Tiêu điểm

Cấp bách chống hạn, mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Sáu, 12/04/2024 | 16:32

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong 3 vùng đồng bằng trên cả nước bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Trước tình hình này, các tỉnh ĐBSCL đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó và đề ra các giải pháp “sống chung” với hạn, mặn.

Sở NN&PTNT kiểm tra mực nước ở các kênh vùng Nam Quốc lộ 1A cung cấp cho tôm nuôi trên địa bàn TP. Bạc Liêu.

BỨC TRANH HẠN, MẶN TOÀN VÙNG

Hiện nay, các tỉnh ĐBSCL đang bị tác động bởi hạn, mặn, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tiền Giang là tỉnh đầu tiên của ĐBSCL công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Tân Phú Đông. Hạn, mặn đã khiến hàng chục ngàn hộ dân nơi đây bị thiếu nước sinh hoạt. Với phương châm không để người dân thiếu nước sinh hoạt, tỉnh Tiền Giang mở hơn 60 vòi công cộng cấp nước miễn phí; nhiều tổ chức, cá nhân cũng dùng xe bồn chở nước ngọt đến vùng khô hạn phát miễn phí cho người dân...

Còn tại tỉnh Bến Tre, mặn đã xâm nhập sâu vào các cửa sông chính. Hầu hết các tuyến kênh, mương cạn kiệt, nước dưới kênh bị nhiễm mặn, ô nhiễm. Hạn, mặn bủa vây, người dân Bến Tre thiếu nước ngọt sinh hoạt. Trong khi đó ở Cà Mau, hạn hán, xâm nhập mặn cũng khiến cho người dân ở một số nơi thiếu nước ngọt cục bộ. Qua rà soát, tỉnh Cà Mau có 2.620 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt do hạn hán. Cục Hậu cần Quân khu 9 điều 3 tàu tải trọng từ 60 - 200 tấn vận chuyển nước ngọt đến cấp miễn phí cho người dân một số xã thuộc các huyện: Thới Bình, U Minh và Trần Văn Thời.

Ngoài ra, hạn, mặn cũng làm sụt lún và sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng ở 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang…

Riêng tỉnh Bạc Liêu, đến thời điểm này vẫn an toàn, chưa có thiệt hại về sản xuất nông nghiệp; vẫn đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn. Tỉnh đã ban hành kế hoạch ứng phó hạn, mặn bằng việc xây dựng 3 kịch bản ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và chọn kịch bản 2 là kịch bản khả thi để triển khai thực hiện. Các giải pháp ứng phó sẽ tiếp tục triển khai đến hết mùa khô năm 2023 - 2024. UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT điều tiết nước một cách linh hoạt trên địa bàn tỉnh đến hết mùa khô 2023 - 2024 để bảo vệ an toàn cho sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sạch cho Nhân dân.

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia nhận định xâm nhập mặn tại ĐBSCL năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (trừ năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020). Từ nay đến giữa tháng 5/2024, tại ĐBSCL có thể xuất hiện 3 đợt xâm nhập mặn (từ ngày 8 - 13/4, từ ngày 22 - 28/4 và từ ngày 7 - 11/5/2024), nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân có thể tiếp tục xảy ra, nhất là tại các khu dân cư trên các cù lao, ven biển, các nơi nguồn dự trữ nước ngọt đã suy giảm sau những đợt nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.

Mực nước ở trong và ngoài cống Thông Lưu (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi) chênh lệch rất cao. Ảnh: M.Đ

NHIỀU GIẢI PHÁP CÔNG TRÌNH ỨNG PHÓ

Hiện các tỉnh ĐBSCL đang quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó hạn, mặn theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Theo đó, yêu cầu ngành chức năng theo dõi sát diễn biến, dự báo, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn tại ĐBSCL để các địa phương và người dân biết; chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó phù hợp, tránh hoang mang, không để xảy ra bị động, bất ngờ.

Ứng phó hạn, mặn cần có những công trình và phi công trình để thích ứng với hạn mặn. Cụ thể, các tỉnh ĐBSCL đã đề xuất với Chính phủ đầu tư nhiều công trình ngăn mặn - giữ ngọt và cấp nước nhằm đảm bảo sinh kế cho người dân trước hạn hán, xâm nhập mặn. Thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023 - 2024.

Ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu, cho biết: Qua thống kê, rà soát, tổng hợp các danh mục công trình nhằm thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT đề xuất 15 danh mục phục vụ sản xuất nông nghiệp và phục vụ nước sinh hoạt cần đầu tư như: Khoan bổ sung giếng nước ngầm, kéo dài tuyến ống các trạm cấp nước, xây dựng trạm cấp nước sạch… phục vụ cho hơn 4.200 hộ dân ở vùng nông thôn, vùng ven biển các huyện, thị, thành phố. Đầu tư “Dự án đầu tư xây dựng mới cống Cái Tràm, Cầu Số 3, Chệt Niêu, Xóm Lung, Ấp Dôn, Cả Vĩnh, cống Nước Mặn tỉnh Bạc Liêu”; nạo vét 8 trục kênh cấp 1 thuộc vùng Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh; Dự án xây dựng các tuyến đê và hệ thống cống lấy nước mặn phục vụ sản xuất 2 xã Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A (huyện Hồng Dân); đầu tư nâng cấp, mở rộng trục kênh cấp nước từ Sóc Trăng - Bạc Liêu; xây dựng cống Xẻo Chích; xây dựng hệ thống 16 cống phía Bắc trục Quản Lộ - Phụng Hiệp… Tổng kinh phí đầu tư cho các hạng mục là hơn 2.222 tỷ đồng. Tuy nhiên, 15 danh mục sẽ được đầu tư theo thứ tự ưu tiên trước sau và tùy vào nhu cầu bức xúc…

Các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đều có những giải pháp công trình riêng cho từng tỉnh, song cũng rất cần có những giải pháp, những công trình mang tính liên kết giữa các tỉnh và cho cả vùng. Bên cạnh những giải pháp công trình thì cũng cần có những giải pháp phi công trình.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh ĐBSCL, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng: Các tỉnh ĐBSCL xây dựng kịch bản, phương án ứng phó chiến lược, dài hơi, kết nối giữa trong tỉnh và liên tỉnh, liên vùng phù hợp với diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu theo dự báo sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Các địa phương triển khai nhanh, khẩn trương công trình, dự án liên quan phòng, chống hạn, mặn; đồng bộ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ thích ứng với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả và có tính chiến lược lâu dài. Các tỉnh cần có những đề xuất mang tầm nhìn cả đồng bằng trong thời gian tới. Chủ động có các giải pháp thích ứng và chung sống với hạn, mặn. Song, cần có những giải pháp công trình và phi công trình bài bản hơn để thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn, mặn…

MINH ĐẠT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.