Nhớ về những “cây đa, cây đề”

Thứ Tư, 29/03/2023 | 15:40

Khi Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Vũ Linh từ giã cõi đời do bạo bệnh, rồi sau đó tin buồn từ Mỹ - Nghệ sĩ nhân dân Diệp Lang qua đời ở tuổi 83, khán giả thảng thốt cho sân khấu cải lương khi lần lượt những cây đa, cây đề ra đi. Dẫu biết quy luật sinh - lão - bệnh - tử là lẽ thường, nhiều nghệ sĩ trước khi vĩnh biệt khán giả cũng đã giã biệt ánh đèn sân khấu thời gian khá dài, nhưng nỗi nuối tiếc vẫn dai dẳng trong lòng khó nguôi. Nhất là khi thực trạng cải lương hiện nay vẫn chưa có người kế thừa xứng tầm.

Hai Nghệ sĩ nhân dân Diệp Lang và Bạch Tuyết trong vở cải lương kinh điển “Đời cô Lựu”. Ảnh: T.L

Ấn tượng những vai diễn

Một ông già Nam Bộ rặt, “cổ hủ” đến mức khắt khe khi vào vai người cha dạy con gái sự nết na, nhu mì  hay là một kép độc “chuyên trị” những vai nham hiểm, cường quyền ác bá. Hai tuyến nhân vật trái chiều như thế mà qua tài năng diễn xuất của ông, từ thần thái cho đến giọng nói, thậm chí chỉ cần ánh nhìn, cái tằng hắng thì đã nhận ra một Diệp Lang xứng đáng là cây đa, cây đề của sân khấu cải lương Việt Nam.

 “Chưa là nhân vật cuối cùng trong hoàng hôn cải lương ở Việt Nam, nhưng sự ra đi của Diệp Lang giống như đứt tiếng tơ lòng trong tôi” - nhiều khán thính giả đã thảng thốt kiểu như vậy! Xa rời sân khấu đã hơn 10 năm qua, nhưng hình ảnh Diệp Lang chưa bao giờ phai nhòa trong tâm trí bao nhiêu thế hệ khán thính giả cả trong và ngoài nước.

Riêng tôi ấn tượng với vai “ông già Tô Ánh Nguyệt” (cha của Nguyệt) trong vở cải lương “Tô Ánh Nguyệt” (soạn giả Trần Hữu Trang). Nhớ mãi cái ánh nhìn soi tận... đáy ly của ông khi phê bình phụ nữ trong nhà mà không biết nội trợ đảm đang, nhớ cái giọng đầy nghiêm khắc của ông khi từ chối gả con cho Minh, rồi sau đó là tan nát lòng mà xót xa khi ông đến kêu con gái trở về nhà vì mẹ đang hấp hối... Hay đoạn thoại trong “Đời cô Lựu” cũng của soạn giả Trần Hữu Trang, mà giới mộ điệu đã thuộc nằm lòng “Từ ngày bà bước chân vô cái nhà này tới bây giờ, tui chưa bao giờ thấy bà nở với tui một nụ cười. Gương mặt lúc nào cũng u uất, nặng nề, âm trì địa ngục. Ngay trong giấc ngủ mà bà cũng thở ngắn than dài nữa… Mười chín, hai mươi năm rồi, bà đợi chờ cái gì? Còn cái gì nữa mà bà chờ đợi? Xương cha nó cũng mục chớ đừng nói tới xương con”...

Còn “Ông hoàng tuồng cổ” - NSƯT Vũ Linh thì kể làm sao hết những vở diễn đã làm nên tên tuổi anh trong lòng khán giả nhiều thế hệ. Liên tục những trích đoạn cải lương gắn liền với những nghệ sĩ gạo cội nói chung, khi họ rời cõi tạm đã khiến không ít khán giả rưng rưng khi nghĩ về những đóng góp to lớn của những tài năng ấy cho sân khấu cải lương nước nhà.

Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Đợi (Bạc Liêu) là một trong những gương mặt trẻ tài năng của sân khấu cải lương hiện nay. Trong ảnh: Ngọc Đợi trong vở “Bên cầu dệt lụa”. Ảnh: C.T

Nghĩ về sân khấu tương lai

Từ năm 2020, Giải Trần Hữu Trang - giải thưởng danh giá nhất của cải lương Việt Nam từ trong lịch sử mấy chục năm qua đã được đổi tên thành Giải Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang. Với tầm quốc gia, và sự danh giá vốn có, giải luôn thu hút nhiều nghệ sĩ, diễn viên tham dự. Ở cuộc thi này, khán giả cả nước có thể nhận ra những ngôi sao kế thừa đang “hot” của sân khấu cải lương hiện nay như NSƯT Võ Minh Lâm, Nguyễn Minh Trường, Phương Cẩm Ngọc, Cao Thúy Vy, Hà Như, hay những gương mặt từng đoạt Chuông vàng vọng cổ như Nguyễn Văn Khởi, NSƯT Thu Vân, NSƯT Nguyễn Ngọc Đợi (Bạc Liêu), Nguyễn Văn Mẹo, Nhật Nguyên…

Điều đáng mừng là qua các mùa giải, với sự nỗ lực của các nghệ sĩ và tâm huyết làm mới sân khấu cải lương để cải lương sống hợp thời, chiếm được cảm tình giới trẻ, cải lương Việt Nam cũng xuất hiện những tài năng thật sự. Dù cải lương lắm lúc đối mặt với khó khăn do sự cạnh tranh với muôn hình vạn trạng các hình thức nghệ thuật khác, nhưng các nghệ sĩ vẫn bền bỉ với nghề, không có tâm lý bỏ cuộc để từng bước làm mạnh sân khấu. Tuy nhiên, nếu muốn phát triển thành lực lượng kế thừa vững vàng, lâu dài cho cải lương có lẽ phải cần nhiều yếu tố hơn nữa. Nhất là làm sao để xây dựng được những tượng đài cho sân khấu như thế hệ cha anh đã làm được, điều này luôn đặt ra cho lớp hậu bối những trăn trở, nỗ lực, tâm huyết lớn hơn.

Cải lương Việt Nam chắc chắn sẽ trường tồn, nhưng một điều không thể chối cãi, sẽ khó ai có thể thay thế hình bóng những cây đa, cây đề ấy trong lòng khán giả. Là những Hội đồng Thăng (Đời cô Lựu), Hội đồng Dư (Tiếng hò sông Hậu) hay ông già Tô Ánh Nguyệt, người cha hiền từ trong “Lan và Điệp”, “Nửa đời hương phấn” của Nghệ sĩ nhân dân Diệp Lang; hay một Vũ Linh thanh sắc vẹn toàn của “Xa phu đi sứ”, “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài”, “Thần nữ dâng Ngũ linh kỳ”... Và còn nhiều lắm những giọng ca cải lương đã đi sâu vào tiềm thức giới mộ điệu như Thanh Nga, Thành Được, Minh Phụng, Thanh Sang, Thanh Kim Huệ... Cải lương Việt Nam vang bóng một thời từ những cây đa, cây đề giờ đã hóa thành huyền thoại...

NHẬT ANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.