Khơi dòng cho mỏ “vàng trắng” Bạc Liêu phát triển

Thứ Hai, 02/10/2023 | 16:32

“Muối Long Điền mặn nghĩa thủy chung” hay “cá kèo kho muối Bạc Liêu, lấy chồng quê biển thêm yêu Gành Hào”…, đi vào những câu hát là thế và được nhiều người biết đến với vị mặn nhưng không chát đắng, muối Bạc Liêu từ lâu đã rất nổi tiếng và được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Nghề làm muối ở Bạc Liêu cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Dù vậy, giá trị hạt muối vẫn luôn bấp bênh và cuộc sống của diêm dân bao đời nay vẫn cứ mãi thiếu trước hụt sau.

Diêm dân huyện Hòa Bình thu hoạch muối.

Bấp bênh đời muối

Muối Bạc Liêu ngày xưa gọi là muối Ba Thắc, một thương hiệu dân gian nổi tiếng rất lâu đời, gắn liền với diêm dân Bạc Liêu và đã trở thành nghề truyền thống của người dân xứ biển. Dẫu có nhiều đổi thay, nhưng những làng nghề muối vẫn còn giữ được nét đẹp nguyên sơ, độc đáo. Có rất nhiều hộ gia đình có từ 3 thế hệ làm nghề muối trở lên, đặc biệt có gia đình đã đến thế hệ thứ 6 nối nghiệp.

Bạc Liêu là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước. Sản lượng sản xuất hằng năm hơn 15.000 tấn. Muối được sản xuất tại Bạc Liêu thường có hương vị đậm đà, độc đáo vì trong muối có hàm lượng magiê, canxi, sunfat... rất thấp, không gây vị đắng, chát. Điều này đã làm cho muối Bạc Liêu nổi tiếng khắp xa gần. Có tiếng là vậy, nhưng nghề làm muối vẫn là một nghề đã và đang trải qua rất nhiều thăng trầm, diêm dân lần lượt rời đồng muối, diện tích làm muối giảm dần. Nếu như năm 2011, toàn tỉnh có hơn 3.000ha sản xuất muối, khoảng 1.300 hộ trực tiếp làm muối, thì đến năm 2015 số lượng này đã giảm xuống chỉ còn hơn 2.600ha và năm 2022 sản xuất chỉ còn 1.411ha. Tình trạng trên là do việc sản xuất muối không mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các mô hình sản xuất khác nên nhiều diêm dân đã chuyển đổi mô hình sản xuất để có thu nhập cao hơn. Ông Lê Thanh Bình (ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh) chia sẻ: “Nghề làm muối hoàn toàn phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên và giá muối thì năm nào cũng vậy, hễ nắng tốt, trúng mùa thì nắm chắc muối sẽ rớt giá. Do sống nhờ nghề làm muối nên nhiều diêm dân chọn cách “ăn trước, trả sau”, vì vậy cũng không thể trữ muối mà chờ giá. Đời sống của diêm dân chúng tôi cũng vì thế mà vẫn mãi bấp bênh”.

Dù nghề muối ở Bạc Liêu tồn tại trên 100 năm nhưng cư dân xứ biển chưa thể giàu lên từ muối. Nguyên nhân là do diện tích canh tác của từng gia đình không nhiều, giá cả bấp bênh, khâu tiêu thụ còn bất cập và một số lý do khác. Trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp thu mua, chế biến muối, trong thời gian qua, các doanh nghiệp này chưa có nhiều hoạt động liên kết tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm cho hợp tác xã, tổ hợp tác và diêm dân. Diêm dân chủ yếu bán muối thô cho doanh nghiệp hoặc thương lái.

Trải bạt sản xuất muối trắng là hướng đi đúng để phát triển bền vững nghề muối. Tuy nhiên, dù ai cũng biết sản xuất muối trắng là tốt nhưng vốn đầu tư trải bạt quá lớn, trong khi đa phần diêm dân còn nghèo nên không làm được. Đơn cử như vụ mùa 2021 - 2022, diện tích sản xuất theo phương pháp trải bạt trên sân kết tinh là hơn 103ha, chỉ chiếm hơn 7% tổng diện tích sản xuất muối của toàn tỉnh.

