Hội thảo khoa học quốc tế Văn hóa - Ngôn ngữ - Văn chương - Nghệ thuật Việt Nam ở Nam Bộ: Bạc Liêu cùng góp tinh hoa

Thứ Hai, 08/04/2024 | 15:34

Vừa qua, tại TP. Cần Thơ, Trường đại học (ĐH) Tây Đô phối hợp với Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Văn hóa - Ngôn ngữ - Văn chương - Nghệ thuật Việt Nam ở Nam Bộ.

Trong số 30 bài tham luận được chọn trình bày tại hội thảo ý nghĩa này (trong số hơn 200 bài của các học giả trong và ngoài nước), Bạc Liêu vinh dự có đến 3 nội dung tham luận.

“Đào sâu” địa tầng văn hóa Nam Bộ

Hơn 200 đại biểu là các học giả, nhà nghiên cứu, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ trong và ngoài nước góp tham luận cho hội thảo, cho thấy sức hút và tầm quan trọng của một hội thảo quy mô quốc tế trên lĩnh vực xã hội, nhân văn về Nam Bộ.

Khẳng định tầm ý nghĩa quan trọng đó, GS-TS. Trần Công Luận, Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô cho rằng Nam Bộ tuy có lịch sử ngắn ngủi so với lịch sử Việt Nam, nhưng những thành tựu chiến lược của vùng đất này rất to lớn, không thể phủ nhận. Nam Bộ đã để lại những di sản văn hóa, tín ngưỡng, âm nhạc cổ truyền thể hiện nét bản sắc đậm đà bằng dấu ấn ngôn ngữ của người phương Nam.

“300 năm tri thức bản địa và sự hình thành văn hóa sông nước”, “Văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long, nhìn từ ngôn ngữ học văn hóa”, “Đóng góp của các nhà văn tranh đấu, kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954 vào văn chương tranh đấu ở Sài Gòn giai đoạn 1954 - 1975”, “Dấu ấn văn hóa sông nước trong ngôn ngữ hò dân gian Nam Bộ”… Những tham luận ấy đã “đào sâu” địa tầng văn hóa Nam Bộ, góp phần làm sáng tỏ hơn nữa công lao của những người có công khai hoang mở cõi vùng đất phương Nam. Trong quá trình lao động và chiến đấu ấy, ông cha cũng đã để lại kho tàng quý giá về văn hóa - ngôn ngữ - văn chương - nghệ thuật cho thế hệ hôm nay và mai sau.

PGS-TS. Nguyễn Lân Trung - Chủ tịch Hội Ngôn ngữ Việt Nam cho biết, với nhiều tham luận có chất lượng cao, hội thảo là một diễn đàn học thuật nghiêm túc, mở ra hướng tiếp cận mới, mang lại nguồn sinh khí mới trong giới nghiên cứu học thuật cho vùng Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: NVCC

Góp tinh hoa Bạc Liêu

Trong 30 tham luận khoa học được trình bày (ở 1 phiên toàn thể và 5 phiên tiểu ban), Bạc Liêu đóng góp 3 tham luận - đó là một vinh dự khá lớn! Một lần nữa, xứ “Dạ cổ hoài lang” (DCHL) đã cùng góp tinh hoa trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật nói chung cho một hội thảo quốc tế, qua đó khẳng định một góc bản sắc của Bạc Liêu trong địa tầng văn hóa chung của Nam Bộ.

Là một trong những “chiếc nôi” của nghệ thuật Đờn ca tài tử  - loại hình di sản của 21 tỉnh, thành phố Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bạc Liêu mang đến hội thảo tham luận “Từ bài thơ “Tô Huệ chức cẩm hồi văn” đến bài DCHL”. Nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận (hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Bạc Liêu) trình bày tại phiên tiểu ban Nghệ thuật về tiền thân của bản DCHL, sự khác nhau của các dị bản DCHL. Tham luận nhấn mạnh bản DCHL do thầy là Nhạc Khị hướng dẫn sáng tác theo chủ đề chinh phụ vọng chinh phu, nếu có liên quan tới gia đình ông Sáu Lầu  thì chỉ là một phần.

Góp tham luận tại tiểu ban Văn chương, TS. Nguyễn Phước Hoàng (Trường đại học Bạc Liêu) trình bài nội dung “Ngôn ngữ nghệ thuật đậm chất Nam Bộ trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu”. Tham luận một lần nữa làm sáng tỏ một trong những tác giả tiêu biểu của nền văn học Việt Nam, người có đóng góp to lớn cho nền văn học trung đại Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX nói riêng, nền văn học dân tộc nói chung. Tham luận tập trung làm rõ vẻ đẹp ngôn ngữ nghệ thuật của Nguyễn Đình Chiểu được thể hiện qua cách sử dụng từ ngữ địa phương Nam Bộ, cũng như cách nói, cách nghĩ, cách biểu lộ cảm xúc của hình tượng nhân vật hết sức gần gũi với con người và văn hóa Nam Bộ.

Tự hào với những nét đẹp bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ, Ths. Thạch Thị Hồng Nhung (Trường đại học Bạc Liêu) cũng đã góp tham luận với nội dung “Hát múa đối đáp Aday - một kiểu “hò đối đáp” của đồng bào Khmer Nam Bộ”. Tham luận khẳng định những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer đã góp phần quan trọng vào sự đa dạng và phong phú cho văn hóa dân tộc. Những điệu nhảy và tiếng hát rộn ràng của người Khmer, trong đó có hát múa Aday mang những giá trị văn hóa và tinh thần đặc trưng, nhằm ca ngợi quê hương, làng xóm, đề cao tinh thần đạo đức, nhân nghĩa ở đời…

Trong bối cảnh chưa có nhiều sách vở, tư liệu viết về lịch sử vùng đất Nam Bộ, một hội thảo tầm vóc quốc tế với những tham luận làm rõ địa tầng văn hóa Nam Bộ đã cung cấp những luận cứ khoa học bổ ích, góp phần nhìn nhận khách quan, công bằng với văn hóa - ngôn ngữ - văn chương - nghệ thuật của vùng đất Nam Bộ trong hành trình xây dựng và bảo tồn giá trị văn hóa - văn học dân tộc. Và Bạc Liêu với những tinh hoa vốn liếng của của mình, cũng đóng góp một phần cho sự thành công của hội thảo.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.