Bút ký

Một trang đời mở ra

Thứ Sáu, 07/05/2021 | 16:02

(tiếp theo số báo 3461)

Trung tâm Triển lãm VH-NT và Nhà hát Cao Văn Lầu. Ảnh: T.L

Những gì đã kết tinh thành văn hóa thì được Bạc Liêu dựng bia để ghi nhớ, đó là bia ghi dấu nơi treo cờ Đảng đầu tiên, bia Khám Lớn (nơi ghi dấu tội ác của kẻ thù), biểu tượng đoàn kết của 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa, đồng hồ đá Thái Dương, nhà Công tử Bạc Liêu, biểu tượng kết nghĩa Bạc Liêu - Ninh Bình, di tích lịch sử Nọc Nạng, di tích Chủ Chọt…

Nhìn ngắm những công trình bia tượng mới mọc lên, làm cho diện mạo Bạc Liêu thay đổi khiến tôi tự hào, tôi yêu Bạc Liêu hơn và bất chợt tôi nhớ thời còn bé của mình. Nhà tôi cách chợ Bạc Liêu 7 cây số, vậy mà khuya nào má tôi cũng bơi xuồng ra chợ để bán cá tép, rau củ… và tôi thì nôn nao xuống xuồng theo má tôi để được ăn tô cháo lòng ở một lều quán che lụp xụp giáp với sông Bạc Liêu và nhà lồng chợ. Ăn tô cháo rồi tôi lội rảo quanh nhìn cái chợ 300 năm tuổi cũ kỹ với những đường phố rải đá gồ ghề và nhỏ xíu. Nhà nghèo, quê nghèo nhưng hễ tết hoặc những khi mót được tiền là chúng tôi rủ nhau “cuốc bộ” ra chợ Bạc Liêu chơi để xem cải lương ở rạp Chung Bá, xem chiếu bóng ở rạp Nam Tiến.

Tết Mậu Thân 1968, tôi chứng kiến chợ nhà lồng cháy rực, do máy bay Mỹ rải xăng đặc đốt. Đó là một cái Tết bi tráng, nhiều anh giải phóng quân nằm chết bên vệ đường, máu loang mặt đất. Hơn 50 năm trôi qua, dấu vết bi hùng xưa đã không còn, bà chủ quán cũng đã xa rời dương thế, nhưng hương vị tô cháo lòng của bà, hình ảnh mấy anh giải phóng quân vẫn còn làm thổn thức trong tôi đến khi đầu bạc. Đó là chiều sâu tâm hồn phố thị, hằn mãi trong tâm hồn thế hệ của tôi.

Năm 20 tuổi, tôi vào làm phóng viên Báo Minh Hải, thế là chính thức trở thành thị dân. Cơ quan tôi đóng ở trung tâm chợ, cạnh đường Trần Phú bây giờ. Đó là thời kỳ bao cấp, nghèo tả tơi manh áo, sức vóc tuổi 20 của tôi chỉ được ăn một bữa ăn 3 con cá phi kho bằng 2 ngón tay. Từ sân thượng cơ quan, tôi nhìn ra là một thị xã với phố phường rêu phong cũ kỹ và ủ dột trong những đám mưa chiều. Đêm xuống, mấy cô gái ăn sương ướt loi ngoi trốn vào góc cây của công viên hàng me mà tránh mưa.

Mười năm tôi khăn gói theo tỉnh xuống Cà Mau đến khi tách tỉnh trở lại (năm 1997) vẫn là một Bạc Liêu nghèo. Thị xã vẫn cũ kỹ với những ánh đèn vàng vọt rọi lên những con đường gồ ghề, nhỏ xíu khi đêm xuống. Tỉnh được tái lập, những người con của Bạc Liêu háo hức về xây dựng lại quê hương, nhưng cái nghèo cứ trì kéo làm cho Bạc Liêu không chỉ khó khăn về vật chất mà đời sống tinh thần cũng rất nghèo nàn. Cuộc đời diễn ra, trôi đi chầm chậm trong cái lo toan và tẻ nhạt.

