Đầm ấm tết Thanh minh

Thứ Sáu, 31/03/2023 | 15:15

Tết Thanh minh năm nào anh Lê Hữu Tài (ngụ huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) cũng đưa vợ và con về Bạc Liêu để cùng với người thân trong dòng họ tổ chức cúng bái ông bà, cha mẹ đã khuất. Anh thường về sớm vài ngày để đi làm vệ sinh, cắt cỏ dại mọc xung quanh các phần mộ. Với việc giữ gìn truyền thống này, anh muốn giáo dục các con về lòng thành kính với ông bà tổ tiên và cũng là dịp để sum họp, vun đắp tình thân gia đình đầm ấm.

ĐỀ CAO HIẾU ĐẠO

Dưới cái nắng như thiêu đốt nhưng các khu nghĩa địa, nghĩa trang trên địa bàn TP. Bạc Liêu vẫn tấp nập dòng người đến chuẩn bị cho tết Thanh minh. Người đến đây để dọn dẹp, sửa sang lại “ngôi nhà” của người đã mất, người thì lỉnh kỉnh lễ vật để cúng bái ông bà tổ tiên.

Bao năm nay, mỗi dịp tết Thanh minh, anh Tài và các anh em trong gia đình đều đắp thêm đất, quét vôi, sơn lại các dòng chữ trên bia mộ. Lễ vật cúng kiếng thì vừa phải, chủ yếu là bánh trái, hoa, rượu trà và thịt heo quay. Việc cúng Thanh minh có phần đơn giản không phải vì họ không hiếu thảo với ông bà, cha mẹ mà anh em của anh Tài tâm niệm rằng, đó chỉ là hình thức bên ngoài, điều quan trọng nhất là con cháu đông đủ, yêu thương nhau và luôn hướng về những đấng sinh thành.

Cũng xuất phát từ giá trị cốt lõi của tết hiếu đạo, chị Lâm Thanh Thúy (ngụ TP. Hồ Chí Minh) đã thu xếp công việc kinh doanh và về quê chồng ở Bạc Liêu để cúng Thanh minh. Chị Thúy chia sẻ: “Công việc thì mình làm quanh năm, tiền cũng rất cần nhưng không kiếm lúc này thì có thể kiếm lúc khác, còn dịp cúng ông bà, cha mẹ thì phận dâu con cũng phải có mặt. Ngoài phụ việc cúng viếng với các cô, các chị em thì tết Thanh minh còn là dịp để tôi gặp gỡ, sum họp với gia đình bên chồng. Hơn nữa là cho các con của tôi biết một ngày tết độc đáo ở miền Tây, dạy cho chúng về đạo hiếu với ông bà tổ tiên”.

Người dân tổ chức cúng Thanh minh tại một nghĩa địa trên địa bàn Phường 1 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: H.T

ĐẬM TÍNH CỘNG ĐỒNG

Nét độc đáo của tết Thanh minh là ngoài việc bày tỏ lòng thành kính, nhớ ơn người đã khuất, giữ gìn truyền thống hiếu đạo thì còn mang đậm tính cộng đồng. Đó là không gian tổ chức cúng viếng, ăn uống được nhiều nhà tổ chức ngay tại phần mộ người đã khuất. Không chỉ có những thành viên trong gia đình, ngày cúng Thanh minh của người dân Bạc Liêu còn mời bạn bè, xóm giềng tham gia.

Ông Trịnh Quốc Vinh (Phường 1, TP. Bạc Liêu) cho biết: “Năm vừa rồi, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên gia đình tôi chỉ cúng Thanh minh gọn nhẹ, ít người tham gia để đảm bảo an toàn. Còn năm nay, con cháu ở xa về đông đủ nên tôi mời thêm bạn bè, hàng xóm đi cùng. Việc tổ chức ăn uống, vui chơi tại mộ như để ông bà đã khuất cùng chung vui, thấy được sự sum vầy, yêu thương của con cháu trong gia đình”.

Đến mùa Thanh minh hằng năm cũng là thời điểm ông Tăng Oal (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) nhận đắp mộ thuê cho người mất. Ngoài những ngôi mộ được thuê đắp đất, ông cũng tranh thủ chăm sóc cho các ngôi mộ bị bỏ hoang, nhiều năm không có người thân đến dọn dẹp, cúng viếng. “Tôi nhận đắp mộ thuê trong dịp tết Thanh minh đã gần 20 năm. Sẵn dịp đi làm thuê, tôi và những người cùng nghề thấy ngôi mộ nào bị sụt lún, sạt đất, cỏ dại mọc um tùm nhưng không ai đến chăm sóc, thắp hương thì chúng tôi sẽ làm thay. Tuy vất vả nhưng chúng tôi cảm thấy lòng bình an vì đã thay thân nhân của người mất sửa sang lại “ngôi nhà” thứ hai để họ cũng được đón tết Thanh minh”, ông Tăng Oal bày tỏ.

Từ một dịp lễ dân gian của người Hoa, tết Thanh minh với những giá trị tốt đẹp đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc anh em, trở thành nét văn hóa độc đáo trên vùng đất Bạc Liêu.

HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.