Chú Tám và​ “Thông điệp mùa xuân”

Thứ Tư, 15/03/2023 | 14:57

Sự ra đi của chú Tám Khánh - nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh bên thềm kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023) và lại ngay Tháng Thanh niên làm cho một người từng làm công tác thanh niên như tôi nhớ nhiều lắm cái tình của chú Tám và hoạt động nghệ thuật của chú Tám gắn với tuổi trẻ.

Nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh (bìa trái) và các tác giả đoạt giải tại cuộc thi ảnh “Tuổi trẻ và cuộc sống” - Bạc Liêu năm 2001. Ảnh: P.T.C

Tỉnh Bạc Liêu tái lập không lâu, có lần tôi được trực tiếp trò chuyện cùng chú Tám trong khuôn viên một triển lãm ảnh. Khi cái ngài ngại về chênh lệch tuổi tác và cương vị được hóa giải bớt đi bởi nét gần gũi, thân tình và nụ cười cởi mở của chú Tám, tôi mới mạnh dạn hỏi về bức ảnh chú chụp, được in sách rồi treo triển lãm… Đó là bức ảnh người phụ nữ mờ nhòe trong màn mưa, được chú chụp qua lớp kính xe ô tô, trong một cơn bão hồi tỉnh vừa tái lập. Chú nghe câu hỏi của tôi rất chăm chú, rồi nói: Có mấy người kia bình luận “chụp gì mà mờ căm!”. Câu chuyện giữa một thợ ảnh tay ngang đang làm công tác thanh niên với một nghệ sĩ lớn - một nhà báo chiến trường trở nên rôm rả…

Thế là tôi đã làm quen được với một cây đa, cây đề văn nghệ sĩ, báo giới!

Nhưng phải đến cuộc thi ảnh “Tuổi trẻ và cuộc sống” thì tôi mới được trực tiếp làm việc với chú, theo đúng nghĩa “làm việc”. Cuộc thi tổ chức năm 2001, do Tỉnh đoàn trực tiếp là đầu mối phối hợp với một số cơ quan liên quan. Chú Tám là Trưởng Ban giám khảo. Cuộc thi quy tụ những gương mặt vàng của “làng” nhiếp ảnh Bạc Liêu hiện giờ: anh Võ Văn Dũng, anh Đặng Quang Vinh, Lâm Thanh Liêm, Phan Thanh Cường… Tôi cảm nhận từ chú Tám phong cách làm việc tận tâm, mẫn cán, say mê, truyền cảm hứng đến mọi người… Đặc biệt là nụ cười cởi mở của chú và phong thái gần gũi, chan hòa với mọi người, mọi độ tuổi… Có cảm nhận là ai cũng thấy mình được chú quan tâm, lắng nghe, tôn trọng. Mà, đúng vậy còn gì!

Không biết tự lúc nào, ông lão nghệ sĩ nhiếp ảnh và chàng thợ ảnh tay ngang đã ngày càng gắn bó qua những cuộc gặp gỡ, những câu chuyện chú kể; những cuốn sách, tập ảnh và những trái xoài hái ở vườn nhà… được chú tặng. Nhớ mãi câu chuyện bức thư pháp đề chữ “TÂM” mà chú tặng tập thể Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bạc Liêu một tết nọ, với danh nghĩa chú Tám nguyên là Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Minh Hải, tôi đã bằng mọi cách “biến” tấm thư pháp ấy thành “của riêng”, treo trong phòng làm việc tại trụ sở cơ quan hồi công tác bên ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Chú ơi, chú đã cho con quá nhiều! Vậy mà, lần nào gặp gỡ chú rồi ra về, chú cũng nói câu cảm ơn làm con bối rối…

Nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh trong một lần tác nghiệp. Ảnh: H.T

Qua những câu chuyện kể, mới biết rằng ở vào độ tuổi tràn đầy sức trẻ, năm 19 tuổi, chú Tám đến với nghề ảnh và trở thành người cầm máy, làm nghề. Nghề ảnh không chỉ nuôi sống bản thân và gia đình, chú trở thành một nhà báo chiến trường ở tuổi thanh niên, với vũ khí là cây súng, chiếc máy ảnh và những phương tiện làm ảnh. Những tháng năm xuôi ngược chiến trường Tây Nam Bộ, nơi hòn tên mũi đạn khốc liệt, ống kính của chú Tám luôn hướng về những người trẻ tuổi - chủ thể quan trọng của cuộc chiến tranh vệ quốc…

Bạn trẻ bây giờ đang sống trong thời của những tiện ích. Lúc nào và ở bất cứ nơi đâu - nếu muốn, ai cũng có thể tự chụp ảnh cho mình, cho gia đình, bạn bè, phong cảnh… chỉ với chiếc điện thoại thông minh không đắt lắm. Chụp xong, chỉ với vài thao tác giản đơn, bức ảnh ấy đã có thể được chia sẻ và lan truyền đến mọi nơi trên trái đất. Qua những câu chuyện chú Tám kể, mới biết được rằng ngay trên mảnh đất Bạc Liêu, Cà Mau này đây, đã có một thời cha anh của chúng ta đã từng phải chắt chiu từng tấm phim âm bản có độ nhạy sáng thấp; chắt chiu từng bóng đèn magenium (chụp một lần phải gỡ bỏ để thay bóng khác, chụp trong điều kiện thiếu sáng); múc nước dưới lung, lóng phèn, chắt lấy thứ nước trong để pha thuốc hiện ảnh và định hình ảnh; dùng đốm đỏ từ đầu cây nhang đang cháy để kiểm tra lúc tráng film; dùng ánh sáng đèn dầu để rọi ảnh; rang gạo cho vào thùng đạn để lưu giữ từng tấm film âm bản và ảnh tư liệu.

Hơn cả những tìm tòi thú vị ấy, những bức ảnh đơn sắc trong di sản ký ức mà chú để lại mang sứ mệnh của những chứng nhân lịch sử, góp phần tạo nên nền tảng ý thức cho thế hệ sinh ra sau cuộc chiến biết trân trọng những giá trị lịch sử để biết mình đang và sẽ phải làm gì...

***

Nghĩa trang liệt sĩ chiều nay, trong khói nhang thành kính, con đang được nhìn sâu vào ánh nhìn và nụ cười ấm áp của chú trong di ảnh và đang nhớ nhiều lắm, nhớ đến nghẹn ngào về niềm riêng mà chú muốn gửi gắm, trao truyền lại cho tuổi trẻ thông qua di sản cả đời cầm máy của mình. Một kho tàng ký ức không chỉ riêng chú, mà là của cả cộng đồng. Ấy là những tấm ảnh đơn sắc vượt thời gian đang kể cho tuổi trẻ hôm nay nghe câu chuyện về một cuộc chiến khốc liệt của thế kỷ 20 đã diễn ra ngay tại đất này.

Tháng Thanh niên, muốn ngâm ngợi mãi đoạn thơ tôi sưu tầm, và đã được chú cho in trong một cuốn sách ảnh của chú, đi kèm bức ảnh chú chụp chiếc lá vàng rơi gần chục năm trước: “Xin đừng nghĩ khi lá vàng rụng xuống/ Là chết trong khắc khoải âm thầm/ Không! Lá vàng đã trở về với cội/ Và đang là thông điệp mùa xuân”.

Nguyễn Huy Thái

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.