Nghĩa tình người anh Cả

Thứ Tư, 19/06/2019 | 16:49

Tôi không gọi anh là nguyên Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, hay một chữ “sếp” như cách một nhân viên gọi thủ trưởng của mình. Ở bài viết mang tính tự sự, viết bằng tình cảm của cá nhân (mà tôi cho là nhiều người cũng cảm nhận như tôi), tôi xin được gọi anh là người anh Cả - người anh Cả của anh em cùng nghề ở Báo Bạc Liêu. Anh là Nguyễn Duy Hoàng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu. 
Làm người thủ trưởng đứng đầu một tập thể, một đơn vị, ắt hẳn đó phải là người có bản lĩnh, tài năng và trí tuệ. Có như thế, tập thể mới vững mạnh, tiến bộ và công việc được “thuận buồm xuôi gió”. Nhưng để có một tập thể gắn bó với nhau, đoàn kết chung sức chung lòng, coi đơn vị là nhà, anh em đồng nghiệp như anh em thân thiết trong gia đình thì đòi hỏi người thủ trưởng phải đảm đương thêm trọng trách là người anh cả. Hồi học tiểu học, tôi đã từng nằm lòng câu thơ: “Làm anh khó đấy/ Phải đâu chuyện đùa”. Làm người anh cả của một tập thể không cùng họ hàng, khác biệt về tuổi tác, tính tình, suy nghĩ… thì lại càng “trăm thứ khó”.
Thế mà với sự chân thành trong đối nhân xử thế và bằng tấm lòng của mình, anh Nguyễn Duy Hoàng đã sống và đối đãi với anh em trong đơn vị như một người anh cả! Tôi không định viết về chân dung nhà báo Duy Hoàng, bởi so với tuổi đời và tuổi nghề của anh, tôi chỉ là lớp người hậu bối. Tôi biết về anh, cũng chỉ là biết về một nửa quãng đời làm báo sau này của anh mà thôi. Anh tốt nghiệp đại học báo chí ở Trường Tuyên huấn Trung ương Hà Nội (nay là Học viện Báo chí - Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) và về làm báo Minh Hải từ năm 1989, khi ấy tôi mới… học lớp 3. Tôi vào Báo Bạc Liêu năm 2003, anh lúc đó đã giữ chức Phó tổng Biên tập Báo Bạc Liêu, rồi sau đó là Tổng Biên tập. 

* Nhà báo Duy Hoàng (Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu) trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí cho các nhà báo Báo Bạc Liêu. * Nhà báo Duy Hoàng xem các tác phẩm ảnh báo chí trong một cuộc thi ảnh thời sự báo chí do Chi hội Nhà báo Báo Bạc Liêu tổ chức. Ảnh: H.T

