mô hình sinh thái, tăng trưởng xanh, thông minh, thích ứng với BĐKH.

Cùng với đó, triển khai các giải pháp ứng phó, trong đó có giải pháp ứng phó dựa vào hệ sinh thái và các giải pháp dựa vào tự nhiên thông qua việc bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển, nhằm giảm thiểu thiệt hại do nước biển dâng, xâm nhập mặn, lũ lụt, hạn hán và các tác động liên quan khác đối với vùng biển và ven biển. Chủ động chuẩn bị các phương án, điều kiện phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai và tác động của BĐKH và nước biển dâng trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo phù hợp với từng ngành kinh tế biển, các vùng biển và ven biển theo Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh Bạc Liêu đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định 2577.

Song song đó, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, cơ quan trực thuộc Chính phủ trong việc thực hiện và tiếp nhận sản phẩm các đề án, dự án điều tra cơ bản thuộc Chương trình trọng điểm về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Triển khai thực hiện Đề án: Điều tra, đánh giá lại trữ lượng, chất lượng nguồn cát biển và đề xuất giải pháp quản lý, sử dụng đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 vùng ven biển tỉnh Bạc Liêu. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học để phát hiện các loại tài nguyên mới, xác định khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển và sức chịu tải môi trường biển, xác định các khu vực có tiềm năng phát triển các ngành KTB của tỉnh…

TÚ ANH

------------------------------

Đẩy mạnh phát triển KTB, Bạc Liêu sẽ tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) mới trong khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản sau thu hoạch. Chuyển từ nuôi trồng thủy sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp có ứng dụng công nghệ hiện đại, năng suất, chất lượng cao đi đôi với công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường ứng dụng KH-CN mới trong chuỗi giá trị khép kín từ nuôi trồng, khai thác, bảo quản đến chế biến, nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế, tính cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nghiên cứu và ứng dụng các quy trình công nghệ khai thác, sử dụng tài nguyên biển ít gây tác động môi trường và hạn chế ô nhiễm biển. Phát triển công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại và quy trình tiên tiến phục vụ điều tra nghiên cứu, khai thác hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên biển, bảo vệ môi trường. Giám sát và dự báo thiên tai, sự cố môi trường biển bằng các thiết bị hiện đại, công nghệ cao và tăng cường năng lực cho hệ thống trạm quan trắc, phục vụ dự báo và cảnh báo các hiện tượng thời tiết bất thường trên biển.

Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và khối tư nhân, thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư vào công tác phát triển KH-CN biển, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ chế biến sâu, công nghệ khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả, thân thiện với môi trường. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO 9001, ISO 14000...), các công cụ quản lý cải tiến năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.