Báo chí với sứ mệnh phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Thứ Hai, 12/05/2025 | 16:19

>> Bài 2: Tiếp nối sứ mệnh những nhà báo đặc biệt

Bài 3: Báo chí tô sáng diện mạo văn hóa Bạc Liêu

Từ buổi sơ khai của nền báo chí cách mạng với nhiệm vụ là một binh chủng đắc lực trong kháng chiến, cho đến thời kỳ bùng nổ thông tin hiện tại, hòa cùng dòng chảy cả nước, giai đoạn nào báo chí Bạc Liêu cũng có những đóng góp quan trọng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Với ý thức trân trọng “của để dành” người đi trước để lại, báo chí Bạc Liêu đã trở thành tiếng nói tích cực góp phần quảng bá những tinh túy, bản sắc văn hóa đặc trưng tạo nên vị thế riêng cho vùng đất này.

Hun đúc ý chí chiến đấu

Xin điểm lại một lát cắt lịch sử của báo chí Bạc Liêu ở giai đoạn sau Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử và Hiệp định Genève (tháng 7/1954) được ký kết, đất nước tạm thời bị chia cắt. Báo chí cách mạng ở mỗi tỉnh, thành miền Nam Việt Nam khi ấy nhận trọng trách mới: hun đúc, động viên quần chúng nhân dân đấu tranh chống lại âm mưu phá hoại của kẻ thù.

Với sứ mệnh mới, đội ngũ người làm báo trong chiến tranh đã chắc tay súng, vững tay bút để tạo nên những bài “hịch chiến đấu” với lập luận sắc bén tố cáo tội ác của địch, dấy lên tinh thần đấu tranh của quần chúng. Báo chí trở thành binh chủng đặc biệt: củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng và sẵn sàng tinh thần chiến đấu trong giai đoạn tiếp theo.

Tờ tin tức Hòa Bình - Thống Nhất ra đời năm 1954, do Trần Ngọc Hy - một nhà báo tài năng và nhiệt huyết làm Trưởng Ban Biên tập, đại diện cho tiếng nói của Đảng, của Nhân dân Bạc Liêu giai đoạn này. Trước khi ngừng hoạt động vào năm 1960 do sự bắt bớ, đàn áp của địch, tờ báo đã làm tròn sứ mệnh xây dựng hệ giá trị văn hóa về lòng yêu nước, chiến đấu bất khuất của Nhân dân Bạc Liêu khi ấy.

Nhìn lại vai trò của báo chí Bạc Liêu chuyên sâu lĩnh vực văn hóa - văn nghệ thời kháng chiến không thể không nhắc đến Tạp chí văn nghệ Lúa Vàng ra đời năm 1960. Những chiến sĩ cách mạng: Nguyễn Phong Triều, Nguyễn Trung Tâm, Nguyễn Hải Triều, Nguyễn Mai, Nguyễn Kiên Định..., cũng là những cây bút tài hoa đã tạo ra một “tài sản tinh thần” nơi cực Nam Tổ quốc! San sẻ những nỗi đau trong chiến tranh khi viết về những cuộc thảm sát đẫm máu của giặc ở Bình Hưng, Khánh An, Khánh Lâm... Tạp chí cũng ghi nhận hào khí chiến đấu ở những mũi nhọn của cuộc chiến như Đầm Dơi, Cái Nước, Hòa Thành, Tân Phú, Cái Chanh, Vàm Lẽo, Vĩnh Hưng, Phong Thạnh...

Khi đất nước yên bình, báo chí kiên trung từ những năm tháng chiến đấu cũng đã đĩnh đạc bước vào thời kỳ mới với nhiệm vụ mới: nhận diện cho rõ sức mạnh mềm - nguồn lực nội sinh quan trọng để Bạc Liêu phát triển.

Phóng viên truyền hình Bạc Liêu thu hình chương trình đờn ca tài tử tại khu di tích quốc gia đặc biệt - tháp cổ Vĩnh Hưng. Ảnh: Nguyễn Hằng

Đào sâu bản sắc văn hóa

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2025 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Hồng Hà nhận định: “Bạc Liêu là vùng đất trẻ, có vị trí chiến lược quan trọng, không chỉ nổi tiếng với giá trị văn hóa đặc sắc mà còn là vùng đất giàu tiềm năng với thế mạnh năng lượng tái tạo, nuôi trồng, chế biến thủy sản và du lịch”. Những giá trị văn hóa đặc sắc được lãnh đạo Chính phủ khẳng định chính là những nhận diện mặc định đối với nơi này - xứ sở của bản “Dạ cổ hoài lang”, của Hò chèo ghe, điệu Nói thơ Bạc Liêu…