Chế biến và đóng gói muối ở Công ty Muối Bạc Liêu. Ảnh: C.L

Hạ tầng đi trước mở đường

Cùng với tôm, lúa thì muối cũng là một trong những thế mạnh kinh tế trong định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh. Đây được xem như mỏ “vàng trắng” mà lâu nay bị bỏ quên, chưa phát huy hết tiềm năng, giá trị. Vì chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên hiện nay, hầu hết hệ thống kênh, mương dẫn nước mặn vào các ruộng muối đều bị bồi lắng. Mặt khác, do sử dụng chung hệ thống dẫn và lấy nước với các cụm, khu nuôi tôm công nghệ cao tự phát nên ít nhiều chất lượng nguồn nước mặn để sản xuất muối cũng bị ảnh hưởng…

Phát biểu kết thúc buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều nhấn mạnh: “Lâu nay nghề làm muối, người làm muối chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Từ đó khiến cho hạ tầng nghề muối ngày một xuống cấp, giá cả hạt muối bấp bênh, đời sống diêm dân cứ chịu cảnh thiếu trước hụt sau. Do đó, việc quan tâm xây dựng hạ tầng phục vụ nghề muối là rất cấp thiết. Qua đó, giúp xây dựng thương hiệu hạt muối Bạc Liêu thông qua các sản phẩm chế biến muối chuyên sâu với bao bì, mẫu mã phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Mong rằng, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tỉnh trong việc phát triển đồng bộ, bao phủ toàn bộ diện tích sản xuất muối của tỉnh”.

Để giúp tỉnh mở nút thắt, khơi dòng cho hạt muối phát huy tối đa giá trị, phát triển ngành muối của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân, Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ để tỉnh triển khai thực hiện dự án Nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối giai đoạn 2021 - 2025 đồng muối Đông Hải (huyện Đông Hải), với tổng nguồn vốn hơn 100 tỷ đồng. Dự án sẽ cải tạo, xây dựng mới gần 15km đường giao thông và xây mới 15 cây cầu thép và 5 cây cầu bê-tông với tổng vốn đầu tư là 120 tỷ đồng, phục vụ cho diện tích sản xuất muối hơn 1.300ha tại 2 xã Điền Hải và Long Điền Đông.

Song song với đầu tư phát triển hạ tầng nghề muối, Bộ NN&PTNT còn cam kết đồng hành cùng tỉnh trong việc tiếp cận các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, mở rộng thị trường. Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm muối. Củng cố, phát triển các thương hiệu muối đã có; giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, tham gia làm chủ thể OCOP đối với sản phẩm muối…

Phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu sau chuyến đi khảo sát thực tế hạ tầng nghề muối, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Hạ tầng nghề muối đồng bộ, giá muối dần ổn định thì mới giữ chân được diêm dân tiếp tục làm nghề, không chuyển đổi sang các mô hình kinh tế khác. Do đó, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện hạ tầng nghề muối ở Bạc Liêu để giúp tỉnh phát triển bền vững lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất để dự án triển khai kịp thời, đúng tiến độ, mang lại lợi ích thiết thực cho bà con trong vùng dự án”.

Có thể nói, bên cạnh giá trị kinh tế, nghề muối ở Bạc Liêu còn hàm chứa giá trị văn hóa đặc biệt. Những câu chuyện xung quanh nghề làm muối và hạt muối Bạc Liêu là giá trị hữu hình và tiềm năng phát triển du lịch. TS. Ngô Kiều Oanh - Chuyên gia về muối và nông nghiệp, nhận định: “Nghề muối Bạc Liêu rất có tiềm năng phát triển do đây là nghề truyền thống, hạ tầng và mặt bằng sản xuất muối còn rất lớn cho sản xuất hàng hóa, diêm dân còn rất thiết tha với nghề... Hạt muối không chỉ đơn thuần là thức ăn hay phục vụ công nghiệp mà còn có thể tăng thêm giá trị như phục vụ cho du lịch, sức khỏe… Do đó, tiềm năng nghề muối còn rất lớn và mang tính bền vững nếu phát huy tốt các chính sách từ Trung ương đến địa phương”.

Hơn 100 năm tồn tại, hạt muối Bạc Liêu đã gắn chặt với đất, với người như một phần hương vị không thể thiếu của quê hương và những giá trị lịch sử - văn hóa. Hy vọng muối Bạc Liêu không ngừng vươn xa để diêm dân làm giàu từ hạt muối và muối Ba Thắc mãi là niềm tự hào của người dân Bạc Liêu.

CHÍ LINH

Tổ chức Festival và lễ hội muối

Cũng tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu về phát triển nghề muối, Thứ trưởng Trần Thanh Nam còn thông tin rằng “Vào trung tuần tháng 4/2024, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh, thành có nghề muối truyền thống tổ chức Festival để quảng bá, liên kết phát triển nghề muối, thông qua đó cũng tạo điều kiện để tiếp cận các nhà đầu tư, đầu mối tiêu thụ, chế biến, nâng cao giá trị hạt muối”. Đây là thời cơ để tỉnh xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm nghề làm muối, các sản phẩm lưu niệm từ muối, dược liệu từ muối; xây dựng lễ hội muối tổ chức định kỳ hằng năm nhằm quảng bá, thu hút du khách đến tham quan, thưởng thức các món ăn được chế biến từ muối Bạc Liêu.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.