Tiêu điểm

Cần tư duy đột phá cho phát triển nông nghiệp

Thứ Hai, 05/05/2025 | 16:09

Nhìn lại sản xuất nông nghiệp năm qua cho thấy, ngành Nông nghiệp đã ghi dấu mốc kỷ lục mới khi đạt kim ngạch xuất khẩu trên 62 tỷ USD. Riêng ngành tôm Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức để đạt kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2023 và góp phần quan trọng vào kỷ lục 10 tỷ USD của ngành Thủy sản.

Giới thiệu quy trình nuôi tôm công nghệ cao tại Hội chợ quốc tế ngành tôm năm 2025 tại TP. Cần Thơ.

XOAY TRỤC KINH TẾ

Đến nay, con tôm Việt Nam đã tiếp cận hơn 100 thị trường, tăng thêm 5 thị trường so với năm 2023. Đây là một thành tích ấn tượng trong xuất khẩu tôm của Việt Nam và càng khẳng định thế mạnh đặc thù của các tỉnh khu vực ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó có Bạc Liêu.

Song, nhìn trên tổng thể sản xuất nông nghiệp nói chung và nghề nuôi tôm nói riêng đến nay vẫn trong tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Mặt khác, tuy bước đầu đã hình thành nên những liên kết trong phát triển sản xuất, nhưng sự liên kết này chưa nhiều, thiếu bền chặt, thậm chí dễ bị bẻ gãy khi thị trường tiêu thụ biến động và dường như vẫn chưa có một sự ràng buộc nào về trách nhiệm, tính pháp lý giữa doanh nghiệp và nông dân.

Bạc Liêu tuy được mệnh danh là “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm cả nước, nhưng đến nay chỉ có 7 công ty, đơn vị và 901 hộ dân thả nuôi tôm thẻ chân trắng 2 - 3 giai đoạn với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 2.873ha, so với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 126.580ha. Với diện tích trên, Bạc Liêu khó sản xuất ra lượng hàng hóa lớn cũng như chưa khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế từ ngành Thủy sản vốn đã được Bộ Chính trị, Chính phủ cụ thể hóa trong việc phát triển kinh tế từ các nghị quyết chiến lược cho vùng ĐBSCL. Đó là chuyển từ tư duy dựa vào sản xuất “lúa gạo, rau quả và thủy sản” xoay trục sang “thủy sản, rau quả và lúa gạo” khi thực tiễn chứng minh thủy sản đã trở thành mặt hàng chiến lược của vùng ĐBSCL và của tỉnh Bạc Liêu. Sự “xoay trục” về tư duy này đã đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển bền vững và tăng tính thích ứng trong điều kiện Bạc Liêu là một trong những tỉnh của khu vực ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề từ triều cường, xâm nhập mặn và nhất là tình trạng nước biển dâng.

Vì vậy, để thực hiện thắng lợi mục tiêu “xoay trục” theo đúng tinh thần của Nghị quyết 120 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Bạc Liêu cần quyết liệt hơn nữa trong việc tập trung tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong đó, quy hoạch tổng thể và chi tiết cho ngành Thủy sản phải đi trước một bước, đặc biệt là quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong khi đã trải qua 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, con tôm luôn được xác định là thế mạnh kinh tế hàng đầu và cũng là “trụ cột” quan trọng quyết định đến tăng trưởng kinh tế nhưng đến nay Bạc Liêu vẫn chưa có quy hoạch cho con tôm công nghệ cao! Hệ quả của việc chậm trễ này là thực trạng của một bức tranh nuôi trồng phát triển chậm so với các tỉnh đi sau, sản xuất manh mún và tạo ra hàng loạt các áp lực về ô nhiễm môi trường. Đó là chưa kể đến những kế hoạch chiến lược trong đầu tư, khai thác và phát huy giá trị của con tôm xuất khẩu khi gần 90% con tôm chỉ xuất bán nguyên liệu thô, thiếu và chưa có nhiều các mặt hàng mang lại giá trị gia tăng cao.

