Tiêu điểm

Nâng cao ý thức, chung tay bảo vệ môi trường

Thứ Sáu, 09/05/2025 | 15:29

Bảo vệ môi trường (BVMT) gắn với phát triển bền vững trong điều kiện phải ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành mục tiêu xuyên suốt của Bạc Liêu. Trong đó, việc thu gom, xử lý, tận dụng và xem rác thải là “tài nguyên” được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu với những mô hình, cách làm hay.

Thành đoàn TP. Bạc Liêu ra quân thu gom và xử lý rác thải tại các khu dân cư.

Còn nhiều khó khăn

Công tác BVMT và quản lý, xử lý rác thải tuy được các ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo thường xuyên nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Thực tế ở các khu dân cư trên địa bàn TP. Bạc Liêu, tình trạng người dân vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường vẫn còn, trong khi nhân viên Trung tâm Dịch vụ đô thị đến tận nhà thu gom rác hằng ngày. Bên cạnh đó, mặc dù thành phố đã tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng TP. Bạc Liêu xanh - sạch - đẹp và văn minh nhưng vấn nạn xả rác bừa bãi mãi không dẹp được, các tổ chức đoàn thể vẫn cứ phải tổ chức ra quân thu gom và xử lý rác.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Môi trường, tổng lượng rác thải rắn của các huyện, thị xã và thành phố khoảng gần 450 tấn/ngày. Điều đáng nói, phần lớn rác thải được thu gom, vận chuyển, xử lý lâu nay chỉ tập trung ở các trung tâm hành chính của các địa phương thông qua hợp đồng do Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh và Trung tâm Dịch vụ đô thị các huyện, thị xã thực hiện. Phương thức thu gom bằng xe đẩy tay từ các hẻm ra các đường lớn và vận chuyển lên các xe ép rác, xe tải chuyển đến các bãi rác xử lý. Riêng các doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất - kinh doanh, tùy theo loại hình và lượng rác mà có định mức thu riêng. Đặc biệt, việc thu gom và xử lý rác khu vực nông thôn còn gặp khó, do dân cư tập trung và phân bố không đều, còn hạn chế về giao thông và tải trọng…, nên phần lớn người dân xử lý rác bằng cách đốt, chôn lấp hay thải trực tiếp xuống hệ thống kênh, mương và các con sông lớn. Song, có một điều đáng quan tâm hơn cả chính là phần lớn rác thải trên địa bàn tỉnh chưa được tiến hành phân loại tại nguồn và tất cả các loại rác thải được thu gom đều chuyển đến bãi chôn lấp để xử lý càng tạo nhiều áp lực trong việc phân loại, xử lý, nhất là những rác thải có tính nguy hại cao.

Mô hình thu gom rác thải nhựa và chung tay bảo vệ môi trường của Đoàn Thanh niên Phường 2 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D

NHIỀU MÔ HÌNH HAY

Thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT của người dân, doanh nghiệp không ngừng được nâng cao. Theo đó, đã xuất hiện nhiều mô hình hay trong xây dựng đô thị văn minh và nông thôn mới. Điển hình như mô hình đổi rác thải lấy lương thực, cây xanh của Huyện đoàn Vĩnh Lợi, mô hình thu gom bọc nylon của Hội LHPN huyện Phước Long, mô hình thu gom rác thải nhựa và chung tay BVMT của Đoàn Thanh niên Phường 2…

Cùng với các địa phương, các ngành cũng tích cực chỉ đạo ra quân làm vệ sinh môi trường và tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quyết định 13 của UBND tỉnh về quy định quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; Quyết định 34 ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh; Quyết định 18 của UBND tỉnh quy định về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh để góp phần quản lý, xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh và Quyết định 530 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh…

Song song đó, tổ chức tặng hàng trăm thùng đựng rác (loại 240 lít) cho UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để thực hiện tốt hơn công tác thu gom rác trên địa bàn và thực hiện mô hình ủ rác hữu cơ thành phân compost phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và trồng rau màu. Ngoài ra, còn đầu tư xây dựng các bể thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ở các địa phương chuyên lúa vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A và tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền và truyền thông về công tác BVMT…

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác BVMT, các ngành, địa phương cần thực hiện tốt hơn nữa các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025 thuộc lĩnh vực môi trường; Chỉ thị 06 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng các mô hình quản lý, xử lý và tận dụng rác thải gắn với phát huy ý thức, trách nhiệm của cả cộng đồng trong quản lý, xử lý rác thải vì sự phát triển bền vững trong tương lai.

Những tác hại và hậu quả của rác thải nhựa gây ra môi trường

- Rác thải nhựa rất khó bị phân hủy trong môi trường tự nhiên. Mỗi loại chất nhựa có số năm phân hủy khác nhau với thời gian rất dài, hàng trăm năm, thậm chí có khi hàng ngàn năm. Theo cảnh báo của các nhà khoa học: chai nhựa phân hủy sau 450 - 1.000 năm và ống hút, nắp chai sẽ phân hủy sau 100 - 500 năm.

- Các loài động vật khi ăn phải rác thải nhựa có thể chết, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng sinh thái.

- Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không khí và môi trường nước. Như khi đốt, rác thải nhựa sẽ sinh ra chất độc dioxin, furan gây ô nhiễm không khí, gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư… Hay chôn lấp, rác thải nhựa sẽ làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi qua đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Hơn nữa, nó có thể làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra cái chết của các vi sinh vật có lợi cho cây ở dưới lòng đất. Đặc biệt, rác thải nhựa gây ra tình trạng “ô nhiễm trắng” tại các điểm du lịch, ảnh hưởng đến không gian nghỉ ngơi và thư giãn của con người…

TRUNG NGỌC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.