Bạc Liêu phát triển kinh tế biển: Đẩy mạnh sản xuất gắn với xây dựng quốc phòng - an ninh

Thứ Hai, 13/08/2018 | 16:13

Phát triển kinh tế biển gắn với củng cố, xây dựng quốc phòng - an ninh (QP-AN) không chỉ là nhu cầu cho phát triển bền vững, mà còn là vấn đề tất yếu để kinh tế biển phát triển ổn định, đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, đây cũng là mối quan hệ biện chứng không thể tách rời.

Đóng tàu đánh bắt xa bờ ở huyện Đông Hải.

ĐẢM BẢO CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thế kỷ XXI được coi là thế kỷ của đại dương, bởi với 71% diện tích bề mặt trái đất, biển được xem là cái nôi của sự sống cho phát triển trong hiện tại và tương lai. Đặc biệt, với sự phát triển “nóng”, khai thác ngày càng cạn kiệt nguồn tài nguyên từ đất liền, nhiều quốc gia xem việc hướng ra biển trở thành nhu cầu, thậm chí những quốc gia không có biển vẫn muốn có sự hiện diện của mình và xem biển là nguồn tài nguyên để khai thác làm giàu cho quốc gia. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến những tranh chấp, xung đột và giành chủ quyền trên biển.

Ngoài những nguồn tài nguyên dồi dào gần như chưa được khai thác, biển còn đóng vai trò quan trọng về giao thương và phần lớn hàng hóa của thế giới, giao dịch thương mại đều vận chuyển bằng đường biển là chính. Biển còn là căn cứ quân sự của nhiều cường quốc và các cuộc tấn công, đổ bộ từ lâu nay đều đến từ phía biển.

Khẳng định những vấn đề trên để thấy rằng, việc phát triển kinh tế biển gắn với củng cố và xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng và mang tính sống còn. Mối quan hệ khách quan, biện chứng này không thể tách rời. Phát triển mạnh kinh tế biển để tạo thêm nhiều tiềm lực cho xây dựng và phát triển mạnh về QP-AN. Đồng thời, khi QP-AN mạnh sẽ tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, là điều kiện để đảm bảo phát triển kinh tế biển bền vững.

Với 56km bờ biển và vùng lãnh hải rộng hơn 3.000km2, thời gian qua Bạc Liêu luôn thực hiện tốt các nhiệm vụ trên. Trong đó, xây dựng, củng cố và tăng cường lực lượng thông qua phối - kết hợp với lực lượng vũ trang ở các địa phương mà bộ đội biên phòng là nòng cốt. Bên cạnh đó, còn phối hợp với Cảnh sát biển Vùng 5 tổ chức tuần tra, kiểm soát, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, khai thác đánh bắt thủy sản của ngư dân và khuyến khích ngư dân thực hiện tốt các cam kết không đánh bắt thủy hải sản sang hải phận của các nước khác.

Ngư dân biển Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến đánh bắt xa bờ. Ảnh: L.D

