Ghi chép từ Đại hội…

Thứ Hai, 19/10/2020 | 17:50

Sự kiện chính trị trọng đại  tổ chức 5 năm/lần ở Bạc Liêu đã khép lại thành công tốt đẹp. Chuyện còn lại là thực thi như thế nào những điều đã quyết nghị để làm tròn sứ mệnh mà Nhân dân kỳ vọng trong một hành trình đầy khát vọng.

Tiết mục vọng cổ “Bạc Liêu ngày ấy” tại chương trình văn nghệ khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Ảnh: M.Đ

1. Dân chờ…

Những ngày diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, mưa trút nước tầm tã. Mưa làm ngập những con đường, đường đến trường của học sinh và… phụ huynh vất vả hơn mỗi sáng - chiều…

Nhưng xót xa hơn cả là nỗi lo canh cánh của người nông dân trên đồng lúa. Nơi thì đồng đang mùa gieo sạ, nước ngập làm cây lúa chết non; nơi thì cây lúa nặng hạt chờ ngày thu hoạch bị ngã rạp, hạt lúa không vào bồ mà mọc mộng trên đồng. Bạn đồng nghiệp của tôi cảm thấu nỗi niềm của nông dân, đăng lên Facebook cá nhân dòng trạng thái: “Miền Trung lũ lụt, miền Nam lúa nằm đồng lên mộng”, rồi còn nhắn với tôi: “Thương lắm chị, tội nghiệp người nông dân”. Bạn là dân thành thị còn biết nghĩ vậy, huống hồ chi tôi xuất thân từ gốc nông dân, cánh đồng đang sạ của gia đình cũng ngập chìm trong nước dù bơm tát hàng ngày, cho nên tôi càng hiểu sâu sắc nỗi khổ của người nông dân khi trái gió trở trời - nói theo kiểu ngày xưa, còn nói kiểu thời sự bây giờ là ảnh hưởng do biến đổi khí hậu. Trong lúc Đại hội Đảng bộ tỉnh đang diễn ra long trọng, bên trong nghị trường, đại biểu bàn thảo sôi nổi, góp ý, hiến kế cho những vấn đề trọng đại của đất nước, gần hơn là vạch hướng đi cho địa phương phát triển thì bên ngoài chuyện sản xuất, đời sống của Nhân dân cũng nóng không kém với nhiều vấn đề dân sinh đặt ra, đòi hỏi những lời giải thiết thực và lâu dài.

Chăm lo cho dân đâu chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của những người đầu tàu, là trách nhiệm của tổ chức Đảng từ khi mới thành lập cho đến nay, cho nên Đại hội khi bàn chuyện nghị sự thì chữ “Nhân dân” cũng luôn được quan tâm hàng đầu. Người dân cật lực cứu lúa, cứu tôm, còn nước còn tát với trăm công ngàn việc, vẫn dành thời gian theo dõi diễn biến Đại hội. Nghe ngóng và chờ đợi nhiều việc làm vì dân mà những đại biểu ưu tú đã hứa hẹn…

2. Thông tin báo chí

Trong những ngày Bạc Liêu tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh, rất nhiều cơ quan báo chí đã viết về Bạc Liêu. Đó là nhiệm vụ thông tin của cánh báo giới, nhưng tựu trung tất cả những bài viết có thể tự hào cho một Bạc Liêu hừng hực khí thế. Những bứt phá của một tỉnh nghèo trong quá khứ rất gần đang vươn mình từng ngày, nỗ lực trong từng phần việc để tiến lên mục tiêu kỳ quyết đặt ra là tỉnh khá của cả nước trong tương lai cũng rất gần, đều được ghi nhận! Trong số những bài viết trên rất nhiều cơ quan báo, tôi tâm đắc với bài viết của nhà báo Nhật Hồ, báo Lao Động với nhan đề “Từ bãi bồi hoang vu đến trung tâm năng lượng cả nước”. Là người con của Bạc Liêu, nhà báo hiểu vùng đất này từ cái thuở biển Bạc Liêu chỉ là “bãi bồi hoang vu” cho đến bây giờ, bãi bồi đang thay áo bởi những “chàng lực điền” - cánh đồng điện gió - ngày một nhiều hơn, đang làm giàu cho quê hương này. Bạc Liêu đang vươn lên bằng nội lực chính mình kết hợp sự tranh thủ ngoại lực đã được khắp nơi thừa nhận, dõi theo cũng qua lăng kính báo chí. Với những cách làm và trên thực tế hiển hiện, tỉnh đã được công luận, báo chí đánh giá sát hợp!

3. Tự hào truyền thống

Tiết mục văn nghệ ca cổ “Bạc Liêu ngày ấy” trong chương trình văn nghệ chào mừng khai mạc Đại hội đã đánh thức trong tôi những xúc cảm mãnh liệt, và tôi tin đó không chỉ là cảm xúc của cá nhân! Một “Bạc Liêu ngày ấy ngày không nổ súng, ngày của tình người, ngày hội non sông” được cố soạn giả Trọng Nguyễn đưa vào nghệ thuật, viết sử bằng ngôn từ nghệ thuật đặc sắc như thế. Tự hào và nghẹn ngào xúc động hình ảnh những anh giải phóng quân cầm cờ cách mạng trong ngày giải phóng, các chị, các mẹ đón các anh về trong gặp gỡ mừng vui…

Thì ngay sau đó, tại Đại hội, phát biểu chỉ đạo với Đảng bộ Bạc Liêu, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, đã khơi gợi lại những trang sử truyền thống vẻ vang, hào hùng của “Bạc Liêu ngày ấy”: “Trong chiến đấu chống ngoại xâm, người Bạc Liêu luôn dũng cảm, kiên trung, nhiều chiến tích oai hùng gắn với dấu ấn của nhiều anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này. Phát huy truyền thống cách mạng, Bạc Liêu đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nhiều hiểm nguy, gian khổ và đã tạo nên những mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng; vận dụng sáng tạo đường hướng chiến lược, sách lược của Đảng, điều rất đặc biệt là trong lịch sử cách mạng, Bạc Liêu đã hai lần giành chính quyền mà không phải nổ súng, đó là ngày 23/8/1945 - Cách mạng tháng Tám. Và 30 năm sau, lịch sử đã lập lại, vào 10 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã được tung bay trên Dinh Tỉnh trưởng của Bạc Liêu. Và phải nói rằng hai lần đặc biệt này, Bạc Liêu đối với lịch sử cách mạng, Đảng và dân tộc cũng là chiến thắng rất là vĩ đại…”.

Anh giải phóng quân trong chiếc áo màu xanh đi giải phóng quê hương trên nền văn nghệ Đại hội luôn là hình ảnh đẹp về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ của toàn dân tộc. Hình ảnh đó trong thời bình vẫn luôn đẹp rạng ngời! Cũng những ngày diễn ra Đại hội, cả đất nước xót xa, nghẹn ngào với thông tin 13 chiến sĩ, cán bộ đã hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ cứu nạn ở công trình thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Vâng! Chiến đấu vẻ vang thời chiến tranh, lòng can đảm, quên mình trong khi làm nhiệm vụ trong thời bình hôm nay là truyền thống đẹp đẽ vô ngần của toàn quân - dân Việt Nam!

Trong lịch sử, với những hy sinh, mất mát, Bạc Liêu đã góp phần mình trong những đóng góp to lớn cho sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đồng lòng, chung ý chí cùng với cả nước sẽ tiếp tục ra sức phấn đấu, thi đua, vượt qua khó khăn, thử thách để xây dựng Bạc Liêu ngày càng phát triển.

Nhật Quỳnh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.