Văn hóa - Hành trang phát triển Bạc Liêu

Thứ Sáu, 24/02/2023 | 16:12

“Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, tinh thần Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” - một kế thừa của Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 - đã được Bạc Liêu cụ thể hóa bằng việc lấy văn hóa, con người làm một trong những động lực, nền tảng để phát triển.

Tự hào văn hóa truyền thống

Theo dòng chảy lịch sử, sắc thái văn hóa Bạc Liêu hình thành ngay từ khi mở đất. Để giờ đây, nhắc đến Bạc Liêu, người ta nghĩ ngay đến một trong những cái nôi lớn của đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ, nơi nhạc sĩ Cao Văn Lầu cho ra đời bản Dạ cổ hoài lang làm nền móng cho sự phát triển của vọng cổ. Không chỉ là quê hương của Hò chèo ghe, Lý con sáo, Điệu nói thơ Bạc Liêu… Bạc Liêu còn là vùng đất có lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng mà rất đỗi nhân văn. Với du khách xa gần, xứ này được biết đến từ giai thoại Công tử Bạc Liêu lừng danh mang khí phách hào sảng, đến những cơ sở thờ tự cùng phong tục tín ngưỡng đặc trưng, giúp địa phương từng bước nối dài đường băng cất cánh du lịch…

Tự hào và phát huy nền văn hóa vốn có, 25 năm cùng với cả nước thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, và qua các cuộc vận động, phong trào như “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Nông dân sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”, xây dựng hương ước, quy ước khu dân cư… Bạc Liêu đã kiến tạo diện mạo văn hóa cho từng địa bàn cơ sở, các cơ quan, đơn vị, và trong mỗi tế bào xã hội - gia đình…

Bản sắc văn hóa Bạc Liêu với bề dày lịch sử vun bồi, sự giao thoa văn hóa của 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa được xem là một trong những hành trang để địa phương phát triển - đúng với quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta khi xem trọng văn hóa. Có một bề dày văn hóa là điều đáng tự hào; nhưng chỉ dừng lại ở đó thôi cũng là niềm tự hào trong thụ động. Vấn đề là phải biết khai thác giá trị, chuyển hóa văn hóa phục vụ cho phát triển - đây mới là cốt lõi của vấn đề.

Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng và Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều (thứ ba và thứ tư từ phải sang) trao danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân đờn ca tài tử Bạc Liêu. Ảnh: H.T

Động lực cho phát triển

Để văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Bạc Liêu đầu tư xây dựng các công trình văn hóa văn hóa trọng điểm, đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, thành lập các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn hóa - nghệ thuật… đúng như các giải pháp thực hiện Nghị quyết về văn hóa của Trung ương Đảng. Có thể kể đến những công trình văn hóa trọng điểm mang đậm dấu ấn Bạc Liêu như Đền thờ Bác Hồ, Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Nhà Công tử Bạc Liêu, Trung tâm triển lãm văn hóa - nghệ thuật (Nhà hát 3 nón lá)… Chú trọng văn hóa còn là sự đề cao nhân tố con người. Đó là việc quan tâm xây dựng phong cách con người Bạc Liêu hiếu khách, văn minh, lịch thiệp, phát huy tính cách phóng khoáng, hào hiệp, trọng tình của người Bạc Liêu… Tổng hợp những yếu tố này tạo nên sức hấp dẫn rất Bạc Liêu để mời mọc du khách đến với mình, đặt nền tảng cho hoạt động mời gọi hợp tác đầu tư hay nói cách khác là phát triển kinh tế. Những dự án động lực làm nền tảng cho sự phát triển ở Bạc Liêu qua các hội nghị xúc tiến đầu tư là một minh chứng rõ ràng.

Cũng tận dụng thế mạnh từ văn hóa, Bạc Liêu xác định đến năm 2025 sẽ đón trên 7 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 10.000 tỷ đồng, đóng góp 7 - 9% GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho 30.000 lao động. Đến năm 2030, Bạc Liêu có ngành Du lịch phát triển bền vững với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và chuyên nghiệp; là một trong những trung tâm du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cả về quy mô và chất lượng...

Mặc dù vậy, Bạc Liêu cũng đương đầu với những thách thức không nhỏ. Đó là do ở xa Trung ương, xa các trung tâm kinh tế - văn hóa của khu vực và cả nước, sự phát triển về kinh tế ít nhiều còn những hạn chế, đội ngũ trí thức còn ít so với nhu cầu… Nhận thức đầy đủ những thuận lợi nền tảng cũng như khó khăn thực tại để tiếp tục hành trình phát triển, Bạc Liêu được kỳ vọng sẽ phát huy tối đa những giá trị vốn có để “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết Trung ương IX), đi đúng đường hướng “văn hóa soi đường quốc dân đi” mà Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 đã sớm chỉ ra.

CẨM THÚY

-------------------------

Văn hóa - nguồn lực nội sinh quan trọng của phát triển

* Nhà báo Nguyễn Duy Hoàng - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu

Bạc Liêu đã sáng tạo, giữ gìn, phát triển một nền văn hóa bản sắc riêng có của vùng châu thổ Cửu Long và đang tiếp nối quy luật ấy trong lao động, sáng tạo văn hóa. Chúng ta cần làm cho hàm lượng văn hóa thẩm thấu, hòa quyện, gắn kết, tác động qua lại trên tất cả các lĩnh vực của đời sống vật chất và tinh thần, vào tình cảm của con người trong xã hội. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ trên mọi phương diện kinh tế - xã hội, pháp luật, kỷ cương... biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển.

* Tiến sĩ Đào Hoàng Nam - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Bạc Liêu

Phong cách người Bạc Liêu sẽ có tác động rất lớn đối với hiệu quả của việc phát triển kinh tế du lịch của Bạc Liêu. Sức hút từ phía con người là một trong những điểm nhấn rất quan trọng, trước tiên để mời mọc du khách, mời gọi sự hợp tác đầu tư, tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Nghĩa là chúng ta phải xây dựng những con người có phong cách đẹp, có nhân cách văn hóa, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, vì một Bạc Liêu phát triển bền vững trong tương lai.

* Thạc sĩ Lâm Thành Đắc - Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Bạc Liêu

Cần làm cho các yếu tố cấu thành văn hóa thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực đời sống của xã hội như: văn hóa trong sản xuất, văn hóa trong lãnh đạo, văn hóa trong kinh doanh, văn hóa trong lao động, văn hóa trong lối sống, văn hóa trong giao tiếp, văn hóa trong sinh hoạt gia đình, văn hóa trong giao lưu và hợp tác quốc tế... Nói cách khác, hàm lượng trí tuệ, hàm lượng văn hóa trong các lĩnh vực của đời sống xã hội càng cao bao nhiêu thì khả năng phát triển kinh tế - xã hội càng trở nên hiệu quả bấy nhiêu.

Thúy Anh (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.