Hành trình xây dựng hạt ngọc Bạc Liêu

Thứ Sáu, 06/10/2023 | 15:52

Đảng và Nhà nước ta nhiều lần khẳng định, nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Chính vì vậy, Bạc Liêu đã xác định và chỉ đạo triển khai thực hiện “Nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo” là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bài 1: Đi tìm giống lúa khẳng định vị thế hạt gạo Bạc Liêu

Trung tuần tháng 9/2023, thông tin giống lúa BL9 của Bạc Liêu được Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) công nhận lưu hành đặc cách làm nức lòng Nhân dân cả tỉnh. “Đây là sự kiện có ý nghĩa đối với ngành Nông nghiệp nói chung, đánh dấu sự thành công bước đầu trong lĩnh vực trồng trọt đã tạo ra giống lúa mới - riêng có của tỉnh Bạc Liêu”, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều chia sẻ.

Đó cũng là thành quả ngọt ngào khi chủ trương, nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thật sự đi vào cuộc sống, với sự bứt phá của ngành Nông nghiệp tỉnh nhà.

Kỹ sư Dương Văn Ngô (giữa) và cán bộ kỹ thuật kiểm tra ruộng lúa BL9.

TỪ TRĂN TRỞ VỚI ĐỒNG ĐẤT BỊ XÂM NHẬP MẶN...

Thực tế cho thấy, từ năm 2015 đến nay, khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn mà Bạc Liêu là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề. Cây lúa không chịu mặn hoặc độ chịu mặn thấp sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất, năng suất bị sụt giảm. Cho nên những năm gần đây, người dân trên đồng đất này ngày càng khát khao có thể tìm ra một giống lúa chịu mặn cao mà chất lượng thơm ngon, có thể cạnh tranh với các giống lúa như ST của Sóc Trăng, Nàng Thơm chợ Đào của Long An, Hạt ngọc Trời của An Giang… để trồng đại trà.

Không phải Bạc Liêu không có những giống lúa có thể chịu được độ mặn như lúa Hầm trâu, Một bụi đỏ… Khó ở chỗ, các giống lúa này có phẩm chất, chất lượng gạo không đạt về độ ngon, thơm, dẻo nên không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Giá thành cũng không cao, nên không khuyến khích người dân trồng đại trà.

Từ đó, ý tưởng nghiên cứu chọn lọc ra giống lúa riêng biệt, vừa ngon vừa có thể chịu mặn riêng cho Bạc Liêu càng thôi thúc những người thật sự quan tâm đến sự phát triển của cây lúa Bạc Liêu. Tỉnh ủy Bạc Liêu giao UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp sớm tìm giải pháp, nghiên cứu phương cách chọn lọc cây trồng, vật nuôi không chỉ thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn có thể phát triển tốt, cho năng suất, mang lại giá trị kinh tế cao.

...ĐẾN CHỦ TRƯƠNG “LÚA THƠM, TÔM SẠCH”

Để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, Bạc Liêu sẽ hóa giải các “nguy cơ” trở thành “thời cơ”, xem đây là nhu cầu tất yếu cho phát triển bền vững trong giai đoạn mới. Từ quan điểm và tư duy đổi mới này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, lấy con tôm, cây lúa làm chủ lực; có thể kể đến như Mô hình tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm - lúa định hướng đến năm 2025. Theo đó, Bạc Liêu đề ra mục tiêu xây dựng, hình thành và lan tỏa mô hình sản xuất “tôm sạch, lúa an toàn” theo chuỗi giá trị nhằm bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và lợi ích kinh tế.

Đặc biệt, Bạc Liêu đã xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là giải pháp đột phá trong chương trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là khu vực nông thôn. Như thế, không chỉ con tôm, cây lúa cũng cần được nghiên cứu, chuyển đổi theo hướng thích ứng và cần đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm lúa gạo khác trong khu vực ĐBSCL.

Đó cũng là lý do tỉnh cho chủ trương, cơ chế và chính sách mở đường cho ngành Nông nghiệp hướng đến việc đầu tư nghiên cứu, chọn lọc giống lúa thơm chịu mặn, phù hợp với vùng đất, thổ nhưỡng của địa phương.

