Bạc Liêu khẩn trương triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi

Thứ Sáu, 17/05/2019 | 16:27

Sau thời gian tạm lắng thì những ngày gần đây bệnh dịch tả heo châu Phi đã bùng phát trở lại. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến thời điểm hiện tại đã có 29 tỉnh, thành phố trong cả nước phát hiện ổ dịch. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các địa phương, các sở, ban ngành liên quan nhanh chóng triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhập vào địa bàn tỉnh.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra lò giết mổ heo trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: C.L

DỊCH BỆNH SÁT CỬA NGÕ...

Có thể nói, bệnh dịch tả heo châu Phi đã tiến sát đến cửa ngõ của tỉnh Bạc Liêu, khi mà tỉnh Hậu Giang (tiếp giáp với huyện Hồng Dân) liên tiếp những ngày qua đã phát hiện tới 3 ổ dịch tả heo châu Phi với số lượng heo bị tiêu hủy hơn 200 con. Trong khi đó, mỗi ngày trung bình lượng heo nhập vào địa bàn tỉnh gần 1.500 con, cung cấp hơn 50% sản lượng thịt tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Mật độ heo lưu thông vào địa bàn tỉnh cao, thời tiết đang chuyển sang mùa mưa, do đó nguy cơ dịch bệnh phát tán và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi có thể xâm nhập vào địa bàn tỉnh và có nguy cơ diễn biến phức tạp, ngày 13/5/2019 vừa qua, sau khi hội nghị trực tuyến với Bộ NN&PTNT nhằm đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi kết thúc, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên động vật tỉnh, trực tiếp là Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung đã yêu cầu các thành viên trong Ban chỉ đạo tỉnh được phân công phụ trách từng địa bàn phải thực hiện tốt nhiệm vụ được giao để công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật đạt hiệu quả cao. Theo đó, các sở, ban ngành từ tỉnh đến cơ sở cần nhanh chống triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi xâm nhập vào địa bàn tỉnh với những việc làm cụ thể như: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình giết mổ tại các điểm giết mổ tập trung; nắm lại tổng đàn heo nuôi trên địa bàn để từ đó có phương án tiêu độc, khử trùng chuồng trại; đối với heo nhập tỉnh phải có chứng từ đầy đủ chứng minh rõ nguồn gốc, xuất xứ; nếu cần thiết, sắp tới sẽ cho thành lập các chốt điểm dịch heo nhập tỉnh, mà chủ yếu là trên địa bàn huyện Hồng Dân; xây dựng kế hoạch, kịch bản nếu dịch bệnh xảy ra để chủ động ứng phó trong mọi tình huống…

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, những ngày qua, các địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng triển khai thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn dịch tả heo châu Phi. Cụ thể, tại huyện Hồng Dân - địa bàn được xem là có nguy cơ cao bị xâm nhiễm mầm bệnh - đã thành lập đội kiểm tra heo lưu động nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những phương tiện vận chuyển heo ngang qua địa bàn mà không chứng minh được nguồn gốc, heo có biểu hiện bênh. Đồng thời, ra quân tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại, phát tờ rơi tuyên truyền về dấu hiệu nhận biết heo nhiễm bệnh, mở các lớp tập huấn hướng dẫn bà con chăn nuôi heo về các kỹ thuật chăm sóc, quản lý đàn heo, xử lý khi heo nhiễm bệnh…

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, cho biết: “Hiện huyện đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh heo châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn. Nhờ được tuyên truyền, phổ biến về tác hại của dịch bệnh này từ trước nên bà con chăn nuôi heo trên địa bàn huyện rất đồng tình phối hợp thực hiện các giải pháp phòng bệnh”.

