“Chiếc áo nhiệm màu”...

Thứ Tư, 06/03/2024 | 15:42

Có khá nhiều bài hát ngợi ca chiếc áo dài - quốc phục của Việt Nam! Trong đó, tôi tâm đắc nhất những ca từ trong ca khúc “Một thoáng quê hương” của hai nhạc sĩ Từ Huy và Thanh Tùng.

Chắc rằng, những ai khoác trên mình chiếc áo dài Việt Nam, đều tự hào rằng áo dài không chỉ là trang phục để làm đẹp cho phụ nữ Việt Nam mà đó còn là “tâm hồn quê hương” như lời bài hát.

Thiêng liêng áo dài ngày cưới

Mẹ tôi, năm nay đã 70 tuổi. Trong chiếc ngăn tủ cũ kỹ theo mẹ gần 50 năm qua có bộ áo dài cưới được mẹ xếp thẳng thóm, và cất giữ như một vật kỷ niệm thiêng liêng của đời mình.

Chiếc áo dài may bằng chất lụa vải mềm mại màu hồng, cổ áo cao tầm 2 phân, tay dài, chít eo theo kiểu áo dài truyền thống của những năm 1970. Đó cũng là bộ áo dài đắt nhất mà mẹ tôi được bà ngoại mót tiền để mua cho con gái mặc vào ngày trọng đại nhất đời mình. Vì nhà ngoại nghèo nên hồi thời đi học, những chiếc áo dài mẹ mặc toàn là của mấy người chị họ mặc xong rồi cho lại. Ngoại đã sửa từng đường kim mũi chỉ để con gái có chiếc áo tuy cũ mà vừa vặn.

Cho nên, chiếc áo dài ngày cưới của mẹ tôi thiêng liêng, vì vừa là món quà ngoại chắt chiu dành dụm dành tặng mẹ, vừa là chiếc áo mẹ mặc trong ngày hạnh phúc của đời mình! Thỉnh thoảng mẹ lại mở ngăn tủ, lấy chiếc áo dài ấy ra, tỉ mỉ coi từng nếp áo rồi lại xếp ngay ngắn để vào chỗ cũ.

Tôi cũng có chiếc áo dài cưới của mình. Dĩ nhiên, do đời sống kinh tế đỡ hơn thời của ngoại nên áo cưới của tôi đắt tiền hơn, may bằng vải nhung với những họa tiết phụng rồng đẹp mắt. Khi cân nhắc giữa việc may và thuê áo cưới để mặc trong ngày trọng đại này, tôi đã quyết định may. Bởi vì, chiếc áo dài đặc biệt ấy dù chỉ mặc một lần nhưng đó sẽ là vật kỷ niệm theo ta suốt cuộc đời.

Tôi tin rằng, rất nhiều người phụ nữ Việt Nam, vẫn còn giữ trong chiếc tủ quần áo của mình một bộ áo dài cưới! Có thể bộ áo ấy may bằng vải xịn hay chất liệu bình thường thôi, nhưng đó là chiếc áo dài vô cùng thiêng liêng được khoác lên người trong ngày quan trọng của mỗi người.

Nữ cán bộ, viên chức Báo Bạc Liêu mặc áo dài hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” nhân dịp 8/3/2024. Ảnh: M.Đ

Tự hào chiếc áo quê hương

Theo một nguồn tư liệu ghi chép về lịch sử áo dài thì: “Tiền thân của áo dài Việt Nam là chiếc áo giao lĩnh. Sau đó, đến thế kỷ thứ XVII, áo dài được cách điệu thành kiểu áo tứ thân để thuận tiện cho phụ nữ lao động và sản xuất. Ở thời vua Gia Long, áo dài ngũ thân xuất hiện. Liên tiếp sau đó là các kiểu áo dài Lemur, áo dài Lê Phổ, áo dài Raglan. Đến năm 1970, áo dài truyền thống Việt Nam mới ra đời và hoàn chỉnh cho đến ngày nay”.

Và theo tiến trình đó, áo dài cũng đã trở thành quốc phục của đất nước ta tự khi nào! Từ “áo dài” không phiên dịch thành tiếng quốc tế mà vẫn giữ nguyên trong cách gọi áo dài Việt Nam trước bè bạn quốc tế, như cách giữ gìn một hiện thân văn hóa vật thể của dân tộc Việt Nam.

Từ năm 2019, khi Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào “Tuần lễ áo dài” và duy trì hằng năm cho đến nay, chiếc áo dài Việt Nam càng có cơ hội tỏa sáng! Với “Tuần lễ áo dài”, chị em có dịp khoác lên người tà áo dài đủ kiểu, đủ chất liệu, màu sắc, hoa văn, từ áo dài truyền thống cho đến áo dài cách tân. Dù ở kiểu dáng nào thì nét chung vẫn là khi mặc vào, người phụ nữ cũng toát lên vẻ dịu dàng, nền nã, khó có bộ trang phục nào có thể thay thế.

Áo dài theo mỗi người con gái lớn lên! Đó là chiếc áo dài trắng tinh khôi làm nên nét đẹp nữ sinh duyên dáng hồi thời phổ thông. Áo dài đồng phục mặc nơi công sở. Áo dài kín đáo ở chốn linh thiêng, chùa chiền. Áo dài nghiêm trang được chọn làm trang phục ở những sự kiện quan trọng. Áo dài trên sàn diễn thời trang, được đồng hành sải bước duyên dáng trong những cuộc thi nhan sắc quốc tế. Và riêng tư, áo dài là chiếc áo thiêng liêng của đa số cô dâu Việt Nam khi bước chân lên xe hoa về nhà chồng…

Chiếc áo dài đã đại diện cho tâm hồn dân tộc, quê hương với những điều đẹp đẽ, thiêng liêng như thế, chính xác như những ca từ mỹ miều ngợi ca áo dài Việt Nam: “Đẹp biết bao, quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu/ Dù ở nơi đâu, Paris, Luân Đôn hay những miền xa/ Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó, em ơi”...

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.