Tiêu điểm
Nâng chất tiêu chí để xây dựng nông thôn mới bền vững
Xây dựng nông thôn mới (NTM) được xác định là mục tiêu chiến lược và mang tính xuyên suốt trong thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn và nông dân. Do vậy, việc duy trì và nâng chất các tiêu chí sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu lại càng quan trọng hơn, nhằm chủ động tránh bệnh thành tích, phát triển kém bền vững và thụt lùi trong điều kiện các xã sẽ được sáp nhập với nhau.
Nông dân huyện Hòa Bình thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.
NHỮNG KẾT QUẢ ĐÁNG PHẤN KHỞI
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành, địa phương đã phát động nhiều phong trào thi đua gắn với huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 49/49 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100% kế hoạch và vượt mục tiêu Trung ương giao (80%); 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, vượt mục tiêu Trung ương giao (40%); 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, vượt mục tiêu Trung ương giao (10%). Đồng thời, có 2/7 đơn vị cấp huyện (huyện Phước Long, TP. Bạc Liêu) đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đạt mục tiêu Trung ương giao. Riêng tháng 4/2025, UBND tỉnh đã tổ chức họp thẩm định, xem xét công nhận xã Phong Thạnh A (TX. Giá Rai) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về giáo dục; xã Định Thành, Định Thành A (huyện Đông Hải) và xã Phong Tân (TX. Giá Rai) đạt tiêu chí NTM nâng cao.
Từ những kết quả đáng phấn khởi trên cho thấy, chủ trương xây dựng NTM được soi rọi bằng các nghị quyết chuyên đề từ tỉnh đến các địa phương đã đi vào chiều sâu, khơi dậy ý thức, trách nhiệm, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Việc thực hiện các nghị quyết về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đã tạo nên những tiền đề, động lực và góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển văn hóa, giáo dục, giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nông dân và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…
Thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về tăng cường xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu (giai đoạn 2021 - 2025), Huyện ủy Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XII) về xây dựng huyện NTM nâng cao. Qua hơn 4 năm thực hiện, đến nay huyện Hòa Bình đã có điều kiện cơ sở vật chất tốt, hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường quy hoạch. Công tác đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp hệ thống giao thông được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, góp phần hoàn thiện đường giao thông, đảm bảo ô tô đến trung tâm các xã. Các tuyến đường giao thông từ trục xã, ấp, ngõ xóm được cứng hóa, đảm bảo thuận tiện đi lại, giúp phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn. Hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo đã và đang đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất và phòng, chống thiên tai, lưu thông hàng hóa, đáp ứng điều kiện dân sinh và huyện đã xây dựng được 17 ô đê bao…
Với sự quan tâm huy động nguồn lực cho phát triển hạ tầng, các thế mạnh về kinh tế của huyện được phát huy tốt và mang lại nhiều lợi nhuận cho nông dân. Sản lượng lúa hằng năm ổn định trên 199.000 tấn và diện tích trồng lúa chất lượng cao chiếm tỷ lệ 80% so với tổng diện tích trồng lúa. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi. Đến nay, toàn huyện có 100% diện tích làm đất bằng máy, 100% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và nông dân đã tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất ngày càng nhiều như: sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GAP, SRP, ứng dụng chế phẩm vi sinh, sản xuất theo mô hình tưới ướt khô xen kẽ, canh tác lúa thông minh, 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm…
Cùng với đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt gần 90%, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,85%; 31/32 trường đạt chuẩn quốc gia; có 438 hộ thoát nghèo (đạt 110% so với chỉ tiêu tỉnh giao, vượt 0,55% so với nghị quyết của huyện) và hộ nghèo đến cuối năm 2024 chỉ còn 239 hộ (chiếm 0,85%); giải quyết việc làm cho 3.364/2.500 lao động, đạt 134,56% so với chỉ tiêu tỉnh giao, vượt 12,13% so với nghị quyết của huyện... Đặc biệt, huyện Hòa Bình đã huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác để thực hiện xây dựng NTM được gần 400 tỷ đồng. Cũng như, vận động Nhân dân trên địa bàn đóng góp, cùng chung tay xây dựng NTM hơn 6 tỷ đồng và nhiều ngày công lao động, hiến tặng đất làm đường giao thông, nhà văn hóa, kênh thủy lợi - thủy nông nội đồng và các công trình phúc lợi khác..