Cuối năm 2013, nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hàng loạt bài viết đã được Báo Bạc Liêu cập nhật có thể nói là “trên từng cây số”. Đặc biệt là loạt bài “Dòng chảy của ĐCTT trên đất Bạc Liêu” đã khẳng định đây là một trong những “cái nôi” quan trọng của di sản tầm nhân loại này. Và trong Festival ấy, Báo Bạc Liêu, Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu, Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ đã có hàng trăm tác phẩm phóng sự, ghi nhanh, bút ký... thể hiện sự vào cuộc đầy nhiệt huyết của báo chí khi Bạc Liêu đăng cai một sự kiện tầm cỡ tôn vinh một di sản quý!

Ở những sự kiện mang tính quảng bá giá trị văn hóa - lịch sử, báo chí luôn xông xáo bằng cả trách nhiệm và lòng đam mê nghề. Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu xây dựng những chuyên mục Đất và người, Văn học - nghệ thuật; Báo Bạc Liêu ưu tiên 2 trang giữa định hình cho lãnh địa văn hóa - nghệ thuật với nhiều tuyến bài đa dạng, chuyên mục định hình; Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Bạc Liêu thì dành nhiều chuyên trang giới thiệu văn nghệ sĩ, những sáng tác văn học - nghệ thuật để cùng nhau góp tinh hoa cho văn hóa, văn nghệ Bạc Liêu.

Bằng những nguồn tư liệu chắt lọc, bằng sự trau dồi kiến thức, tìm hiểu qua nhân chứng lịch sử... các nhà báo đã lội ngược dòng để “thẩm thấu” lịch sử bày lên mặt báo những bài viết, phóng sự hay, những đoạn hình sinh động về lịch sử... Từ đó, báo chí trong thể tài nào cũng đầy ắp những tác phẩm giới thiệu về những “đặc sản” văn hóa vật thể, phi vật thể, cả khía cạnh phát huy giá trị lẫn những tồn đọng cần được nhìn nhận để khắc phục. Báo chí viết về những công trình văn hóa trọng điểm làm sáng diện mạo quê hương bằng cả niềm tự hào. Hay những khu di tích lịch sử - văn hóa gắn với những câu chuyện hào hùng từ lịch sử để lại bài học về tinh thần yêu nước cho lớp người hôm nay... chính là cách báo chí lấy văn hóa để xây dựng con người. Nhờ những bài viết, đoạn phóng sự, người ta tỏ tường hơn về một Bạc Liêu với bề dày lịch sử là những chiến tích, những địa danh, nhân vật lịch sử góp công làm dày thêm những giá trị văn hóa cho bản địa.

Bước vào thời kỳ truyền thông đa phương tiện với nhịp phát triển thần tốc, các cơ quan báo chí Bạc Liêu tuy vẫn còn những khó khăn nhất định về cơ chế, kinh phí... vẫn nỗ lực bắt nhịp bằng cách ứng dụng các hình thức phương tiện truyền thông hiện đại, Internet, mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube… để tuyên truyền đậm nét các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh; và quan trọng là đáp ứng gu thưởng thức của lớp khán, thính, độc giả hôm nay.

“Tổng kết đánh giá sự phát triển của tỉnh Bạc Liêu có nhiều cách khác nhau nhưng nếu sự phát triển ấy được diễn đạt qua lăng kính văn học - nghệ thuật, báo chí thì nó càng gần gũi, dễ nhận thấy và dễ đi vào lòng người hơn, vừa tôn vinh những giá trị đã đạt được; đồng thời, qua đó vun đắp thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp để chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Lê Thị Ái Nam đã nhận định vai trò của báo chí như thế trong cuộc thi sáng tác văn học - nghệ thuật và báo chí dịp Bạc Liêu tổ chức Festival ĐCTT quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014.

Nếu những lớp đàn anh làm báo trong kháng chiến bằng sự quả cảm thì những thế hệ làm báo sau chiến tranh ở Bạc Liêu đã khắc họa trung thực, sinh động về một Bạc Liêu mới đầy năng động đang thật sự chuyển mình, tạo dấu ấn đậm nét trong bước đường đi lên phát triển. Đào sâu, làm sáng những giá trị văn hóa nội sinh cắm rễ vào đất và người Bạc Liêu, báo chí đã góp phần đắc lực “xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước”.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.