BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Khi lòng yêu nước được nhân lên
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) với chương trình diễu binh, diễu hành vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vẫn còn nóng trên các trang mạng xã hội (MXH) dù đã trôi qua hơn 10 ngày. Sức nóng của một sự kiện chính trị được cả xã hội quan tâm, đón nhận và kéo dài đến những ngày sau đó là kết quả rực rỡ từ việc lòng yêu nước được nhân lên, lan tỏa.
“Viết tiếp câu chuyện hòa bình”
Có mặt tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày hôm sau, khi Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước kết thúc, du khách vẫn cảm nhận rõ không khí tưng bừng và rực rỡ của một ngày hội lớn. Cờ đỏ sao vàng phấp phới trên từng nẻo đường, đỏ rực trên từng căn hộ chung cư cao cấp, tươi thắm trong từng quán cà phê; dòng người thì vẫn như thác đổ về địa điểm trung tâm thành phố là Dinh Độc lập. Đứng giữa thành phố mang tên Bác trong khung cảnh thanh bình đẹp đẽ ấy, mới hiểu hết ý nghĩa của câu nói “Hòa bình có đẹp không?” xuất hiện liên tục trên các trang MXH như một chủ đề để mọi người cùng bày tỏ lòng yêu nước theo cách nhìn nhận của mình. Vâng, hòa bình đẹp lắm!
Tiếng máy bay chiến đấu - nỗi ám ảnh của thế hệ từng đi qua chiến tranh, với thế hệ trẻ hôm nay lại đầy háo hức khi đón chờ màn trình diễn trong ngày hội lớn. Đó là cả một sự an tâm, là niềm tin vào một tương lai tươi sáng và bình yên. Giữa nắng cháy tháng 4, các chiến sĩ sau giờ luyện tập cho chương trình diễu binh đã hòa mình vào những buổi giao lưu văn nghệ cùng người dân. Rồi hình ảnh người dân đứng kín cả hai bên đường chào đón các khối diễu binh bước qua đã minh họa cụ thể và sắc nét cho câu nói “đi giữa lòng Nhân dân”. Những ca từ của bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng vang dội với sự hòa giọng của tất cả người dân như một bản hòa ca xúc động của hòa bình, độc lập, tự do.
Người dân kết hình ngôi sao năm cánh từ những chiếc khăn rằn trên khán đài chính tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: chinhphu.vn
“Concert (một buổi hòa nhạc lớn với nhiều chương trình đặc sắc) quốc gia” là cách mà người trẻ gọi tên các hoạt động trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Một cách rất hiện đại nhưng rất trân trọng truyền thống, những người trẻ hôm nay sử dụng các hình ảnh, thước phim thật đẹp và cả những hành động ý nghĩa để nói về giá trị của hòa bình, để thể hiện lòng yêu nước. Trên MXH, họ thẳng thắn nêu ý kiến phản bác sắc bén khi có một bình luận xuyên tạc Đảng và Nhà nước; trong đời sống, các bạn thể hiện lòng biết ơn với các cựu chiến binh bằng những hành động trân trọng, hay cùng nhau đi thu gom rác trên khắp các ngả đường, công viên, những nơi tập trung đông người theo dõi đại lễ vừa qua. Như hiệu ứng con sóng, lối sống đẹp, sống cống hiến cho Tổ quốc, cho đất nước, sống nghĩa tình đã lan rộng một cách mạnh mẽ, cuốn phăng những hành động xấu, những phát ngôn không đúng chuẩn. Hòa bình đẹp, cũng là từ những hình ảnh đẹp như thế!
Yêu nước bằng hành động thiết thực
Còn nhớ trước khi diễn ra chương trình diễu binh, diễu hành, vẫn có những ý kiến lạc lõng như “làm chi cho tốn kém, tại sao không lấy tiền đó lo an sinh xã hội?”. Câu trả lời có lẽ không cần dài dòng mà chỉ cần nhìn vào thực tế sẽ rõ. Bởi ai cũng thấy nhiệm vụ nào - từ việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân đến việc chăm lo an sinh xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng… cũng đều được quan tâm một cách đồng đều, không nội dung nào bị xem nhẹ và bỏ lại. Ngay tại thời điểm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả hệ thống chính trị cũng tập trung dồn sức cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát song song với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Rồi các chủ trương miễn học phí, hay sắp tới là miễn viện phí… đã cho thấy tính chất ưu việt của Nhà nước ta, một Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành của Nhà nước và toàn hệ thống chính trị, đất nước ta ngày càng ghi thêm nhiều dấu ấn trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa dân tộc vững vàng tiến vào kỷ nguyên vươn mình. Và chương trình diễu binh, diễu hành như một ngọn lửa làm bùng lên tình yêu nước, giúp gắn kết truyền thống và hiện tại, lan tỏa những giá trị dân tộc cao cả, đồng thời quảng bá một hình ảnh Việt Nam hùng cường đến với thế giới, thì cớ sao không nên tổ chức?
Thay vì hoài nghi, chỉ trích, trước vận hội mới của đất nước, mỗi người dân hãy thể hiện lòng yêu nước chân chính của mình. Người trẻ thì cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt, hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình hay tham gia nghiên cứu khoa học để phù hợp với thời đại 4.0; người công nhân, doanh nhân thì lao động tích cực, hăng hái để làm giàu chính đáng. Mỗi người dân, dù ở tầng lớp nào đều có thể bày tỏ lòng yêu nước theo cách riêng mình, có khi từ việc nhỏ như không vứt rác bừa bãi, không tàn phá môi trường, luôn tuân thủ pháp luật trong các hoạt động của cuộc sống. Và thậm chí, nói một câu tiếng Việt đúng ngữ pháp, văn cảnh, thể hiện sự tự tôn với ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc mình, cũng là biểu hiện của lòng yêu nước. Những việc làm không chỉ thể hiện ý thức công dân của mỗi người, mà còn là trách nhiệm xã hội, và thông qua đó, thể hiện lòng yêu quê hương, xứ sở một cách thiết thực, hiệu quả nhất.
Hòa bình không chỉ đem lại sự ổn định mà còn là nền tảng vững chắc để nền kinh tế phát triển, xã hội tiến bộ, tiến tới đất nước phồn vinh. Chúng ta đã có hòa bình và nền hòa bình ấy phải được củng cố, vun đắp. Đó là quốc gia phải mạnh mẽ, độc lập về kinh tế, vươn tới mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển, phồn vinh và hạnh phúc vào năm 2045 - khi đất nước tròn 100 tuổi. Trong thời đại vinh quang ấy, lòng yêu nước thật sự trở thành động lực, thúc giục mỗi người dân ngày đêm phấn đấu không ngừng để giành lấy vinh quang về cho nước nhà. Niềm tự hào với truyền thống cha ông, ý chí tự lực tự cường và ý thức tự tôn dân tộc cùng với ước mơ, khao khát vươn lên sẽ là sức mạnh nội sinh đưa đất nước vươn cao hơn nữa trên con đường phát triển.
Thanh Lâm