Văn hóa - Nghệ thuật
Báo chí với sứ mệnh phát triển văn hóa, con người Việt Nam
Nói về vai trò của báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh, người thầy vĩ đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam, từng khẳng định: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, suốt một thế kỷ phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân bằng ngòi bút của mình, những thế hệ người làm báo Việt Nam đã xông pha trên khắp mặt trận.
Riêng trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, báo chí đã định hình và lan tỏa những chuẩn mực văn hóa ứng xử trong xã hội, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, cốt cách con người; đi đúng hướng mà những chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa đã chỉ ra, gần đây nhất là Nghị quyết 33 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc khải hoàn” mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, giải phóng Bạc Liêu. Ảnh: H.T
Bài 1: Tái hiện lịch sử, khơi dậy tinh thần yêu nước
Được ví von như “người thư ký của thời đại”, báo chí cách mạng Việt Nam đã miệt mài ghi chép, “làm sống lại” những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của dân tộc. Nhiều bài báo, thước phim tư liệu đã nhuốm màu thời gian vẫn luôn chạm đến trái tim của người đọc, người nghe, người xem của hôm nay!
Và khi truyền thống cách mạng được gìn giữ, tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc được phát huy, báo chí cũng đã góp phần mang đến những yếu tố tiên quyết hun đúc thành hệ giá trị quốc gia - sức mạnh nội sinh cho dân tộc ở bất kỳ thời đại nào.
Làm mới tư liệu lịch sử
“Em đã săn được phụ san đặc biệt của báo Nhân Dân rồi cô!” - Lê Quốc Bảo, sinh viên lớp 16 DNV (Trường đại học Bạc Liêu) hồ hởi khoe với giảng viên của mình. Độc giả nhỏ tuổi hơn nữa - là một học sinh tiểu học say mê ngồi thưởng thức tờ báo in ấy bằng đa giác quan, do được cha hướng dẫn truy cập mã QR trên đó. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã được một cậu bé tìm hiểu bằng cả sự hứng thú, ngưỡng mộ...
Có được tờ phụ san tái hiện những khoảnh khắc vàng của lịch sử trong không khí cả nước chào mừng 50 năm thống nhất đất nước, với nhiều độc giả Bạc Liêu, đó là hạnh phúc. Hạnh phúc của những công dân yêu nước, biết trân trọng những giá trị lịch sử của người đi trước!
Và đó cũng là mục tiêu của Báo Nhân Dân - tờ báo được xem là anh cả của nền báo chí cách mạng Việt Nam - khi mở đợt thông tin đặc biệt nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa qua. Những phần việc thiết thực đã “phát huy vai trò của báo chí trong nhiệm vụ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc của mọi thế hệ người Việt Nam, góp phần tạo động lực mạnh mẽ để đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển phồn vinh, thịnh vượng” là ghi nhận của Phó Chủ tịch nước - Võ Thị Ánh Xuân.
Một trong những phần việc ấy là Báo Nhân Dân đã in và phát hành miễn phí hàng trăm ngàn bản phụ san đặc biệt này đến độc giả cả nước. Đó là những tư liệu đặc biệt về Chiến dịch Hồ Chí Minh được thiết kế và in ấn trên khổ giấy Báo Nhân Dân, gồm 8 trang A3. “Cuốn” độc giả ở chỗ, phụ san tích hợp mã QR để người xem dễ dàng truy cập và theo dõi nhiều video tư liệu trên các nền tảng mạng xã hội.
Đổi mới cách thức tuyên truyền để hướng đến những đối tượng độc giả thời công nghệ số là nhiệm vụ mới và thường trực mà báo chí hiện đại phải nghĩ đến. Những câu chuyện lịch sử được học từ ghế nhà trường đã quá quen thuộc, nên rất cần sự trải nghiệm mới mẻ hơn từ báo chí. Phải nhìn nhận rằng, báo chí truyền thống đầy ắp những tuyến bài đặc sắc, nhưng đôi khi sẽ khó hòa nhập với thị hiếu giới trẻ thời công nghệ số. Vì vậy, rất cần có những hình thức phù hợp để báo chí xây dựng hệ giá trị về lòng yêu nước, tự hào dân tộc - một nhiệm vụ quan trọng để báo chí góp phần “xây dựng, phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước” trong bối cảnh mới.
