Tiêu điểm

Sạt lở bờ biển, bờ sông khu vực ĐBSCL: Hồi chuông báo động!

Thứ Sáu, 02/05/2025 | 15:44

Sạt lở bờ biển, bờ sông đã và đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và nhiều tỉnh, thành ven biển nói riêng. Đây không chỉ là sự biến đổi về địa hình, mà còn đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sinh kế của hàng triệu người dân khu vực.

Do mất rừng phòng hộ nên một số đoạn đê biển thuộc xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) thường xuyên bị sạt lở.

Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Hồng Hà cho biết: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đối với công tác phòng, chống sụt lún đất, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là sạt lở bờ biển, bờ sông vùng ĐBSCL. Các địa phương và ngành chức năng cần xác định ưu tiên các công trình cấp bách, tiếp cận theo hướng tổng thể, lâu dài, bền vững. Rà soát, bổ sung quy hoạch, tích hợp các chương trình, dự án hỗ trợ di dời dân cư do sạt lở, phòng chống thiên tai tại ĐBSCL đưa vào nhóm nhiệm vụ cấp bách…

..................................................................................................................................................................................................................................

 

THỰC TRẠNG SẠT LỞ TẠI ĐBSCL

Từ năm 2016 đến nay, tại khu vực ĐBSCL đã ghi nhận 812 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài trên 1.191km. Trong đó, 315 điểm (tương đương 601km) được xếp vào nhóm đặc biệt nguy hiểm. Cụ thể, sạt lở bờ sông có 214 điểm, dài 254km; sạt lở bờ biển có 101 điểm, dài 347 km.

Bạc Liêu là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng sạt lở. Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 38 đợt sạt lở, làm hư hỏng 126 căn nhà và ảnh hưởng đến 292 căn nhà khác, tổng chiều dài sạt lở hơn 3,6km, gây thiệt hại trên 23,5 tỷ đồng. Hiện tại, Bạc Liêu đã xác định 77 điểm sạt lở bờ sông với chiều dài hơn 571km và 6 điểm sạt lở bờ biển, dài hơn 24km; cần tổng vốn đầu tư lên đến 28.035 tỷ đồng cho các công trình phòng, chống sạt lở đến năm 2030.

Nguyên nhân gây sạt lở bờ biển, bờ sông là do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tình trạng nước biển dâng, thời tiết cực đoan và tần suất các cơn bão mạnh gia tăng khiến cho bờ biển bị xói mòn nghiêm trọng, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Việc xây dựng hàng loạt thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông đã khiến lưu lượng nước giảm mạnh, lượng phù sa không còn đủ để bù đắp bờ sông, bờ biển, dẫn đến xói lở tăng nhanh.

Ngành chức năng cắm bảng cảnh báo nguy hiểm tại khu vực sạt lở bờ sông thuộc địa bàn Phường 5 (TP. Bạc Liêu).

Sự tác động của con người cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở. Đó là việc khai thác cát sông trái phép và thiếu kiểm soát; phát triển đô thị, khu dân cư sát mép sông; phá rừng ngập mặn... Hậu quả của sạt lở là gây thiệt hại về người và tài sản của người dân khu vực ĐBSCL nói chung và Bạc Liêu nói riêng. Hàng ngàn căn nhà bị sập hoặc buộc phải di dời khẩn cấp; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đê bao, thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng. Đáng chú ý, sạt lở tác động đến sinh kế ngư dân và nông dân mất đất canh tác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt là gây gia tăng di dân và bất ổn xã hội tại các khu vực ven biển, ven sông…

Trong khi đó, việc xử lý sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển còn mang tính chất tình thế; việc cảnh báo về sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển còn chung chung, chưa cụ thể và thiếu các giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ, dài hơi.

GIẢI PHÁP CHỐNG SẠT LỞ BỜ BIỂN, BỜ SÔNG

Các địa phương khu vực ĐBSCL đã và đang triển khai nhiều giải pháp chống sạt lở như: tập trung xây dựng, củng cố, nâng cấp các công trình phòng, chống tổng hợp, đa mục tiêu và theo từng loại hình (sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập úng, hạn hán). Trong đó, ưu tiên một số công trình kết nối, chuyển nước giữa các hệ thống thủy lợi ở Tiền Giang, Bán đảo Cà Mau; hệ thống cống dọc sông Tiền, sông Hậu để kiếm soát lũ, ngập úng, kết hợp nạo vét, trữ nước ngọt trong các kênh trục vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên; các công trình kiểm soát nguồn nước tại cửa sông; nâng cấp, hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi lớn, quan trọng; xây dựng, nâng cấp, củng cố hệ thống đê biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang…

Khu vực sạt lở bờ sông ở huyện Hồng Dân. Ảnh: M.Đ

Các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn ổn định, dài hạn cho các địa phương có nguy cơ cao như Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang…; ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật riêng cho công trình biển, thay vì áp dụng theo tiêu chuẩn đất liền thông thường; xây dựng cơ sở dữ liệu sạt lở cập nhật liên tục, hỗ trợ cảnh báo sớm; tăng cường hợp tác quốc tế để quản lý nguồn nước sông Mê Kông bền vững…

Riêng tỉnh Bạc Liêu đã và đang triển khai hàng loạt dự án chống sạt lở như: kè Nhà Mát, kè Đông Hải, kè Gành Hào, kè dọc Quốc lộ 1A… Các công trình sử dụng cọc ly tâm, rọ đá, bê-tông cốt thép chống xói lở, chắn sóng, ổn định bờ biển. Đồng thời, ban hành Kế hoạch 12/KH-UBND (2021) để quản lý, phòng chống sạt lở đến năm 2030. Đề xuất Trung ương ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật riêng cho công trình ven biển, cùng định mức đầu tư phù hợp với đặc thù vùng sạt lở. Bên cạnh giải pháp các công trình thì Bạc Liêu cũng quan tâm các giải pháp phi công trình. Cụ thể như trồng rừng ngập mặn ven biển để giữ đất, giảm sóng; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác, bảo vệ tài nguyên ven biển, ven sông; điều chỉnh quy hoạch dân cư, di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực nguy hiểm.

Sạt lở bờ sông, bờ biển không còn là hiện tượng đơn lẻ mà đã trở thành hồi chuông báo động ở khu vực ĐBSCL. Do đó, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và có tầm nhìn dài hạn từ các địa phương và cả vùng ĐBSCL.

MINH ĐẠT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.