Quan tâm phát triển sản xuất giúp nông dân tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững (thu hoạch tôm ở huyện Đông Hải). Ảnh: K.T
DUY TRÌ VÀ NÂNG CHẤT CÁC TIÊU CHÍ
Những kết quả đạt được trong xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu thời gian qua đáng được ghi nhận và tuyên dương. Song, một trong những vấn đề cần được quan tâm chính là việc tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu sau khi được công nhận. Thực tiễn cho thấy, một số địa phương trong thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu còn mang nặng bệnh thành tích và chủ yếu thực hiện các tiêu chí để được công nhận theo kế hoạch hay lộ trình; trong khi tính bền vững của các tiêu chí lại chưa được quan tâm nhiều. Cụ thể, để hoàn thành tiêu chí về y tế với độ bao phủ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) phải đạt trên 95%, các địa phương vận động các doanh nghiệp hay các nhà tài trợ BHYT “xé nhỏ” ra và chỉ mua BHYT 3 tháng để mua được cho nhiều người, thay vì tặng thẻ BHYT lâu nay là 12 tháng. Điều này dẫn đến việc sau khi được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thì tỷ lệ bao phủ về BHYT sẽ giảm ngay. Hay trong công tác quản lý quy hoạch, đến nay các địa phương thực hiện vẫn chưa tốt, tình trạng sản xuất trái quy hoạch, xây dựng không phép và không tuân thủ quy hoạch là khá phổ biến…
Vấn đề đặt ra, trong thực hiện 19 tiêu chí sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thì đâu là tiêu chí ưu tiên? Nhìn trên tổng thể, mỗi tiêu chí đều giữ một vai trò và có ý nghĩa khác nhau, luôn tương hỗ và bổ trợ cho nhau trong thực hiện các tiêu chí còn lại. Chẳng hạn như tiêu chí về quốc phòng - an ninh, có đảm bảo trật tự an toàn xã hội thì mới phát triển được kinh tế, thu hút được đầu tư và ngược lại, khi kinh tế tăng trưởng mới tạo ra nguồn lực để đầu tư cho an ninh và tăng tiềm lực về quốc phòng…
Tuy nhiên, với thế mạnh và xuất phát điểm của một tỉnh thuần nông, nền kinh tế dựa vào sản xuất nông nghiệp làm “trụ cột” và tham gia giải quyết việc làm, thu nhập cho hơn 90% lao động các xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thì cần quan tâm và dồn sức cho 3 tiêu chí quan trọng và có tính chi phối, gồm: Tiêu chí 2 về giao thông, tiêu chí 3 về thủy lợi - phòng, chống thiên tai và tiêu chí 13 là tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Đây chính là những “tiêu chí cứng” làm nền tảng trong thực hiện các tiêu chí khác. Như huyện Hồng Dân, muốn phát triển kinh tế nông nghiệp thì giao thông và hạ tầng thủy lợi phải đi trước một bước. Bởi đây là điều kiện cần để tổ chức tốt sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Khi kinh tế tăng trưởng sẽ kéo theo sự phát triển của cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (tiêu chí 7) và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động (tiêu chí 12), giúp nông dân tăng thu nhập (tiêu chí 10) và hướng đến giảm nghèo bền vững (tiêu chí 11), cũng như có tiền tham gia BHYT (tiêu chí 14), đóng góp vào thực hiện thắng lợi các tiêu chí khác về chất lượng môi trường sống, tham gia xây dựng giao thông nông thôn, phát triển giáo dục, hưởng thụ văn hóa…
Với quyết tâm phát triển “tam nông” và thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, việc tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua giữ vững và nâng chất các tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu chắc chắn sẽ tạo nên những động lực mới cho các vùng quê bứt phá, phát triển nhanh và bền vững.
Phát triển hệ thống giao thông góp phần thúc đẩy kinh tế hàng hóa vùng nông thôn phát triển.
Nhằm duy trì và nâng chất các tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, Bạc Liêu tiếp tục phát huy nền tảng, sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Cũng như, tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và nguồn ngân sách nhà nước đã được phân bổ theo danh mục đã được UBND tỉnh phê duyệt; thực hiện lồng ghép có hiệu quả từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, gắn với việc chỉnh trang đô thị, thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng thật sự làm chủ trong xây dựng NTM. Tăng cường công tác quản lý xây dựng cơ bản, đảm bảo các công trình đầu tư phải nằm trong quy hoạch và mục tiêu đầu tư phải hướng đến hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng NTM và quản lý, sử dụng có hiệu quả các dự án, công trình sau đầu tư…
KIM TRUNG
Bí thư Huyện ủy Hòa Bình - Lý Công Bắc: Xây dựng nông thôn mới theo hướng toàn diện, đi vào chiều sâu và bền vững
Căn cứ vào đặc điểm tình hình, Huyện ủy Hòa Bình đã chỉ đạo các ban, ngành huyện và UBND các xã tập trung rà soát theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, của tỉnh. Trong đó, các xã cần có sự chủ động trong việc ưu tiên triển khai thực hiện các tiêu chí dễ, cần ít kinh phí, không nên trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn phân bổ từ cấp trên. Đồng thời, có sự phân công rõ ràng, cụ thể cho từng cán bộ, tổ chức trong việc chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM. Đặc biệt, phải tập trung phát huy các thế mạnh của huyện về kinh tế nông nghiệp gắn với tiêu chí 13 mà sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất, nâng cao hiệu quả tôm, lúa giai đoạn 2021 - 2025; phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của huyện thông qua xây dựng các sản phẩm OCOP là khâu đột phá.
Bên cạnh đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện các tiêu chí như: giao thông, thu nhập, tỷ lệ nghèo đa chiều, tỷ lệ người dân tham gia BHYT, môi trường… Vì đây là những tiêu chí cần nguồn lực và thời gian để thực hiện đạt chuẩn theo quy định.
Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, Huyện ủy sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo hướng chất lượng và bền vững, không chạy theo thành tích. Quán triệt phương châm “Xây dựng NTM là quá trình lâu dài, là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc”. Đồng thời, xác định mục tiêu xây dựng NTM theo hướng toàn diện, đi vào chiều sâu và bền vững.
Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và dân cư nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh phát động. Thực hiện có hiệu quả 11 nội dung của chương trình và 6 chương trình chuyên đề trọng tâm, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đế bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM về môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện Chương trình OCOP và chuyển đổi số trong xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch nông thôn…