Xây dựng cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm

Thứ Hai, 06/05/2019 | 16:18

Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, các công trình thủy lợi, trạm bơm nước phục vụ sản xuất lúa. Đồng thời thực hiện liên kết sản xuất, xây dựng các cánh đồng lớn (CĐL), giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng và đầu ra tiêu thụ lúa.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn ở xã Hưng Phú (huyện Phước Long).

Thương lái thu mua lúa của nông dân TX. Giá Rai. Ảnh: C.L

Toàn tỉnh có 183.000ha sản xuất lúa với tổng sản lượng 1 triệu tấn lúa/năm. Cây lúa được xem là nguồn thu nhập chính của nông dân. Tuy nhiên, phần lớn nông dân sản xuất nhỏ lẻ, chưa áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất (làm cho chi phí tăng cao), chất lượng sản phẩm không đồng đều. Từ đó chưa tạo được niềm tin để doanh nghiệp ký kết hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu, cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm.

Bên cạnh đó, một số nông dân chưa tiếp cận với phương thức sản xuất mới, vẫn còn chạy theo năng suất. Không ít bà con gieo sạ nhiều loại giống lúa trong một vụ để “đón đầu” thị trường, sử dụng giống lúa trôi nổi, chưa qua kiểm định, gieo sạ quá dày, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, sử dụng nguồn nước lãng phí, chưa áp dụng biện pháp giảm tỷ lệ thất thoát trong và sau thu hoạch… Hậu quả là hệ sinh thái đồng ruộng có chiều hướng suy thoái, mất cân bằng, dẫn đến sản xuất thiếu tính an toàn và không bền vững…

Theo ông Nguyễn Quốc Thái, Giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Lộc (huyện Hồng Dân): “Nhiều nông dân vẫn canh tác lúa theo cách truyền thống, ít tìm hiểu và áp dụng các quy trình kỹ thuật mới vào sản xuất. Vì vậy hạt lúa còn tồn dư hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật khá lớn, rất khó tìm được doanh nghiệp bao tiêu”.

Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình CĐL kiểu mẫu để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo điều kíện cho doanh nghiệp và nông dân liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi. Qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, an toàn, hiệu quả. Mô hình CĐL đã đem lại hiệu quả, giúp lợi nhuận của nông dân tăng thêm từ 3 - 5 triệu đồng/ha/vụ. Đặc biệt, nông dân không phải lo đầu ra vì được doanh nghiệp bao tiêu với giá từ bằng đến cao hơn thị trường từ 300 - 400 đồng/kg. Anh Trần Văn Nam (xã Hưng Phú, huyện Phước Long) chia sẻ: “Từ khi thực hiện mô hình CĐL, được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, nông dân mạnh dạn áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất. Nhờ vậy năng suất lúa liên tục tăng qua từng năm, đời sống bà con ngày càng được cải thiện”.

Năm 2019, Bạc Liêu xây dựng thêm 5 CĐL (nâng tổng số toàn tỉnh có 26 CĐL) và sản xuất theo chuỗi 25.000ha. Định hướng đến năm 2020 tỉnh xây dựng thêm 6 CĐL và sản xuất theo chuỗi với diện tích 31.000ha, trong đó 10.000 ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP và dần tiến tới sản xuất lúa hữu cơ vào năm 2025. Để thực hiện mục tiêu này, ngành Nông nghiệp tỉnh đang đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (trạm bơm nước, đường giao thông, hệ thống thủy lợi, hệ thống sấy lúa, chế biến và bảo quản lúa…); đồng thời thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất, liên kết với doanh nghiệp đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa trong các khâu sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vật chất cho nông dân sản xuất, mở rộng diện tích bao tiêu và tiến dần đến sản xuất lúa theo chương trình VietGAP, làm cơ sở cho sản xuất lúa hữu cơ 10.000ha vào năm 2025.

Ông Trương Văn Triều, Phó trưởng phòng Kinh tế TX. Giá Rai, cho biết: “Mô hình CĐL đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Những CĐL sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP góp phần xây dựng thương hiệu cho hạt gạo đặc sản, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó giúp nông dân tăng sản lượng, tăng lợi nhuận sau mỗi vụ lúa”.

Sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn đảm bảo việc thụ hưởng lợi ích giữa các bên. Trong đó, nông dân được hưởng lợi từ các dịch vụ sản xuất, chất lượng vật tư nông nghiệp đầu vào, cơ giới hóa, vốn sản xuất, từ đó góp phần tăng năng suất, chất lượng và giá trị hạt gạo, gia tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận.

THIÊN HƯƠNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.