Nông dân tăng thêm thu nhập từ mô hình sản xuất kết hợp trên vùng đất phèn mặn.

TĂNG THÍCH ỨNG VÀ TĂNG NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG

Cùng với tập trung tái cơ cấu gắn với sản xuất hàng hóa lớn, thiết nghĩ tỉnh cùng cần quan tâm đến tư duy khác - đó chính là tăng thích ứng và phù hợp với sự phát triển khách quan của từng vùng sinh thái theo kiểu vừa trồng lúa, vừa nuôi tôm, vừa phát triển rau màu và nuôi cá nước lợ theo hướng “đa cây, đa con” mà vùng sinh thái phía Bắc của tỉnh với mô hình sản xuất kết hợp là một điển hình. Điều quan trọng trong tư duy phát triển các mô hình này chính là bài toán năng suất, chất lượng và thu nhập tăng thêm trên một đơn vị diện tích. Hay nói cách khác, đó là sản xuất nông nghiệp với tư duy tích hợp, thay vì chỉ tập trung cho con tôm và cây lúa.

Hiện nay, với thực trạng ở một số tiểu vùng chưa thể hình thành nên vùng sản xuất hàng hóa lớn và chưa tập trung ruộng đất thì mô hình trên chính là sinh kế và tạo ra thu nhập cho nông dân, chủ động tránh sự lệ thuộc hoàn toàn vào cây lúa và con tôm. Xét ở góc độ nào đó, việc “xoay trục” trong phát triển kinh tế nông nghiệp với một tư duy mới trong điều kiện biến đổi khí hậu và cạnh tranh về thương mại như hiện nay là một nhu cầu tất yếu cho phát triển bền vững. Đồng thời, góp phần hóa giải các thách thức, nguy cơ trở thành thời cơ và cơ hội cho phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt là tăng tính thích ứng và khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương.

Con tôm đã góp phần quan trọng vào tăng kim ngạch xuất khẩu cho quốc gia. Ảnh: K.T

Để thực hiện tốt các giải pháp trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Bạc Liêu sẽ ưu tiên phát triển một số công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ thông tin 4.0, công nghệ tự động hóa, công nghệ nhà kín, nhà lưới, công nghệ nano, công nghệ quan trắc môi trường, công nghệ trong vận chuyển, chế biến sản phẩm sau thu hoạch. Đồng thời, xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao như: Công nghệ chế tạo, sản xuất các chế phẩm vi sinh vật đạt tiêu chuẩn quốc tế; công nghệ canh tác không dùng đất quy mô công nghiệp; công nghệ thế hệ mới trong xử lý, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất thâm canh, siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao cho các đối tượng chủ lực của tỉnh (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể, lúa gạo chất lượng cao và đặc sản, rau, quả công nghệ cao, heo, bò, dê, gia cầm) để phát triển hiệu quả, bền vững; mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn, hữu cơ, an toàn sinh học, an toàn thực phẩm; sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC... gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu các đối tượng chủ lực…

KIM TRUNG

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường - Lưu Hoàng Ly: Chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp

Theo Quyết định 454 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 2025, cơ cấu nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 40,27% và sản lượng thủy sản 600.000 tấn (trong đó tôm 341.000 tấn), sản lượng lúa 1.234.000 tấn.

