Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Dù kê:​ Câu chuyện dài!

Thứ Tư, 22/02/2023 | 15:43

Nghệ thuật Dù kê dù là “món ăn tinh thần” đặc biệt trong đời sống của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ, nhưng lại chưa thật sự phát triển mạnh mẽ, nếu không muốn nói là ở nơi này nơi khác, Dù kê còn quá hắt hiu trên con đường bảo tồn và phát huy giá trị.

Thưa vắng Dù kê

Sau một thời gian dài vắng bóng, Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ II - năm 2023 dự kiến sẽ diễn ra cuối tháng 3, đầu tháng 4 này. Theo thông tin từ Ban tổ chức, Liên hoan sẽ được tổ chức tại Đoàn nghệ thuật Ánh Bình Minh (tỉnh Trà Vinh).

Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ I được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng vào năm 2013, như vậy tính đến nay đã tròn 10 năm. Điều đó cho thấy, việc tổ chức sân chơi để phát huy giá trị một loại hình nghệ thuật đặc sắc của đồng dân tộc Khmer còn quá thưa vắng. “Truyền thuyết vua thần”, “Tiếng sáo chung tình”, “Chuyện tình nàng Sô Vanl Pô Pa”… là những vở mà Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu đã đầu tư xây dựng, trau chuốt để biểu diễn phục vụ bà con trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, khi nói về nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị Dù kê, làm sao để Dù kê có đội ngũ kế thừa trong tương lai thì chúng tôi luôn nhận được những tiếng thở dài đầy băn khoăn của người trong cuộc!

Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ được tổ chức là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer, khi loại hình nghệ thuật này đang bị lấn lướt bởi nhiều loại hình văn hóa hiện đại khác. Thế nhưng, làm thế nào để liên hoan được tổ chức nhiều hơn, duy trì được những đội hình chuyên để tham gia liên hoan cũng như về lâu dài, đi vào thực tế hơn là đảm bảo phục vụ nhu cầu cho bà con bản địa mới chính là điều đáng quan tâm trong khi đây được xem là “món ăn tinh thần” độc đáo.

Vở Dù kê “Tiếng sáo chung tình” do các diễn viên Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu biểu diễn phục vụ người dân. Ảnh: C.T

Cần cơ chế bảo tồn

Trong vai trò đầu tàu của phong trào văn hóa - văn nghệ nói chung của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thạch Mô Ly - Phó Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu kiêm trưởng Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu, nhận định: “Bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân tộc Khmer trước hết phải bảo tồn từ cái gốc, nghĩa là ở những phum sóc và chính ngay bản thân người Khmer. Hiện nay, số nghệ nhân Khmer ngày càng ít dần và mất đi do lớn tuổi, trong khi lực lượng kế tục chưa được bao nhiêu”. Theo NSƯT Thạch Mô Ly, có nhiều nguyên nhân của sự hụt hẫng này, nhưng nguyên nhân chính là đời sống đồng bào dân tộc Khmer còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến những sinh hoạt cộng đồng ngày càng thưa dần, ít ai chịu bỏ thời gian hàng tháng, hàng năm tiếp thu lại ở các nghệ nhân có những vốn quý ấy. Đây là vấn đề đáng báo động về sự mai một của nghệ thuật sân khấu Dù kê.

Thiết nghĩ nên sớm có những chủ trương, chính sách cụ thể để cho kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của Dù kê. Cụ thể là sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu nghệ thuật Khmer, các nghệ sĩ trong việc hệ thống khoa học các động tác, vũ đạo, bài hát... NSƯT Thạch Mô Ly cũng từng đề xuất việc tạo điều kiện cho Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer mở một số lớp tập huấn về vũ đạo Khmer, nhạc lý cơ bản và nhạc cụ dân tộc Khmer.

Những năm gần đây, công tác nghiên cứu, sưu tầm nghệ thuật sân khấu Dù kê của các tỉnh Nam Bộ nói chung, không riêng Bạc Liêu, gặp khó do thiếu thốn kinh phí, lực lượng nghiên cứu, sáng tác của các đoàn vừa thiếu về số lượng, lại yếu về chất lượng. Để đảm bảo cho việc giữ gìn và phát triển vốn truyền thống của dân tộc, đồng thời bổ sung cho kho tàng nghệ thuật sân khấu Dù kê thêm phong phú, rất cần có chính sách tạo động lực thu hút những tài năng trẻ. Tầm nhìn xa là sự đầu tư từ phía Bộ VH-TT&DL và gần hơn là sự tham mưu đề xuất của ngành Văn hóa các địa phương. Không thể trông chờ “tre già măng mọc” khi măng không có điều kiện để mọc. Nhất là trong thời buổi bài toán kinh tế luôn chi phối cuộc sống của con người.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.