Thưởng lãm tranh dân gian truyền thống tại Bạc Liêu

Thứ Hai, 28/01/2019 | 16:25

Việt Nam có một nền văn hóa - nghệ thuật (VH-NT) đặc sắc gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc. Nền VH-NT Việt Nam đa dạng, phong phú với nhiều loại hình đặc sắc, trong đó tranh dân gian giữ vai trò quan trọng trong dòng chảy phát triển của mỹ thuật Việt Nam.

Tranh dân gian có nguồn gốc từ xa xưa, được gìn giữ, bảo tồn và phát triển qua các giai đoạn lịch sử của đất nước. Đó là kho tàng nghệ thuật có giá trị đặc sắc, vừa phản ánh đời sống tinh thần của người dân, vừa ngưng đọng những giá trị văn hóa phi vật thể quý báu của dân tộc. Trưng bày tranh dân gian cũng là một thú vui tao nhã trong dịp tết đến xuân về.
Triển lãm “Tranh dân gian truyền thống Việt Nam” là một triển lãm chuyên đề đặc biệt, lần đầu tiên được tổ chức tại Bạc Liêu, do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Sở VH-TT-TT&DL Bạc Liêu tổ chức, diễn ra trong một tháng (từ ngày 21/1 - 24/2/2019), tại khối nhà B Trung tâm Triển lãm VH-NT và Nhà hát Cao Văn Lầu (TP. Bạc Liêu). 

Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham quan tranh dân gian Việt Nam. Ảnh: C.T

Triển lãm giới thiệu đến công chúng hơn 60 bức tranh tiêu biểu, được chọn lọc từ bộ sưu tập mỹ thuật tranh dân gian truyền thống của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trong đó có nhiều dòng tranh dân gian truyền thống nổi tiếng, như: Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống, Kim Hoàng (Hà Nội), tranh thờ Vũ Di (Vĩnh Phúc), Độc Lôi (Nghệ An)… Mỗi dòng tranh mang đậm bản sắc dân tộc và thể hiện ước vọng ngàn đời của người dân về cuộc sống tốt đẹp, hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Đề tài trong tranh phản ánh cuộc sống lao động, sản xuất của nhà nông, những phiên chợ quê, hay đề tài thờ cúng đậm nét tín ngưỡng, tâm linh, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Lầu đầu tiên tiếp xúc với nhiều dòng tranh dân gian phong phú, các bạn trẻ, các em học sinh tỏ ra thích thú. Em Trần Trung Tín, học sinh lớp 9/2 - Trường THCS Trần Huỳnh, chia sẻ: “Em đã từng biết tranh dân gian Việt Nam qua sách giáo khoa hồi tiểu học, giờ được tận mắt nhìn thấy nhiều bức tranh đẹp đã giúp em cảm nhận sâu sắc rằng mỹ thuật Việt Nam quá phong phú. Quan trọng là bằng những đường nét tinh xảo, kỹ thuật in ấn truyền thống đã giúp chúng em hiểu thêm về bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam qua tranh. Đó là những sinh hoạt cộng đồng, là tín ngưỡng thờ phụng, là những ước vọng đẹp đẽ của dân tộc ta thể hiện đủ đầy trong tranh”.
Một đợt triển lãm tranh đặc biệt đã và sẽ giúp người dân Bạc Liêu hiểu thêm một loại hình mỹ thuật dân gian vô cùng độc đáo. Những bức tranh đặc trưng của dòng tranh dân gian Việt Nam đều có mặt tại triển lãm này, có thể kể đến như: “Chợ quê”, “Người nông dân với con trâu”, “Tố nữ” thuộc dòng tranh Hàng Trống; hay tranh vẽ đề tài chúc tụng trong ngày xuân như  “Đại cát” - “Nghinh xuân”, “Vinh hoa” - “Phú quý” thuộc dòng tranh Đông Hồ, và tranh thờ tâm linh mang tính giáo dục như “Quan âm thuyết pháp”, “Thập diện Diêm vương”…
Tranh dân gian Việt Nam được lưu truyền trong thành thị và các làng quê, bản xóm. Ngày nay, nghề làm tranh dân gian vẫn được giữ gìn, phát huy tại các làng nghề ở nhiều tỉnh Bắc bộ. Được biết, loại hình này đang được lập hồ sơ đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thi sĩ Hoàng Cầm khi viết những dòng thơ thiết tha tình quê hương, đất nước trong bài “Bên kia sông Đuống” đã chấm phá nét độc đáo của tranh dân gian: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Và, đến với triển lãm, Ban tổ chức không chỉ cho thưởng thức tranh mà còn giúp người tham quan trải nghiệm quá trình chế tác tranh. Từ đó, nhiều người hiểu thêm về “giấy điệp” của tranh dân gian trong câu thơ thi sĩ Hoàng Cầm. Đó là loại giấy được làm từ bột gạo, bột nếp, bột sắn, vỏ con điệp, cùng với màu sắc từ cây cỏ tự nhiên như lá tre, lá chàm, hoa hòe, sỏi son…
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi trân trọng và vui mừng giới thiệu tới người xem Bạc Liêu đợt triển lãm này. Với nội dung đa dạng, phong phú và sâu sắc, bảng màu tự nhiên, rực rỡ, hy vọng triển lãm sẽ góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, giúp người xem hiểu thêm về nét đẹp đậm chất dân gian nhưng mang tính nghệ thuật cao, tính giáo dục của tranh dân gian Việt Nam”. Mong rằng ý nghĩa quý báu đó của Ban tổ chức sẽ được công chúng Bạc Liêu tiếp nhận. Đó là sự tiếp nhận để mở mang kiến thức về văn hóa, nâng cao ý thức thẩm mỹ, lòng yêu nước, niềm tự hào về nền VH-NT của dân tộc; ra sức gìn giữ, kế thừa và phát huy những tinh hoa văn hóa do ông cha ta để lại - thông qua những nét vẽ đậm đà bản sắc dân tộc mình.
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.