Để hoàn thành các chỉ tiêu này và tiếp tục phát huy thế mạnh của “trụ cột” nông nghiệp cho tăng trưởng kinh tế, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ thực hiện đồng bộ các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng ngành Thủy sản và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng vùng sản xuất lớn, tập trung nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm tôm và tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, thu hồi các dự án chậm tiến độ, sai phạm, gây lãng phí đất đai theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm, kịp thời các hoạt động vi phạm quy định pháp luật về thủy sản; chú trọng quản lý chất lượng giống, thức ăn, thuốc và các chế phẩm sinh học trong nuôi tôm; kiểm tra thực hiện phòng, chống dịch bệnh thủy sản theo quy định; quản lý chất lượng nguồn nguyên liệu, ngăn chặn triệt để hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu; tăng cường giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về thủy sản, kinh tế biển của tỉnh cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước biết để có kế hoạch và hướng đầu tư vào Bạc Liêu. Đẩy mạnh thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo Nghị định 98/2018 của Chính phủ; tập trung nguồn lực xúc tiến thương mại vào các thị trường lớn như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN… Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông chủ động, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm tôm Bạc Liêu đến các nhà phân phối, hệ thống siêu thị, tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng trên thế giới.

Tổ chức sản xuất các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, theo “chuỗi giá trị ngành tôm”; doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ và các hợp tác xã, tổ hợp tác đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp, người nuôi tôm đẩy mạnh sản xuất theo hướng ứng dụng rộng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC...); thực hiện đăng ký xác nhận đối tượng nuôi chủ lực để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc, cung cấp nguồn nguyên liệu sạch cho chế biến xuất khẩu. Hoàn thành và đưa vào hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với vai trò là hạt nhân tác động, dẫn dắt và nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Đồng thời là nòng cốt, động lực để hiện thực hóa mong muốn của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Đặc biệt, xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận “Tôm sạch Bạc Liêu”, bảo vệ thương hiệu và nâng cao giá trị thương hiệu được chứng nhận, bao gồm cả số lượng và chất lượng, có dấu hiệu nhận diện rõ ràng, chất lượng đảm bảo, ổn định, được người tiêu dùng chấp nhận và tin tưởng.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, công trình động lực liên quan đến hạ tầng giao thông, thủy lợi, lưới điện; thực hiện các chương trình, dự án lồng ghép bảo vệ môi trường, triển khai thực hiện quan trắc môi trường nước tại các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của tỉnh; áp dụng công nghệ hiện đại trong đánh giá và thông báo tình hình môi trường nước ở các tuyến kênh rạch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; vận hành có hiệu quả đường dây nóng về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Thúc đẩy các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, bảo vệ môi trường, các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, hữu cơ, công nghệ cao…

Đối với sản xuất lúa, sẽ tập trung bảo vệ diện tích chuyên lúa ở những nơi có điều kiện, tăng diện tích thâm canh lúa - tôm, lúa - rau - màu. Tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực: lúa gạo chất lượng cao và đặc sản; rau, quả công nghệ cao; xây dựng các vùng sản xuất hữu cơ phù hợp với các sản phẩm chủ lực và tại các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh; giữ ổn định diện tích đất chuyên trồng lúa nước ở Tiểu vùng giữ ngọt ổn định và mở rộng địa bàn sản xuất lúa trên đất tôm - lúa ở Tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A, gắn với đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống công trình thủy lợi phân ranh mặn - ngọt; nạo vét hệ thống kênh mương bị bồi lắng; phát triển hệ thống trạm bơm điện vừa và nhỏ; từng bước thực hiện kiên cố hóa kênh mương (gia cố bờ kênh, xây dựng cống, đập, trạm bơm); phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao (lúa thơm, lúa đặc sản: Nàng Hoa 9, Đài thơm 8, RVT, ST24, ST25...) và lúa chất lượng cao mang thương hiệu Bạc Liêu (giống lúa BL9); tập trung xây dựng và phát triển thêm nhiều vùng nguyên liệu, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiệu quả và liên kết bao tiêu lúa gạo; xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao mang thương hiệu Bạc Liêu; xây dựng vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao, kháng sâu bệnh, chống chịu được hạn hán, xâm nhập mặn, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng vật tư và xử lý chất thải nông nghiệp; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và sử dụng các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; hỗ trợ tập huấn khuyến nông và các dịch vụ tư vấn nhằm nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cho nông dân... 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.