Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp - nông thôn: Cần lắm những đột phá mạnh mẽ

Thứ Hai, 28/08/2023 | 14:46

Thực tiễn và bài học kinh nghiệm thành công từ nhiều quốc gia phát triển mạnh về nông nghiệp cho thấy, doanh nghiệp (DN) đóng vai trò rất quan trọng cho phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn (NN-NT). Do vậy, phát huy tốt nguồn lực này là một trong những giải pháp hàng đầu để thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa NN-NT.

Nuôi trồng thủy sản - một trong những lĩnh vực cần sự đầu tư của doanh nghiệp vào liên kết sản xuất với nông dân.

NHIỀU “ĐIỂM NGHẼN”

Đối với tỉnh Bạc Liêu, sản xuất nông nghiệp được xác định là “trụ đỡ” của nền kinh tế và mang tính chi phối, quyết định đến tăng trưởng chung của địa phương. Từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay, Bạc Liêu đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào phát triển NN-NT, nhưng sự đầu tư từ DN vào khu vực này không nhiều.

So với thời điểm tái lập tỉnh, việc thu hút DN đầu tư vào phát triển NN-NT hiện nay dù có chuyển biến, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Đầu tư vào nông nghiệp lâu nay chủ yếu theo chiều rộng, thông qua sản xuất nông hộ nhờ vào việc tăng diện tích, tăng vụ và tăng cường các yếu tố đầu vào truyền thống như: lao động, vật tư, nguồn lực tự nhiên... chứ chưa thu hút được DN “đầu tàu” đầu tư cho phát triển NN-NT. Do vậy, sản xuất nông nghiệp tuy có tăng về số lượng, nhưng giá trị kinh tế mang lại chưa cao, hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên chưa nhiều, thậm chí khai thác cạn kiệt và lạm dụng tài nguyên quá mức. Đặc biệt, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp rất thấp (lĩnh vực thu hút được vốn FDI lâu nay chỉ tập trung trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu).

Thực tiễn từ nền kinh tế tỉnh nhà cho thấy, có 4 nguyên nhân cơ bản gây khó và trở thành “điểm nghẽn” khiến DN ít đầu tư vào phát triển NN-NT. Thứ nhất, tỷ lệ sinh lãi từ sản xuất nông nghiệp đạt thấp, mất nhiều thời gian, nhưng rủi ro cao, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp luôn bị chi phối khá nhiều từ yếu tố thời tiết, môi trường, thiên tai và dịch bệnh. Thứ hai, quy hoạch sử dụng đất ở nhiều địa phương chưa ổn định nên chưa tạo được sự an tâm cho DN đầu tư vào những dự án đòi hỏi phải mất nhiều thời gian mới thu được kết quả. Thứ ba, cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào NN-NT được ban hành rất nhiều, nhưng DN khó tiếp cận bởi những quy định và hàng loạt ràng buộc rất phức tạp, nhất là các chính sách hỗ trợ về tín dụng. Thứ tư, các địa phương chưa quan tâm hỗ trợ và đồng hành chia khó cùng DN, các địa phương chỉ quan tâm đến khâu cấp phép, còn trong quá trình triển khai và thực hiện dự án thì DN… tự bơi?!

Điển hình như trường hợp Công ty Cổ phần xây dựng và kinh doanh bất động sản Bạc Liêu đầu tư xây dựng nhà ở và Trung tâm thương mại huyện Phước Long với tổng vốn hơn 80 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 3/2013 và dự kiến hoàn thành trong vòng 24 tháng. Thế nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai xây dựng do chưa làm xong công tác giải phóng mặt bằng. Nhiều DN khác bỏ tiền tỷ đầu tư xây dựng trung tâm thương mại ở các huyện, nhưng sau đó các hộ tiểu thương không vào mua bán mà tổ chức chợ nhóm mua bán ở ngay bên ngoài trung tâm được đầu tư hàng chục tỷ đồng! Đáng tiếc, về khu vực nông thôn hiện nay, không khó để bắt gặp những dự án gây lãng phí tài nguyên đất, tiền đầu tư cho những công trình, dự án chỉ với chức năng “làm cảnh”, hoặc để hợp thức hóa các tiêu chí về hạ tầng thương mại ở các vùng nông thôn mà hiệu quả đầu tư mang lại cho DN bằng 0.

