Văn hóa - Nghệ thuật
Báo chí với sứ mệnh phát triển văn hóa, con người Việt Nam
>> Bài 1: Tái hiện lịch sử, khơi dậy tinh thần yêu nước
Bài 2: Tiếp nối sứ mệnh những nhà báo đặc biệt
Nền báo chí cách mạng Việt Nam tự hào có những nhà báo vừa là nhà lãnh đạo cũng là nhà văn hóa kiệt xuất đã để lại cho nghề báo và người làm báo những bài học lớn, những tư tưởng nhất quán về vai trò của báo chí trên mặt trận văn hóa.
Truyền tải những thông điệp tích cực, tạo niềm tin cho công chúng, cũng như sự đồng thuận của xã hội, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc - là trọng trách của nền báo chí cách mạng Việt Nam xuyên suốt trăm năm qua, mà những nhà báo đặc biệt ấy chính là đuốc sáng soi đường, mở lối.
Những nhà báo - nhà văn hóa
Báo chí cách mạng Việt Nam tự hào khi người sáng lập tờ Thanh Niên, số đầu tiên ra ngày 21/6/1925, khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam là nhà báo Nguyễn Ái Quốc, danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ Hồ Chí Minh.
79 mùa xuân, 50 năm làm báo, vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam đã có hơn 2.000 bài báo với hơn 170 bút danh. Khai bút từ lúc còn là người công nhân nghèo giữa đất khách cho đến khi trở thành Chủ tịch nước, Người vẫn không ngừng viết báo. Bởi trên hành trình cứu nước, nhà báo đặc biệt này đã nhìn thấy sức mạnh lớn lao từ báo chí.
Là danh nhân văn hóa thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vị trí, vai trò của văn hóa. Đặt trong tương quan với các lĩnh vực khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng lưu ý: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”. Một trong 4 vấn đề ấy, nhà báo Nguyễn Ái Quốc cho rằng, báo chí - một thiết chế văn hóa đặc biệt, có vai trò góp phần nâng cao dân trí, hướng con người tới sự phát triển toàn diện. Là bởi, những bài báo mang tính giáo dục, hướng đến chân - thiện - mỹ sẽ giúp cho dân chúng “mở mắt, mở tai”. Báo chí còn giúp độc giả bổ sung vốn kiến thức về lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam và thế giới… Từ đó, nhà báo Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng báo chí như một diễn đàn để rèn luyện và giáo dục về chính trị và đạo đức; giúp Nhân dân ngày càng tiến bộ để chung tay, góp sức xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc. Ngay từ buổi bình minh của báo chí cách mạng, nhà báo đặc biệt này đã đặt báo chí vào trọng trách góp phần phát triển văn hóa, con người toàn diện.
Tiếp nối sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền báo chí cách mạng Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập có thêm một nhà báo đặc biệt: cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một nhà báo - nhà văn hóa vĩ đại của đất nước!
30 năm (1967 - 1997) gắn bó với nghề báo ở Tạp chí Cộng sản, Cơ quan lý luận và chính trị hàng đầu của báo chí cách mạng Việt Nam, nhà báo Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc. Rất nhiều quyển sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng thời cũng là một chiến sĩ cách mạng đã vận dụng báo chí như một công cụ sắc bén trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.
Khi viết về văn hóa dân tộc, đúc kết từ chính kinh nghiệm viết của bản thân, cố Tổng Bí thư từng nhắc nhở: “Đó là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy ngàn năm để lại. Chúng ta có trách nhiệm giữ gìn, trân trọng, phát huy, nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với cha ông”.
Một trong những cuốn sách cuối đời mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho cuộc đời là “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lượt ghi, trả lời phỏng vấn... là những tâm huyết của Tổng Bí thư - nhà báo Nguyễn Phú Trọng truyền lại cho nền báo chí hiện đại và những nhà báo hôm nay về tiếp nối sứ mệnh xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.
Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” là một trong những giải báo chí thu hút đông đảo đội ngũ người làm báo cả nước tham gia. Ảnh: Trung Kiên
Sứ mệnh khai sáng văn hóa
Một thế kỷ đi qua kể từ ngày được sáng lập với những thăng trầm, biến thiên đã để lại những dấu ấn đáng tự hào cho nền báo chí cách mạng Việt Nam từ những thế hệ người làm báo luôn lăn xả, dấn thân, đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của dân tộc!
Trong trường kỳ kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí Việt Nam là một binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng! Thấu hiểu khi bản thân cũng là một chiến sĩ cầm bút, trong một bài phát biểu kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận nhiều tác phẩm báo chí thật sự đã trở thành “lời hịch cách mạng”, “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận. Và chiến đấu với tay súng, tay máy, tay bút trong trong đạn bom, hàng trăm nhà báo - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, tô thắm thêm trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam anh hùng!
Bước vào thời kỳ đổi mới hội nhập và phát triển hiện nay, không còn chiến đấu với giặc ngoại xâm, chúng ta không thể chủ quan, mất cảnh giác trước “giặc nội xâm” - những hiện trạng liên quan trực tiếp đến việc gìn giữ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc”... Giữ gìn bản sắc văn hóa, nhanh chóng hòa nhập nhưng không để hòa tan đặt ra cho báo chí nhiều trọng trách mới. Bên cạnh đó, trong cuộc đua thông tin với mạng xã hội, báo chí chính thống đã nhanh chóng tự đổi mới mình, đội ngũ người làm báo phải song hành nhiệm vụ truyền tải thông tin đồng thời cũng là truyền tải văn hóa đến công chúng.
Ngoài Giải báo chí quốc gia duy trì hằng năm, ngày càng có nhiều giải báo chí được Hội Nhà báo Việt Nam và các ngành liên kết tổ chức với sự hưởng ứng mạnh mẽ của đội ngũ những người làm báo cả nước. Củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới, có thể điển hình các giải báo chí như: Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch”, Giải báo chí Diên Hồng, Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực...
Bên cạnh đó, các chương trình truyền hình thực tế đã mang đến cho khán giả những chương trình ngày càng hấp dẫn. Tôn vinh các loại hình âm nhạc truyền thống, giá trị di sản; giới thiệu các điểm đến lịch sử, danh lam thắng cảnh văn hóa… báo chí trong “chiếc áo mới” đã thiết thực lan tỏa mạnh mẽ văn hóa Việt đến với cộng đồng và cả thế giới. Điển hình như chương trình “2 ngày 1 đêm” trên sóng HTV7 luôn cuốn khán giả bởi ngoài tính giải trí còn đưa người xem khám phá, trải nghiệm các điểm đến lịch sử, danh lam thắng cảnh trải dài khắp 3 miền đất nước. Hay “Hành trình rực rỡ” của VTV3 cũng là một chương trình truyền hình thực tế đặc sắc về văn hóa khi khám phá hương sắc Việt Nam; các “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” luôn gây sốt ở mỗi tập phát sóng...
Và trong cuộc chạy đua với mạng xã hội - kênh thông tin với sự trà trộn không ít tin giật gân, câu khách dẫn tới phản cảm, phi văn hóa; thì những tuyến bài, phóng sự, ảnh thời sự của báo chí chính thống đan xen với những chương trình truyền hình hiện đại phù hợp thời đại mới vẫn luôn hướng tới sự nhân văn và trọng trách gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc...
Tiếp nối trọng trách ấy, một thế kỷ qua, báo chí góp phần quan trọng xây dựng đời sống tinh thần của Nhân dân, vun trồng những “vườn hoa thơm để lấn dần cỏ dại”, chống lại các quan điểm sai trái, âm mưu “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng; quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ Chính quyền, bảo vệ Nhân dân bằng cả trách nhiệm, vinh quang của nghề báo và “máu nghề” trong mỗi người làm báo.
Cẩm Thúy