KHÔNG ĐỂ NGƯỜI DÂN HOANG MANG

Bạc Liêu hiện có tổng đàn heo hơn 249.000 con, tăng hơn 19.000 con so với năm 2018, số heo này chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thị trường tiêu dùng trên địa bàn, số còn lại phải nhập ngoài tỉnh. Trung bình, hàng ngày Bạc Liêu giết mổ, tiêu thụ khoảng 900 con heo. Từ khi bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc, lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành kế hoạch ứng phó, đặt ra 3 phương án: chưa phát hiện dịch bệnh, dịch bệnh áp sát địa bàn tỉnh, dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tỉnh đang triển khai phương án 2; riêng huyện Hồng Dân đang tập trung triển khai, áp dụng phương án 3.

Nhằm tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng nên ủng hộ heo sạch qua việc mua ở những nơi có nguồn gốc hợp pháp, rõ ràng. Thời gian qua, các địa phương đã tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu đúng về bệnh dịch tả heo châu Phi (không lây sang người) cũng như kiểm soát chặt tình trạng giết mổ trái phép, quản lý tốt tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống; không để xảy tra tình trạng bên trong chợ quản lý tốt nhưng bên ngoài chợ vẫn còn các điểm bán thịt heo trái phép. Chị Trần Thùy Duy (phường 2, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Tôi và các thành viên trong gia đình ai cũng biết về thông tin bệnh dịch tả heo châu Phi. Nhưng nếu thịt bày bán có chứng nhận kiểm dịch hẳn hoi thì tôi vẫn chọn thịt heo làm nguyên liệu chính cho bữa cơm gia đình”.

Phòng, chống dịch tả heo châu Phi là công việc vừa khẩn cấp vừa lâu dài, điều quan trọng là không để người dân hoang mang. Chính vì vậy, các địa phương trong tỉnh cần quản lý, kiểm soát tốt lượng thịt heo từ các tỉnh nhập vào và từ đàn heo tại chỗ (hơn 249.000 con). Đặc biệt, chú ý các hộ nuôi heo sử dụng thức ăn dư thừa; cần thường xuyên kiểm tra lấy mẫu, khi phát hiện thì kịp thời xử lý. Có như vậy, người chăn nuôi heo mới yên tâm sản xuất, người tiêu dùng cũng an tâm trong việc chọn mua thịt sạch, an toàn.

CHÍ LINH

---------------------------------

Những dấu hiệu nhận biết khi heo bị nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi

Nhằm giúp người chăn nuôi hiểu rõ hơn về tác hại của bệnh dịch tả heo châu Phi cũng như những triệu chứng mà heo mắc bệnh thường biểu hiện để kịp thời trình báo cho ngành Thú y có hướng xử lý, tránh mầm bệnh lây lan, ông Trương Phước Thông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh có những hướng dẫn cụ thể sau:

Tùy theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh, có thể đánh giá ở các mức độ sau: Thể quá cấp tính: do vi-rút có độc lực cao gây ra, heo sẽ chết nhanh, không biểu hiện triệu chứng hoặc heo sẽ nằm và sốt cao trước khi chết. Thể cấp tính: do vi-rút có độc lực cao gây ra, heo sốt cao (40,5 - 42°C), trong 2 - 3 ngày đầu tiên, giảm bạch cầu và giảm tiểu cầu. Heo không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, heo thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Heo có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, có thể có màu sẫm xanh tím.

Thể á cấp tính: gây ra bởi vi-rút có độc tính trung bình. Bệnh kéo dài 5 - 30 ngày, nếu máu ứ trong tim (cấp tính hoặc suy tim) thì heo có thể chết. Thể mãn tính: gây ra bởi vi-rút có độc tính trung bình hoặc thấp, chủ yếu được tìm thấy ở Angola và châu Âu. Triệu chứng kéo dài 2 - 15 tháng, có tỷ lệ chết thấp, heo khỏi bệnh sau khi nhiễm vi-rút gây nên bệnh sẽ trở thành dạng mãn tính.

Hiện chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh dịch tả heo châu Phi, vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; kiểm soát kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển heo, sản phẩm từ heo và chăn nuôi an toàn sinh học là các biện pháp chủ lực được các nước đã và đang áp dụng.

K.N (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.