Doanh nghiệp ngoài tỉnh tìm hiểu thị trường qua Hội chợ hàng OCOP tại Bạc Liêu. Ảnh: L.D

NỘI LỰC VẪN GẶP KHÓ

Nếu như việc thu hút DN từ bên ngoài vào đầu tư cho phát triển NN-NT đã khó, thì việc khai thác, phát huy nguồn nội lực tại chỗ còn khó khăn hơn, nhất là việc khuyến khích thành lập mới DN ở các địa phương hiện nay.

Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Lợi lần thứ XII, Huyện ủy đã ban hành các đề án quan trọng như: Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 mà trọng tâm là đa dạng hóa cây trồng - vật nuôi và liên kết sản xuất; Đề án phát triển hợp tác xã nông nghiệp với trọng tâm là liên kết sản xuất trong các lĩnh vực sản xuất chủ lực của huyện. Theo đó, huyện đã tích cực tổ chức các hoạt động mời gọi, thu hút DN đầu tư vào phát triển NN-NT gắn với giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp chủ lực... Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy, số DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện còn rất ít và chỉ chiếm 10,54% trong tổng số 256 DN đăng ký hoạt động trên địa bàn (trong đó, chiếm phần lớn là các hợp tác xã, quỹ tín dụng).

Nguyên nhân chủ yếu là do nông dân vẫn còn giữ tập quán, thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến khó ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, giá thành sản xuất cao. Mặt khác, cơ giới hóa chưa đồng bộ, công nghiệp chế biến nông sản phát triển còn chậm, kết cấu hạ tầng nông thôn còn rất hạn chế, nhất là hệ thống giao thông đường bộ. Cùng với đó là rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường, chất lượng nông sản, việc phá vỡ hợp đồng trong liên kết giữa nông dân và DN còn phổ biến dẫn đến DN không mặn mà tham gia. Một số ít DN liên kết, đầu tư cho nông dân nhưng chỉ ở quy mô nhỏ và vừa, hiệu quả còn thấp, chủ yếu dưới hình thức cung ứng vật tư nông nghiệp và thu mua lúa gạo. Liên kết giữa DN với các nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn ít và chưa chặt chẽ, chi phí vẫn còn cao, khả năng cạnh tranh thấp...

Thực trạng thu hút đầu tư vào lĩnh vực NN-NT ở Vĩnh Lợi - một huyện “cửa ngõ” và giáp ranh với trung tâm hành chính, kinh tế của tỉnh cũng là bối cảnh khó khăn chung của cả tỉnh trong việc đầu tư vào phát triển NN-NT như hiện nay. Bối cảnh này đặt ra yêu cầu bức thiết về những chủ trương đột phá đủ mạnh để phát huy thế mạnh kinh tế chủ lực của tỉnh là sản xuất nông nghiệp.

LƯ TRUNG

Nông dân huyện Hòa Bình vận chuyển lúa bán cho thương lái.

Chính sách đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào NN-NT

Nghị định 57 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào NN-NT quy định rõ một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước và quy định trình tự, thủ tục thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào NN-NT.

Cụ thể, miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với DN có dự án nông nghiệp (đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư) được Nhà nước giao đất. DN có dự án đầu tư vào NN-NT cũng được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể về các hình thức hỗ trợ khác như: Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; hỗ trợ đầu tư cơ sở; hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng NN-NT.

Về nguồn vốn hỗ trợ, ngân sách trung ương dành khoản ngân sách tương đương tối thiểu 5% vốn đầu tư phát triển hằng năm cho ngành Nông nghiệp; ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dành tối thiểu 5% vốn chi ngân sách địa phương hằng năm cho ngành Nông nghiệp để thực hiện. Ngoài ra, các bộ, ngành và địa phương được sử dụng nguồn vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và các quỹ hợp pháp để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này.

Nghị định cũng quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong triển khai Nghị định. Theo đó, HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào NN-NT tại địa phương. Ban hành cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào NN-NT phù hợp với thẩm quyền và các quy định của pháp luật.

