HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO
Quốc hội xem xét việc rút ngắn nhiệm kỳ khóa XV, thảo luận nhiều dự án Luật
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; bàn việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tổ số 6 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Sóc Trăng, Bình Định, Hà Giang và Bạc Liêu, do đồng chí Lữ Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu làm tổ trưởng.
Phát biểu gợi ý thảo luận, đồng chí Lữ Văn Hùng đề nghị các vị ĐBQH tập trung thảo luận và cho ý kiến các vấn đề liên quan đến 3 dự thảo Luật và việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trong đó, chủ tọa đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, cho ý kiến về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; tính khả thi của các dự thảo Luật; riêng với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND thì cho ý kiến thêm về tính khả thi trong việc sửa đổi các quy định nhằm điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử. Riêng đối với việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, dự kiến rút ngắn 3 tháng, kết thúc vào đầu tháng 4/2026 (thay vì tháng 7/2026), đồng chí Lữ Văn Hùng thông tin thêm, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 dự kiến sẽ được tổ chức vào Chủ nhật, ngày 15 tháng 3 năm 2026 theo tính toán là phù hợp với các yêu cầu về thực tiễn. Do vậy, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cần thiết, đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến thêm.
Đồng chí Lữ Văn Hùng - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, Tổ trưởng Tổ 6 phát biểu hướng dẫn gợi ý thảo luận tổ.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu tham gia góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Cụ thể, đại biểu nhận thấy phạm vi sửa đổi, bổ sung các nội dung không lớn nhưng liên quan đến 47/98 điều của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND 2015, trong đó tập trung vào 4 nhóm nội dung trọng tâm. Số điều phải sửa đổi gần 50%, do đó, đại biểu đề nghị tên gọi của dự thảo Luật là “Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND (sửa đổi)” sau khi có hiệu lực hợp nhất để phục vụ cho công tác bầu cử thuận lợi hơn. Mặt khác, thời điểm sau kết thúc Hội nghị Trung ương lần thứ 11 có nhiều nội dung mới liên quan đến việc bầu cử, do đó đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung để kịp thời thể chế chủ trương của Đảng trong dự thảo luật. Đại biểu Hoa Ry cũng cho ý kiến liên quan đến đảm bảo chính sách dân tộc trong dự thảo luật và một số nội dung cụ thể khác.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu tham gia thảo luận tổ chiều 12/5.
Tin, ảnh: K.P - T.THÚY