Phát triển sản phẩm du lịch ĐBSCL: Đặc trưng và liên kết

Thứ Sáu, 12/10/2018 | 16:07

Nằm trong chương trình hành động quốc gia về phát triển du lịch năm 2018, Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) vừa tổ chức chuyến khảo sát du lịch đến 7/13 tỉnh, thành phố ĐBSCL. Một buổi tọa đàm sau chuyến khảo sát với chủ đề “Phát triển du lịch ĐBSCL” với nhiều ý kiến tâm huyết của ngành Du lịch các tỉnh, một số công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch… cũng đã phân tích và đưa ra khá nhiều hiến kế để phát triển ngành “công nghiệp không khói” vùng ĐBSCL. 

Tạo điểm nhấn riêng 
Tiềm năng và sự phong phú về điểm đến của du lịch ĐBSCL một lần nữa được nhận diện rất rõ qua một đoạn phim tư liệu sắc nét về toàn cảnh du lịch ĐBSCL tại buổi tọa đàm. Và, dù không đặt chân đến đầy đủ 13 tỉnh, thành phố, nhưng những gì trông thấy qua chuyến đi của đoàn khảo sát thuộc Tổng cục Du lịch (bao gồm các công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch, các cơ quan thông tấn, báo chí...) cũng minh chứng điều đó bằng chính giác quan của người cảm nhận. 
Cần phải tạo điểm nhấn riêng của mỗi tỉnh, thành phố trong bức tranh toàn cảnh du lịch vùng, đa số các công ty lữ hành đã khẳng định điều này. Đó không chỉ là cách để thúc đẩy du lịch từng địa phương phát triển, mà qua đặc thù riêng ấy của từng nơi mới tạo những điểm nhấn thu hút du khách về với du lịch ĐBSCL. Nghĩa là, về ĐBSCL là muốn khám phá từng điểm đến. Để du khách không còn tâm lý: về châu thổ Cửu Long, đi đâu cũng thấy những đặc sản du lịch… na ná nhau. Ở đâu cũng có du lịch sinh thái với vườn chim, vườn cây ăn trái, ở đâu cũng có du lịch tâm linh với văn hóa thờ cúng Thần, Phật, ở đâu cũng được thưởng thức “hò, xự, xang, xê, cống” của nghệ thuật Đờn ca tài tử…
Và sự na ná ấy chính là rào cản phát triển du lịch cho những tỉnh cách xa về mặt vị trí địa lý, không thuận tiện trong đi lại. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL - Trần Việt Phường nhấn mạnh tại buổi tọa đàm: “Xây dựng, phát triển, nâng chất, nâng cấp các sản phẩm du lịch đặc thù và các dịch vụ du lịch bổ trợ là một trong những vấn đề sống còn của du lịch ĐBSCL”. 

Đại biểu dự tọa đàm “Phát triển du lịch ĐBSCL” xem clip giới thiệu tiềm năng và sản phẩm du lịch Bạc Liêu. Ảnh: C.T

Liên kết để phát triển
“Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau” (ngạn ngữ), ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Đồng Tháp khẳng định như thế tại buổi tọa đàm. Du lịch ĐBSCL muốn phát triển phải có sự liên kết chặt chẽ, đó cũng là một trong những nội dung được rất nhiều đại biểu thống nhất. Và để có sự liên kết đó, “người” đóng vai trò then chốt làm trung gian chính là những công ty lữ hành. Việc Tổng cục Du lịch mời các doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành và báo chí là thành phần chính tham gia khảo sát du lịch các tỉnh, thành phố ĐBSCL cũng chính là động thái tích cực xúc tiến thực hiện sự liên kết để phát triển du lịch. 
Các công ty lữ hành với con mắt “nhà nghề” đã nhận diện và nhận định khá chuẩn xác về những lợi thế cũng như những bất cập, khiếm khuyết của sản phẩm du lịch từng địa phương qua chuyến khảo sát. Mạnh dạn chỉ ra, phân tích cái được và chưa được của từng sản phẩm du lịch ở mỗi địa phương cũng là cách hiến kế thiết thực để ngành Du lịch các tỉnh, thành phố “tự kiểm” lại sản phẩm của mình. Chẳng hạn, mô hình du lịch sinh thái của một tỉnh khi đưa du khách vào nghỉ qua đêm để thưởng thức không gian sinh thái lại để muỗi vo ve cả đêm thì là chuyện nên tính lại. Bán sản phẩm quà tặng du lịch không liên quan gì đến địa phương cũng là chuyện hay gặp ở nhiều điểm du lịch. Hay sự đơn điệu của điểm tham quan điện gió Bạc Liêu như hiện nay cũng được đề cập đến… Những bất cập như thế sẽ là điểm trừ cho du lịch ĐBSCL nói chung nếu không được ngành Du lịch các địa phương tính lại.
“Liên kết phát triển du lịch ĐBSCL trong thời gian tới không chỉ là liên kết các tỉnh, thành phố trong vùng mà còn phải tính đến việc liên kết du lịch với cả nước và quốc tế. Chính vì vậy, ngoài nỗ lực chung của ngành Du lịch, từng địa phương phải tính đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong việc thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch. Xu hướng tới đây của các công ty lữ hành là phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với các đặc sản vùng Mê Kông. Tin rằng hướng đi này sẽ giúp du lịch phát triển bền vững, vì nó gắn liền với thế mạnh của vùng”, Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Nguyễn Quý Phương nhấn mạnh.
Việc còn lại là, du lịch mỗi tỉnh, thành phố phải tự tìm tòi những sản phẩm du lịch mới dựa vào tiềm năng vốn có và nắm bắt xu hướng mới của các công ty lữ hành. Du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, và du lịch nông nghiệp…, cho thấy ĐBSCL rất phong phú, đa dạng loại hình về du lịch. Thế nhưng tạo sản phẩm du lịch riêng có của mình từ sự đa dạng ấy đòi hỏi sự vào cuộc bằng nhiệt tâm, trách nhiệm của ngành chức năng, chính quyền địa phương và những ai thiết tha với ngành Du lịch. Tìm sản phẩm du lịch đặc thù, góp nét riêng ấy vào bức tranh chung của du lịch vùng chính là cách liên kết phát triển để cùng nhau đi xa, tiến bước. 
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.