P.B.T

* Bí thư Huyện ủy Hồng Dân - Ngô Vũ Thăng: Xây dựng cơ chế khen thưởng, khuyến khích DN đầu tư vào NN-NT 

Hồng Dân là huyện thuần nông, mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung vào “tôm, lúa” kết hợp với chăn nuôi và sản xuất nhỏ nên việc thu hút DN đầu tư vào phát triển NN-NT đạt thấp. Trong đó, nguyên nhân chính là hạ tầng giao thông nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đến nay, toàn huyện chỉ có khoảng 160 DN, chủ yếu là DN nhỏ, siêu nhỏ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, xăng dầu… chứ chưa có DN lớn mang tính dẫn dắt nền nông nghiệp.

Để huy động và bổ sung nguồn lực cho Hồng Dân phát triển nhanh và phát huy tốt vai trò của DN, huyện kiến nghị tỉnh tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cụ thể hóa các cơ chế khuyến khích DN đầu tư vào NN-NT trên địa bàn; sớm tiến hành điều chỉnh các vấn đề bất cập trong ưu đãi đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho DN nói riêng và các thành phần kinh tế khác đầu tư vào NN-NT.

Cùng với đó, trên cơ sở cơ chế, chính sách của tỉnh, hằng năm xây dựng kế hoạch cụ thể để xúc tiến, thu hút DN đầu tư vào NN-NT trên địa bàn huyện, trong đó phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành liên quan để làm cơ sở triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. Cũng như đẩy mạnh phối hợp với Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu xây dựng và tiến đến hình thành bộ thủ tục hành chính chung, nhất là các thủ tục về cho thuê đất... để kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn các DN rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục liên quan.

* Giám đốc Sở NN&PTNT - Lưu Hoàng Ly: Cần xây dựng chiến lược thu hút FDI vào lĩnh vực NN-NT 

Để thu hút DN đầu tư vào phát triển NN-NT, Bạc Liêu cần xây dựng chiến lược thu hút FDI vào lĩnh vực NN-NT giai đoạn 2023 - 2030 và tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế so sánh.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác giữa Nhà nước, DN và nông dân trong việc phát triển chuỗi giá trị nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả kinh tế. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho DN đầu tư vào NN-NT như: chính sách về thuế, tín dụng, đất đai, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao và bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp kiến nghị các ngành, địa phương cần tăng cường quảng bá, tuyên truyền về tiềm năng và lợi thế của nông nghiệp Bạc Liêu, nhất là các sản phẩm đặc trưng như: lúa gạo, thủy sản có chất lượng cao và uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực NN-NT, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do, hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu, học hỏi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến. Nâng cao năng lực quản lý và điều hành của các cơ quan nhà nước liên quan đến việc thu hút DN đầu tư vào NN-NT. Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt quan tâm đến những cơ chế, chính sách hỗ trợ DN và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi cho quá trình tích tụ ruộng đất, có chính sách để nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất cho DN. Rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai để khuyến khích DN đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

* Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi - Trương Thanh Nhã: Tăng cường đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển NN-NT

Với quyết tâm phát triển nhanh, bền vững và giải quyết những khó khăn, bất cập trong thu hút DN đầu tư vào phát triển NN-NT hiện nay, ngoài những nỗ lực của địa phương, Vĩnh Lợi rất mong được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa để bổ sung nguồn lực, tạo sự phát triển và bứt phá cho huyện. Đó là quan tâm đầu tư về hạ tầng kinh tế - xã hội để tạo động lực cho sự phát triển của huyện, đặc biệt là thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Vì vậy, huyện rất cần sự hỗ trợ của tỉnh về xây dựng các cánh đồng lớn, ô đê bao và trạm bơm để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và chất lượng cao. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút DN vào tham gia liên kết sản xuất với nông dân khi hạ tầng nông nghiệp được đầu tư đồng bộ và hoàn chỉnh.

Ngoài ra, khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng tạo điều kiện tối đa cho người dân, DN, hợp tác xã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong lĩnh vực NN-NT để DN mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này.

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.