CẦN CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ

Một trong những giải pháp hàng đầu trong phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo QP-AN lâu nay chính là phát huy vai trò, tầm quan trọng của các đội tàu đánh bắt xa bờ. Bởi lực lượng chính quy không thể đặt căn cứ và đảm nhiệm hết chức năng giữ gìn an ninh ở khắp nơi mà cần vào tai mắt của ngư dân. Họ chính là những “cột mốc di động” khẳng định chủ quyền lãnh hải, sự hiện diện của họ trên biển còn góp phần xây dựng mạng lưới an ninh - quốc phòng rộng khắp trên biển. Do vậy, việc phát triển mạnh đội tàu đánh bắt xa bờ không chỉ thúc đẩy phát triển sản xuất, mà còn củng cố, xây dựng thế trận QP-AN toàn dân trên biển. Tuy nhiên, việc phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh hiện nay còn rất hạn chế. Trong tổng số gần 1.150 chiếc tàu của toàn tỉnh, chỉ có 556 chiếc đánh bắt xa bờ. Một trong những nguyên nhân làm cho đội tàu đánh bắt xa bờ trong nhiều năm qua khó phát triển thêm, do chưa có một chính sách đặc thù mang tính “cởi trói”. Thậm chí, sự ra đời Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản vẫn chưa tạo được động lực cho hoạt động khai thác thủy sản phát triển. Tính từ khi triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP đến nay đã gần 4 năm, nhưng cả tỉnh chỉ có 12 tàu cá được vay vốn nâng cấp, đóng mới với tổng vốn 79.300 triệu đồng. Riêng vay vốn lưu động theo từng chuyến biển chỉ có 24 hộ ngư dân tiếp cận được vốn, với 20.300 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó phòng Kinh tế TP. Bạc Liêu, cho biết: “Nguyên nhân ngư dân không tiếp cận được nguồn vốn từ Nghị định 67 là do ngành Ngân hàng quy định quá nhiều cơ chế và gần như ngư dân không thể đáp ứng được. TP. Bạc Liêu có hơn 300 phương tiện khai thác thủy sản nhưng không có phương tiện nào tiếp cận được vốn đóng mới. Riêng cho vay vốn theo từng chuyến biển, chỉ có 6 hộ hành nghề dịch vụ hậu cần là tiếp cận được”. Qua đó cho thấy, muốn phát triển kinh tế biển, tạo nên cú hích mới rất cần một chính sách đặc thù. Chính sách đặc thù ấy, không dừng ở việc phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, mà còn là các dịch vụ hậu cần nghề cá. Bởi với các chính sách như hiện nay, vẫn chưa thể thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này để tạo thêm cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế biển và cả hạ tầng cho phát triển QP-AN. Ông Lâm Đức Vĩnh (chủ cơ sở sửa chữa tàu biển Út Lễ, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) cho biết: “Cơ sở của tôi đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng từ năm 2015 để sửa chữa tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, nhưng đến nay vẫn chưa hưởng được một chính sách ưu đãi nào về vốn hay thuế. Trong khi đó, vùng biển là địa bàn khó khăn và trước đây khi chưa có cơ sở của tôi, các phương tiện muốn sửa chữa máy tàu phải vận chuyển lên TP. HCM hoặc qua tỉnh Kiên Giang”.

Thiếu những chính sách ưu đãi là nguyên nhân chính làm cho hệ thống hạ tầng và dịch vụ, thương mại phục vụ cho phát triển kinh tế biển đến nay còn khá nghèo nàn. Gần 20 năm phát triển kinh tế biển, đến nay cả tỉnh chỉ có 1 cơ sở đóng mới tàu thuyền và 3 cơ sở sửa chữa tàu thuyền, 8 cơ sở sản xuất nước đá dùng cho thủy sản, 1 kho xăng dầu và 10 điểm bán xăng dầu... Cũng như chưa tạo nên sự sôi động về thị trường, mua bán giữa các chủ vựa và ngư dân còn manh mún khi chưa hình thành nhiều doanh nghiệp lớn có sức tiêu thụ mạnh, hoặc thúc đẩy công nghiệp chế biến xuất khẩu phát triển, góp phần xây dựng hạ tầng công nghiệp cho vùng ven biển. Trong khi đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa là nội dung quan trọng đã được cụ thể hóa trong Chỉ thị 20/CT-TW mà Bộ Chính trị ban hành từ năm 1997. Đó là “thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế biển hướng mạnh vào xuất khẩu, dựa trên những tiến bộ khoa học - công nghệ làm động lực; vừa thúc đẩy nghiên cứu, quản lý, khai thác tiềm năng biển có hiệu quả, vừa tái tạo tài nguyên biển, bảo vệ môi trường, đào tạo nhân lực”.

Với những bất cập như hiện nay, việc ban hành một chính sách đặc thù cho phát triển kinh tế biển sẽ góp phần xây dựng căn cứ hậu cần vững chắc cho thế trận QP-AN. Đồng thời tạo thêm nhiều tiềm lực kinh tế, đảm bảo cho QP-AN phát triển bền vững và thịnh vượng trong tương lai.

LƯ TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.