Hương vị Tết

Thứ Sáu, 26/01/2024 | 16:37

Khi còn bé, ở quê tôi muốn ăn bánh tét phải chờ đến Tết, hoặc hên lắm mới được thưởng thức bánh tét khi trong xóm có nhà gói bánh làm đám giỗ. Thuở ấy, tôi mê và thích lắm hình ảnh trước sân nhà, dưới tán hai gốc me cổ thụ, những vòm lá xòe đan chéo vào nhau như mái nhà, mát rượi. Ở đó, ngoại, má và các bà dì ngồi trên tấm chiếu, tay thoăn thoắt cột từng đòn bánh tét căng tròn bằng những sợi dây lát hoặc bẹ dừa màu nâu điểm xuyết trên nền màu xanh của lá chuối… Chỉ thế thôi nhưng đó lại là những ký ức êm đềm bên dòng sông quê thời thơ ấu khó phai, tôi luôn cất giữ như món quà vô giá trong hành trình mưu sinh của mình.

Để khi mỗi độ gió bấc về mang theo vài cơn mưa phùn lất phất, những thước phim ký ức đẹp ấy như tua thật chậm đưa tôi về một miền nhớ mà ở đó dù còn nhiều khó khăn, nhưng không ít thơ mộng của quê ngoại hiền hòa. Những ngày cận Tết, má tôi chọn loại nếp ngon, sàng sảy đến khi trọng ong, má xúc vào thúng mang ra bờ sông vúc nếp. Rồi tôi sung sướng cùng nhỏ bé Tư con cậu Tám, được bà ngoại cho theo ra vườn rọc lá chuối. Vườn của ngoại trồng đa phần là chuối, mía và một số loại cây ăn trái. Ngoại chỉ cho  tôi cách chọn những tàu lá chuối to, già lá, “nhìn màu xanh đậm rồi mới rọc nghe mấy đứa”. Xong việc rọc lá, thoắt cái tôi đã leo lên cây chùm ruột, nhìn những trái to căng mọng nước, tự nhiên tuyến nước bọt hoạt động mạnh, tôi với tay hái từng chùm từng chùm vàng ươm. Sau đó, mang đi rửa, chạy vào nhà mợ Tám lấy tô và chai, rồi bỏ từng trái chùm ruột giã cho nát, sau đó cho vào chút đường, ít nước mắm… thế là được món ngon chua chua mặn mặn, ngọt ngọt… mà chắc gì bây giờ người kẻ chợ như tôi tìm lại được. Vậy là nhớ!

Nhớ, ngoại và má lấy một chiếc khăn vải mùng giặt sạch lau từng lá chuối, rồi lấy những chiếc nia to trải lá chuối phơi dưới nắng xuân. Tôi hỏi, ngoại ơi, sao phải phơi lá chuối vậy ngoại? Ngoại xoa đầu tôi âu yếm, nói phơi cho lá héo, lá dai hơn để dễ gói bánh, đòn bánh đẹp hơn, chưng lên bàn thờ gia tiên cho tươm tất đó con. Nhớ ngoại! Nhớ dáng ngồi ngoáy trầu của ngoại, dáng ngoại lom khom trong vườn đánh lá mía…

Các món ăn cổ truyền ngày Tết. Ảnh: Q.C

Để có đòn bánh tét ngon thì khâu làm nhân bánh cũng lắm công phu. Thời của ngoại, của má tôi làm gì có đậu xanh đãi vỏ sẵn như bây giờ, nên phải mua đậu cà, rồi ngâm qua đêm cho vỏ mềm, sau đó má lại mang ra bờ sông vúc cho sạch vỏ đậu. Từ một thúng đậu vàng xanh trộn lẫn, má tỉ mẩn vúc đến khi chỉ còn những hạt đậu vàng trông thật đẹp. Ôi công sức của má! Thương! Thương những lúc trái gió trở trời má hay đau lưng, nhức chân, mỏi tay…

Ngày ấy, quê tôi cũng ít khi có nhóm chợ, gần tới Tết bà con bàn bạc với nhau xem nhà nào mổ heo rồi dặn một ít thịt, ít mỡ để làm nhưn bánh tét. Việc lấy thịt cũng phải đi từ khuya. Bởi thế, khi cả nhà còn say giấc, má thức lúc nào chẳng biết để đi lấy thịt, mỡ về chế biến các món ăn ngày Tết. Thế là thương!

