Tết Thanh minh - nhớ về nguồn cội

Thứ Sáu, 29/03/2024 | 15:38

Ba dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa trong quá trình cộng cư trên mảnh đất Bạc Liêu đã giao lưu, tiếp nhận văn hóa của nhau để hình thành nên những giá trị văn hóa đặc sắc chung cho nơi này. “Thanh minh trong tiết tháng 3” là một điển hình. Từ một phong tục cổ truyền của cộng đồng người Hoa, nay cúng tết (tiết) Thanh minh đã trở thành phong tục chung của người Bạc Liêu.

Tưởng nhớ tổ tiên, ông bà

Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta bao đời nay vẫn luôn được gìn giữ, truyền dạy từ thế hệ trước đến lớp người sau để ai ai cũng nhớ về nguồn cội, tổ tiên, ông bà mình. Thanh minh trong đời sống văn hóa của người dân Bạc Liêu chính là dịp để nhắc nhở truyền thống ấy. Cho nên, vào ngày cúng Thanh minh, nhiều người con xa quê, dù bận bịu đến mấy cũng cố sắp xếp để trở về tảo mộ những người thân đã khuất.

Mùa Thanh minh thường bắt đầu từ giữa hoặc cuối tháng 2 kéo dài đến tháng 3 âm lịch. Thời điểm này, con cháu ở xa lại sắp xếp công việc riêng để hẹn nhau cùng về tu bổ, sơn lại mồ mả ông bà, cha mẹ quá cố, sau đó thì bàn bạc ngày cúng sao cho phù hợp với mọi người. Nhiều gia đình mặc định cúng vào ngày chính như một truyền thống để các thành viên không phải xác nhận lại thời gian mỗi dịp. Nhưng cũng có gia đình tổ chức vào ngày cuối tuần để con cháu có điều kiện về đông đủ.

Những ngày này, giữa cái nắng chói chang rát cả da, các khu nghĩa địa, nghĩa trang vẫn tấp nập dòng người tề tựu về khiến không khí buồn tẻ, u ám thường ngày được xua tan. Đến phần mộ, mỗi người phụ một việc bày biện đủ thứ lễ vật: bánh trái, thịt quay, hoa… để cúng tế. Trẻ con được người lớn phân công dán giấy ngũ sắc lên mộ như cách dạy con cháu mình luôn ghi nhớ công ơn tổ tiên.

Bên cạnh mộ phần có con cháu viếng thì cũng có những ngôi mộ vô chủ. Thế là những người đi cúng cũng đến thắp một nén hương cho những ngôi mộ này, để bớt phần quạnh hiu. Tại nhiều nghĩa địa còn lập một am thờ chung những ngôi mộ vô chủ, bố trí người dọn dẹp, hương khói.

Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và Nghĩa trang liệt sĩ các huyện vào mùa Thanh minh cũng thơm thảo những khói hương tri ân của người thân! Từng nghĩa trang được tân trang sạch sẽ, tươm tất để người dân đến cúng Thanh minh như cách thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ sau với thế hệ trước đã không tiếc xương máu hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Một đại gia đình bày tiệc sau khi cúng mộ tổ tiên. Ảnh: T.M

Dịp gắn kết tình cảm

Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ người đã khuất, thể hiện lòng hiếu thảo, Thanh minh còn là dịp gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình hay nhiều gia đình trong một đại gia đình lớn. Mỗi năm, cứ đến dịp Thanh minh là con cháu lại tụ họp về, những người thân trong gia đình cùng nhau chuyện trò, san sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau để cùng phát triển. Với ý nghĩa nhân văn và đậm tính giáo dục truyền thống đó, Thanh minh đã được cộng đồng giữ gìn và ngày càng trở thành một trong những mỹ tục đặc sắc của người Bạc Liêu.

Chị Trần Thị Cẩm Nhung (ấp Nhà Việc, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) là người con đất Bạc Liêu làm dâu xa xứ, thậm chí tết Nguyên đán cũng khó về quê do phải lo toan việc gia đình. Mẹ chị năm nay đã gần 80 tuổi, nên Thanh minh hằng năm chị đều trở về quê, vừa cùng gia đình tảo mộ ông bà, vừa có thời gian bên mẹ. Chị Nhung chia sẻ: “Vào thời gian này mỗi năm tôi đều sắp xếp công việc, gia đình, con cái, thời gian trở về quê cùng mẹ và anh chị, các cháu cúng Thanh minh”.

Ngày nay, cuộc sống quá bộn bề, đôi khi vô tình khiến nhiều người chẳng còn quỹ thời gian để sum họp với những người thân, họ hàng và kể cả ông bà, cha mẹ mình. Thế nên, thật đẹp biết mấy ý nghĩa của tục cúng Thanh minh hằng năm ở Bạc Liêu. Đó là dịp, là lúc để mỗi người nhớ về công đức sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, qua đó giáo dục con cháu phải luôn ghi nhớ và khắc sâu trong lòng truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp.

Thanh Mai

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.