Sản phẩm lúa gạo BL9. Ảnh: M.Đ

CHÂN DUNG “CHA ĐẺ” CỦA GIỐNG LÚA BL 9

Chiếc áo sơ mi giản dị, gương mặt xương xương với đôi mắt sâu thâm trầm, lần nào gặp kỹ sư Dương Văn Ngô - Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Giống nông nghiệp và thủy sản Bạc Liêu (gọi tắt là Trung tâm Giống), ấn tượng trong chúng tôi vẫn là một con người rất mộc mạc nhưng không kém nhiệt tình, nhất là khi anh say mê đề cập đến những công trình nghiên cứu của mình.

Tốt nghiệp Khoa Nông nghiệp chuyên ngành Trồng trọt của Trường đại học Cần Thơ, anh Dương Văn Ngô trở về phục vụ quê hương. Là người con của Bạc Liêu, nơi quanh năm cuộc sống của nông dân gắn liền với những cánh đồng lúa, đầm tôm, nơi những vụ mùa bội thu hay thất bát gắn liền với con nước, với triều cường, với quá trình mặn - ngọt của biến đổi khí hậu đã khiến anh Ngô luôn ấp ủ ước mơ tìm ra được những loại cây giống có thể mang đến năng suất cao, chất lượng tốt.

Khi được Trung tâm Giống giao nhiệm vụ nghiên cứu, lai tạo giống lúa mới phù hợp với đồng đất Bạc Liêu, nhiều đêm liền nhóm nghiên cứu do kỹ sư Ngô làm chủ nhiệm (lúc bấy giờ chỉ 3 người) phải mày mò tìm tòi, thử nghiệm, trồng đủ các loại. Suốt ngày, nhóm nghiên cứu ở trong các khu thực nghiệm để trồng, theo dõi quá trình sinh trưởng của cây, rồi ghi ghi chép chép.

Trong quần thể 2.000 cây giống, các kỹ sư sau quá trình trồng thử nghiệm thì tiến tới chọn lựa, tìm ra sự khác biệt. Kết quả không phụ lòng người, nhóm nghiên cứu đã tìm ra một loại giống mới, ưu việt nhất.

Ở giai đoạn đầu, khi chưa có máy test (thử) độ ngon, độ dẻo, kỹ sư Ngô và các cộng sự phải thử bằng… miệng, từ việc nhai những hạt gạo sống cho đến nấu những nồi cơm để ăn mà theo “cha đẻ” của BL9 dí dỏm chia sẻ, hằng ngày nhóm của anh “phải chia nhau nhai đến mỏi “quai hàm” mới cảm nhận rồi so sánh được độ ngon, độ dẻo của từng loại để chọn lọc”.

Qua nhiều lần thất bại, từ năm 2014 cho đến 2019, niềm vui như vỡ òa khi cuối cùng, kỹ sư Ngô đã tìm ra được giống lúa ưu việt. Ngắn ngày, kháng sâu bệnh tốt, chịu mặn lên đến 4/1.000. Chất lượng gạo tốt, trong đó phẩm chất gạo đã được Trung tâm đưa đi khảo nghiệm, đánh giá trong nhóm gạo ngon nhất. Đặc biệt, gạo khi nấu lên ăn có vị ngọt mà nhiều loại gạo đặc sản khác, kể cả ST cũng không có được. Khi nấu cơm, gạo không nở chiều ngang, chỉ nở chiều dài nên gạo ít bị ôi thiu, có mùi thơm dịu dễ chịu.

Chuyện nghiên cứu ra giống lúa trước nay người ta thường chỉ biết đến ở các viện nghiên cứu, các trường đại học thực hiện. Còn câu chuyện các kỹ sư, nhất là ở các địa phương tìm tòi, nghiên cứu ra các giống lúa, nhìn chung khá hiếm, do việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học ở các địa phương vẫn không thể có máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất như các viện, các trường. Tuy nhiên, từ thành công của các kỹ sư “chân đất” như ông Hồ Quang Cua (Sóc Trăng); ông Dương Văn Ngô (Bạc Liêu) đã cho thấy một điều: Nếu có đam mê, quyết tâm vì những điều tốt đẹp, giống như mong muốn tìm được giống lúa gạo ngon, đặc trưng riêng cho tỉnh nhà; đồng thời có được sự thấu hiểu, đầu tư hợp lý; khuyến khích, khuyến tài đến nơi đến chốn của người đứng đầu, của lãnh đạo địa phương, đơn vị thì chắc chắn sẽ còn có thêm nhiều kỹ sư, nhà “khoa học” đời thường với những công trình mang tầm vóc, có ý nghĩa thực tiễn.

MINH ĐẠT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.