Phóng viên các cơ quan báo chí Bạc Liêu tác nghiệp hoạt động lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025.
Báo chí “bắt” khoảnh khắc vàng
“Đây là tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa... Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Thành phố Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng. Cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc phủ Tổng thống ngụy quyền…” - là bản tin chiến thắng bất hủ của 50 năm trước được một đơn vị trường học phát lại để minh họa cho mô hình chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc lập tham dự hội thi xếp sách với chủ đề “Đại thắng mùa xuân 1975 - Bản hùng ca chiến thắng”. Bản tin này không còn xa lạ với nhiều người, vẫn làm “nổi gai ốc” khi người ta nghe lại! Chỉ hơn 3 phút, những thông tin làm vỡ òa triệu triệu trái tim người Việt Nam trong ngày 30/4 lịch sử với giọng đọc tràn trề niềm vui, niềm tự hào đã làm nên một bản tin bất tử sống mãi theo thời gian!
Ở Bạc Liêu, bản tin chiến thắng đầu tiên của Ủy ban Quân quản lúc 18 giờ ngày 30/4 cũng được Đài Truyền thanh thị xã lan truyền với nội dung: Tỉnh Bạc Liêu đã hoàn toàn giải phóng trong ngày 30/4/1975! Bên cạnh đó, thời khắc vàng của lịch sử - chuyến “vào hang cọp” của phái đoàn cán bộ cách mạng Bạc Liêu thương lượng với Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp buộc đầu hàng quân cách mạng - được ghi lại bằng những bức ảnh báo chí đã trở thành tư liệu lịch sử vô giá của Bạc Liêu!
Khoảnh khắc vàng của báo chí đôi khi chỉ là một cái lia máy! Trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất vừa qua, khi 2 ca sĩ trẻ thể hiện ca khúc “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - sau câu hát “Xin tri ân những người chiến sĩ quên đi niềm riêng, quên đi cả bản thân mình”, camera truyền hình của VTV lúc đó đã nhanh chóng ghi lại khoảnh khắc khiến khán giả phải nghẹn lại: Một một vị Đại tá cao tuổi, trên ngực đầy huân chương đã lặng lẽ đưa tay lau nước mắt!
Đó là khoảnh khắc vàng mà chỉ những nhà báo với trái tim nhạy cảm và sự nhanh nhạy mới bắt kịp lúc để truyền tải đến khán giả, độc giả. Những hình ảnh đậm chất báo chí ấy thậm chí không cần lời bình!
Phạm vi bài viết này chỉ điển hình ở một sự kiện trọng đại của toàn dân tộc để chứng minh rằng: Những thước phim tư liệu về chiến tranh được phát lại, hàng loạt chương trình cầu truyền hình được dàn dựng công phu về kỹ thuật, chỉn chu khâu kịch bản và lồng ghép với những tư liệu báo chí đắt giá, đã mang đến những hình ảnh, thông điệp thấm sâu vào lòng khán giả. Khi ấy, báo chí trực tiếp khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào và trách nhiệm gìn giữ hòa bình, xây dựng đất nước cho thế hệ trẻ, những người chủ tương lai của đất nước hôm nay và mai sau.
Đó cũng là cách xây dựng và phát triển văn hóa, con người từ xuất phát điểm hun đúc tinh thần yêu nước, đoàn kết và tự hào dân tộc trong mỗi người Việt Nam mà những chiến sĩ cầm bút trên mặt trận tư tưởng đã luôn nỗ lực tròn sứ mệnh.
Cẩm Thúy
- ĐBQH tỉnh Bạc Liêu thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
- Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4: Mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025
- Trao tặng 35 bồn chứa và máy lọc nước cho các hộ khó khăn huyện Đông Hải
- Xây dựng hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau sau hợp nhất
- Chính thức lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013