Ghi chép

Gặp gỡ “Thần đồng thi ca”

Thứ Sáu, 10/03/2023 | 15:56

Ai từng ngồi ghế nhà trường, thì từ ngay bậc tiểu học chắc chắn đã biết đến tên tuổi “cậu bé” Trần Đăng Khoa. “Bé Khoa” làm thơ từ lúc mới 8 tuổi đầu! Người được mệnh danh là “Thần đồng thi ca” của Việt Nam - Nhà thơ Trần Đăng Khoa, hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ông vừa có chuyến thực tế sáng tác và công tác ở một số tỉnh phía Nam, trong đó có Bạc Liêu.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (thứ hai từ trái sang) - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tham quan Lăng Ông Nam Hải (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải). Ảnh: C.T

Dễ thương những vần thơ

Nhắc đến Trần Đăng Khoa, nhiều người nhớ ngay đến những câu thơ: “Hạt gạo làng ta/ Có vị phù sa/ Của sông Kinh Thầy/ Có hương sen thơm/ Trong hồ nước đầy/ Có lời mẹ hát/ Ngọt bùi đắng cay…” (bài thơ “Hạt gạo làng ta”). Hay những câu thơ trong bài “Đánh thức trầu”: “Đã ngủ rồi hả trầu?/ Tao đã đi ngủ đâu/ Mà trầu mày đã ngủ”... Mới 8 tuổi, Trần Đăng Khoa đã có thơ in báo và khi lên 10 (năm 1968), nhà thơ nhí đã xuất bản tập thơ “Từ góc sân nhà em”, rồi sau đó là tập “Góc sân và khoảng trời”. Phạm vi bài ghi chép này, tôi không giới thiệu chân dung “Thần đồng thi ca”, bởi đã có hàng trăm bài viết về ông từ gần nửa thế kỷ đến giờ.

Trước khi về Cà Mau (để kết nạp 2 hội viên vào Hội Nhà văn Việt Nam), nhà thơ Trần Đăng Khoa đã dừng chân ở Bạc Liêu 2 ngày. Mê “bé” Khoa và thơ Trần Đăng Khoa từ mấy chục năm qua, giờ mới được diện kiến, nhiều độc giả, học sinh thuộc thế hệ 7X, 8X đã tranh nhau để được chụp ảnh cùng nhà thơ. Nhà văn Phan Trung Nghĩa, người dẫn ông đi suốt hơn 2 ngày đã “so bì”: “Cái ông này, đi đến đâu cũng có phụ nữ đẹp xin chụp ảnh cùng!”. Mà đâu chỉ có phụ nữ, cả… đàn ông vẫn mê chụp ảnh với ông. Ai từng là học trò mà không đọc và mê thơ Trần Đăng Khoa! Hôm ấy, tình cờ gặp nhà thơ ở nhà khách Hùng Vương, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh - Lê Hữu Buôl cùng nhiều anh em còn tranh thủ nhờ tôi chụp cho bức ảnh kỷ niệm với nhà thơ “Hạt gạo làng ta”.

Trong hiểu biết của những đứa trẻ tiểu học, ông mãi là chú bé làm thơ, dù rằng chú bé ấy giờ đã là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và ngoài 60 tuổi rồi. Nhà thơ kể, nhiều năm trước, có cô học sinh trung học yêu thơ Trần Đăng Khoa nên viết thư bày tỏ sự hâm mộ, tự xưng “chị chị, em em”, tới chừng nhà thơ hẹn gặp thì “chị” ngỡ ngàng vì “em” còn lớn tuổi hơn cha mẹ của “chị”.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Đông Hải chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn cán bộ Hội Nhà Văn Việt Nam, trong đó có nhà thơ Trần Đăng Khoa (hàng trước, thứ ba từ trái sang).

Nghe “thần đồng” đọc thơ

…Tôi theo chân nhà thơ Trần Đăng Khoa và đoàn thực tế sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam về xứ biển Gành Hào - nơi mà ông biết đến qua nhạc phẩm “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang” của cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Sáng hôm ấy, trước khi rời TP. Bạc Liêu để về Gành Hào, anh em ở Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật (VH-NT) Bạc Liêu tranh thủ đãi nhà thơ Trần Đăng Khoa và đoàn món đặc sản của Bạc Liêu - bánh xèo A Mật. Nhà thơ cứ tấm tắc khen món ăn này. Ông hứa chắc nịch, sau chuyến này, ông sẽ gửi thơ cho tạp chí Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Bạc Liêu; còn nhắc tới nhắc lui là “chỉ gửi thôi không lấy nhuận bút đâu nhé!”.

Rồi trên đường đi, nhà thơ kể cách đây vài năm, khi tham gia chương trình “Đường xuân đất Việt” của kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam, đi qua đất này, nhìn dọc đường đi với nóc nhà loe hoe, ông ngỡ đây là một tỉnh nghèo. Giờ dừng chân lại, nhà thơ nhận ra đây là một tỉnh có nhiều lợi thế, là vựa lúa, vựa tôm, vựa muối, có điện gió, và có lợi thế về văn hóa để phát triển. Khi trao đổi với lãnh đạo huyện Đông Hải, nhà thơ nói nhiều về vai trò của văn hóa, VH-NT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông, Bạc Liêu cần phát triển hội viên vào Hội Nhà văn Việt Nam nhiều hơn, mang văn chương của Bạc Liêu vượt ra ngoài phạm vi của tỉnh để góp phần quảng bá xứ sở mình…

Dùng cơm với đoàn tại nhà riêng của nhà văn Phan Trung Nghĩa còn có một số vị như: Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Tạ Trung Dũng; Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy - Nguyễn Bình Tân; Giám đốc Sở NN&PTNT - Lưu Hoàng Ly. Mọi người đã có một buổi tối giao lưu văn chương ấm áp. Chúng tôi, những người hâm mộ nhà thơ Trần Đăng Khoa lần đầu tiên được đích thân “Thần đồng thi ca” đọc thơ cho nghe… Để rồi, chia tay ông, nhớ mãi chất giọng tha thiết - ngày xưa là những vần thơ trẻ con dễ thương, chân chất, còn giờ là những vần thơ đầy nỗi niềm của một “bé Khoa” đã trải qua gần trọn một kiếp người: “Tôi đi giữa nổi chìm bao số phận/ Lòng lắng nghe muôn tiếng nói xa gần/ Tôi không tin con người là ảo ảnh/ Và cuộc đời là một thoáng giữa sân ga…/ Nhưng khoảng sống mỗi người quả là có hạn/ Cái trái chín rụng rồi, hạt không nảy mầm đâu/ Hãy thương yêu nhau và sống cho có ích/ Đấy là lời hàng mộ bia nói với vạn đời sau...” (trích bài “Ở nghĩa trang Văn Điển”).

Công tác ở khá nhiều lĩnh vực và nhiều đóng góp trên lĩnh vực văn hóa - VH-NT, nhưng người ta hâm mộ tên tuổi nhà thơ Trần Đăng Khoa ở cái đoạn “cậu bé Thần đồng thi ca” nhiều hơn cả. Nhiều học sinh tiểu học bao lớp đã già đi, vẫn mãi nhớ về một bé Khoa làm thơ thật dễ thương, duyên dáng. Gặp gỡ nhà thơ chỉ đôi ba giờ thôi, tôi hiểu tại sao cậu bé thần đồng ấy lại làm thơ ý nhị, dễ thương và sâu sắc đến vậy. Là vì, ngoài đời, ông cũng là một người với tính cách như thế: “văn là người” mà!

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.