Tôi đã quen nhìn thấy anh ở vị trí ngồi một mình trong phòng làm việc, chăm chú đọc bản thảo và biên tập bài vở anh em lần cuối cùng trước khi in. Thi thoảng anh có những bài viết chính luận ở mục “Thời sự và suy ngẫm”. Cho đến khi cầm trên tay tập ký sự “Hiu hiu gió bấc” và tuyển tập suy ngẫm “Đối thoại”, tôi thấy ở anh một cách viết báo bóng bẩy mà đanh thép, viết báo mà thấm đẫm văn chương đến như vậy. 
Nhưng như trên đã nói, tôi không định viết chân dung nhà báo Duy Hoàng. Tôi muốn viết về nghĩa tình người anh cả trong con người anh! Cũng không biết bắt đầu từ đâu nhưng biết rằng, viết bao nhiêu cũng là không đủ. Và biết rằng, khi anh tạm rời khỏi Báo Bạc Liêu, thôi vai trò Tổng Biên tập, thì gần như cả cơ quan đều tràn ngập cảm xúc! Đến lúc đó, mọi người mới ngồi lại với nhau để hoài niệm về khoảng thời gian anh làm việc và cống hiến cho tờ báo, cách đối nhân xử thế anh dành cho từng người… thì mới hay, từ giã anh ở cương vị đó, chúng tôi không phải tạm chia tay một thủ trưởng mà là chia tay đầy quyến luyến một người anh lớn trong ngôi nhà chung của Báo Bạc Liêu. Anh Xuyên (tài xế của báo) và anh Duy Hoàng là bạn “nối khố” với nhau từ thời mới vào nghề, cho nên giữa hai người không thấy khoảng cách của địa vị cao - thấp. Đi xa, anh em thường ngủ chung phòng, lo cho nhau từng bình trà nóng, từng ổ bánh mì sau những đêm tàn tiệc, và hiểu thói quen của nhau như những người thân trong gia đình. Những ngày anh Duy Hoàng sắp chuyển qua chỗ mới (Hội Nhà báo tỉnh), thì gia đình anh Xuyên có tang. Anh Duy Hoàng tổ chức đoàn đi tận TP. Hồ Chí Minh chia buồn. Hồi tưởng những năm tháng cùng ở báo, nhắc nhớ những câu chuyện nghĩa tình của thủ trưởng đối với anh em mà đôi mắt anh Xuyên cứ đỏ hoe. Giữa hai người đàn ông mà có nước mắt thì hiểu những câu chuyện ấy thấm đẫm tình cảm như thế nào.
Anh Duy Hoàng vốn là người ít nói, công việc đọc bài vở suốt càng “biến” anh thành người ít nói hơn. Cũng ít có dịp “trà dư tửu hậu” với anh em, nhưng chẳng rõ bằng cách nào, anh nhìn thấu tâm tư nguyện vọng của từng người. Trong gia đình, mẹ cha thường thương đứa con nghèo khó, thì anh Duy Hoàng cũng vậy, trong cơ quan, anh thương người khốn khó nhiều hơn. Anh gặp riêng để tìm hiểu, nghe cấp dưới giãi bày, chia sẻ. Có những anh em lâm vào hoàn cảnh khó khăn, anh thậm chí dùng uy tín cá nhân của mình để “đánh liều” giúp đỡ. Sự bao dung của anh đối với những người lầm lỗi trong cơ quan cũng khiến nhiều người… trách anh sao quá dung túng. Nhưng, anh Duy Hoàng là như thế đó, anh thường nói với chúng tôi “đánh kẻ chạy đi chớ ai nỡ đánh người chạy lại”. Anh lấy tấm lòng bao dung đó mà đối đãi với anh em. 
Trong công việc, anh Duy Hoàng “chỉ huy” bằng thái độ nghiêm khắc nhưng luôn động viên khích lệ kịp thời, luôn đặt niềm tin vào cấp dưới để tạo động lực cho anh em phấn đấu. Anh không tiếc lời khen, cũng không ngại phật lòng mà phê bình thẳng thắn khi ai đó mắc sai lầm. La rầy rồi bỏ qua, không để bụng. Sự khen - chê của anh bao giờ cũng khiến người ta nể phục. Được anh lo lắng, nâng đỡ, khích lệ để tiến bộ hơn, góp ý để sửa sai lỗi lầm…, chúng tôi thấy mình như những đứa em được người anh Cả đùm bọc, dìu dắt trong công việc, trong cuộc sống. 
Những đoàn khách báo chí anh em ngoài tỉnh về với Bạc Liêu, đến lúc phải chia tay là quyến luyến tình cảm của anh em Báo Bạc Liêu và trân trọng sự đối đãi của anh Duy Hoàng. Chân thành, nghĩa tình với anh em, người anh Cả của Báo Bạc Liêu đã gieo thiện cảm cho anh em đồng nghiệp làm báo khắp nơi. Không thể kể hết những “bạn báo” đã gắn bó và thương yêu Báo Bạc Liêu, yêu mến vùng đất Bạc Liêu một khi đã ghé thăm nơi này. Anh Toàn (Tổng Biên tập Báo Ninh Bình), chị Hương (Phó tổng Biên tập Báo Bắc Giang), chị Dung (quyền Tổng Biên tập Báo Vũng Tàu), các anh chị em ở Báo Phú Yên… khi nghe anh Duy Hoàng rời vị trí đương nhiệm, đã gọi điện thăm hỏi trực tiếp anh, rồi còn bày tỏ với chúng tôi về những cảm xúc đặc biệt dành cho anh Hoàng. Một số anh chị còn dự định sắp xếp công việc đơn vị để vào thăm anh sớm nhất. Dẫu biết rằng, ai cũng sẽ đến ngày thôi công việc mình đảm trách, thuận theo quy luật “tre già măng mọc”, nhưng với tình cảm của anh em đồng nghiệp trong đơn vị, anh em đồng nghiệp ngoài tỉnh dành cho anh cũng đủ thấy anh đã sống như thế nào!
Nhớ về anh là nhớ về một người thủ trưởng điều hành nhiệm vụ chuyên môn với phương châm “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, luôn tâm huyết cho sự nghiệp báo chí mà cả đời anh đã gắn bó. Nhớ về anh là nhớ về một người anh lớn có tấm lòng vị tha, bao dung. Nghề báo là nghề nhọc nhằn. Anh là người “rường cột”, anh càng nhọc nhằn biết chừng nào…
Nhân ngày truyền thống của nghề, tôi xin được chấp bút từ những cảm xúc, lòng trân trọng của tập thể anh em góp lại để nói về người anh Cả của Báo Bạc Liêu. Nhớ mãi câu nói của anh: “Chia tay với anh em, anh xin để lại một chữ “thương”. Trong công việc hay trong mối quan hệ anh em, phải nghiêm khắc, có trách nhiệm để xây dựng một tập thể cùng tiến; nhưng nhất định phải có tình yêu thương, sự bao dung để nâng đỡ, dìu dắt nhau”. Thương lắm, nghĩa tình của người anh Cả!
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.