Việc xắt mỡ hình vuông, dài làm nhân bánh tét cũng không hề đơn giản. Má lại khéo léo cắt từng khổ mỡ vừa dài vừa vuông, rồi cách ướp mỡ cũng phải có bí kíp để sao cho khi bánh tét chín xắt ra từng khoanh mỡ thật trong và có vị béo mằn mặn. Làm bánh nhưn đậu xanh, thịt mỡ chưa đủ, ngoại còn để dành những buồng chuối chín cây vàng như nghệ làm bánh tét nhưn chuối, bởi khi chuối chín rục, khi nấu chín chuối tươm mật ngọt ơi là ngọt - một loại bánh khoái khẩu của tôi. Cuộc sống này vốn phong phú và đa dạng, tôi nghĩ có sự đóng góp không nhỏ của người phụ nữ, đó chính là những người bà, người mẹ của chúng ta.

Tôi nhớ có năm khi bánh đã gói xong, má xếp từng đòn bánh vào chiếc nồi thật to, khi ấy ngoại mới chợt nhớ là lúc trộn nếp quên cho vào ít muối… Làm cách nào để khắc phục sự cố này, bởi bánh tét mà không nêm một chút muối vào nếp thì làm sao ngon và để lâu được? Lúc đó má nói nhanh, bây giờ chỉ còn cách là đổ muối thật nhiều vào nước khi luộc, bánh mới có thể hút được vị mặn của muối. Để có những cây củi to nấu bánh, mấy anh chị phải vào vườn kiếm cây từ mấy tháng trước phơi khô mới có đủ củi chụm nấu bánh. Dưới ánh lửa bập bùng, cả nhà thức canh nồi bánh tét, đó là một không khí ấm cúng của gia đình. Yêu cái ánh lửa bập bùng của nồi bánh tét. Ký ức tuổi thơ chao ôi sao mà đẹp!

Chẳng biết tự bao giờ đòn bánh tét luôn xuất hiện trong mâm cỗ ngày Tết của người Nam Bộ. Cũng ít ai biết được nguồn gốc và ý nghĩa Tết phải có đòn bánh tét trong nhà. Tôi đã từng nghe lý giải như thế này, thấy cũng có phần hợp lý. Bánh tét được bọc nhiều lá, bên ngoài tượng trưng cho mẹ bọc lấy con, mong muốn sum vầy của người Việt vào dịp Tết. Không chỉ vậy, bánh tét xanh, nhưn đậu vàng gợi mở cho người nông dân màu xanh của đồng quê, gợi cho ta niềm mơ ước an cư lạc nghiệp của một mùa xuân bình an cho mọi nhà. Bây giờ là kẻ chợ, không có nhiều thời gian và điều kiện gói bánh tét, nhưng Tết năm nào nhà tôi cũng phải có vài đòn bánh tét với hai loại nhưn, nhìn bánh tôi nhớ ngoại, nhớ má da diết.

Vài năm gần đây, những ngày cận Tết, TP. Bạc Liêu tổ chức Chợ quê để giúp trẻ nhỏ, người lớn có một không gian quê giữa phố thị để du xuân, ghi lại những bức ảnh đẹp khi Tết đến Xuân về, ở đó có nhiều hoạt động vui chơi phong phú. Năm nào cũng vậy, Hội LHPN tỉnh còn tổ chức thi gói bánh tét, mỗi gian hàng các chị đều mặc áo bà ba ngồi quây quần gói bánh tét thật vui. Đặc biệt, sau khi chấm giải, số bánh tét ấy sẽ được chuyển đến những người cuộc sống còn khó khăn, thiếu may mắn để họ thêm ấm lòng trong những ngày Tết. Hương vị ngày Tết với những đòn bánh tét cứ lan tỏa ấm áp giữa đất trời vào Xuân.

XUÂN TRIỀU

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.