Thế rồi, năm 2014, tỉnh Bạc Liêu diễn ra một lễ hội lớn, đó là “Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014”. Tôi được Tỉnh ủy giao phục vụ cánh nhà báo Trung ương về tác nghiệp. Họ nói với tôi rất nhiều cảm nhận về Bạc Liêu, đại ý là: Một festival được tổ chức chuyên nghiệp và giàu bản sắc văn hóa Nam Bộ, nó chứng tỏ cái nội lực văn hóa thâm hậu của một vùng đất; và Bạc Liêu bây giờ đẹp quá, ấn tượng quá, đến là khó có thể quên… Và họ chỉ cho tôi những điều làm nên dấu ấn Bạc Liêu trong họ, đó là: Một thành phố tao nhã với rất nhiều cây xanh, với khu hành chính đẹp là những tòa nhà có kiến trúc đẹp; đặc biệt Quảng trường Hùng Vương rộng lớn, điểm xuyết những dí tích lịch sử văn hóa quanh nó tạo ra dấu ấn. Nhiều nhà báo lại nói đến sự độc đáo của công trình Trung tâm Triển lãm VH-NT và Nhà hát Cao Văn Lầu (nhà hát ba nón lá), Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhà Công tử Bạc Liêu… Có nhà báo đã nói, Bạc Liêu đã thật sự tạo ra dấu ấn trong họ bởi những cái riêng mà chỉ có Bạc Liêu mới có.

Cái riêng tạo ra dấu ấn chính là bản sắc. Là công dân thành phố, sáng nào tôi cũng chạy xe đi làm, vậy mà rồi có những cảm xúc lạ xảy ra. Tháng 10 hoa ban nở, tôi đi từ đường Lê Duẩn rồi quẹo sang đường Nguyễn Tất Thành, dừng lại ở Quảng trường Hùng Vương và tôi thẫn thờ trước cái đẹp của hoa ban. Bất giác tôi bật thốt: “Ôi cái chợ Bạc Liêu ủ dột trong những đám mưa chiều của tôi ngày nào giờ nó đẹp đến thế ư?”. Thế rồi một tình yêu thành phố, đất địa chôn nhau cắt rốn của mình dâng lên đến nao lòng. Rồi tôi nghĩ đến các con tôi, đời chúng nó thật diễm phúc, được sống trong một thành phố với không gian đẹp và đầy những điều chứa chan biết nói về ông cha mình. Một buổi sáng tôi đến và một mình đứng ngắm nhìn Tượng đài sự kiện Mậu Thân 1968. Cái tượng đài ấy đã gợi cho tôi nhớ đến hình ảnh các anh giải phóng quân hy sinh trên đường phố Bạc Liêu vào hơn 50 năm trước. Hồi ấy họ trẻ lắm, mới mười chín đôi mươi, họ nằm mặt bình thản, người mặc chiếc áo li phăng xanh, cái quần nylon dầu rách bươm… Tượng đài sự kiện Mậu Thân 1968 gợi mở cho các con tôi biết rằng nó đang sống trong một thành phố đẹp như cổ tích hôm nay phải đổi bằng xương trắng máu đào. Rằng trong đội quân tiến vào Bạc Liêu của hơn 50 năm trước có một trung đội 32 người chỉ còn lại 2 bác của nó được về với cha mẹ, gia đình mà thôi. Máu của họ đã làm sâu thẳm thêm tâm hồn thành phố. Tượng đài sự kiện Mậu Thân hôm nay là một công trình có tiếng vọng của quá khứ. Tương tự như thế, nhiều công trình mới mọc lên ở Bạc Liêu chứa đựng những điều biết nói.

Còn Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu là minh họa một tầng sâu văn hóa của đất này. Người Bạc Liêu không chỉ hào hiệp, nghĩa tình mà còn là những con người tài hoa tài tử, đã sáng tạo ra bản “Dạ cổ hoài lang”, vọng cổ và các bài bản cổ nhạc để góp phần một cách xuất sắc hình thành và phát triển một tài sản phi vật thể quý giá của nhân loại là ĐCTT Nam Bộ.

(còn nữa)

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.