Y tế - Sức khỏe

Truyền thông thay đổi hành vi: Giúp mọi người hiểu biết đúng đắn và đầy đủ hơn về HIV/AIDS

Thứ Hai, 13/11/2023 | 16:33

Việt Nam đã trải qua hơn 32 năm (kể từ năm 1991) đương đầu với đại dịch HIV/AIDS, từ chỗ người dân chưa hiểu biết gì về HIV/AIDS, thì theo điều tra gần đây, có 100% người dân hiểu biết về HIV/AIDS và biết cách phòng ngừa HIV/AIDS.

Mít-tinh, tuần hành hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS và Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (1/12). Ảnh: C.K

Thực hiện kế hoạch hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm và hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12); Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm phát động trong cả nước Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023. Theo đó, tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng kế hoạch và tổ chức hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12).

Thời gian thực hiện Tháng hành động là từ ngày 10/11 - 10/12/2023.

Trong những năm qua, truyền thông giúp người dân nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi an toàn về phòng, chống HIV/AIDS, sự lây truyền HIV và các biện pháp phòng, chống HIV cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi nhằm khuyến khích cộng đồng cùng tham gia đối thoại và tiếp nhận các thông tin hữu ích về các yếu tố lây lan của HIV/AIDS, các hành vi nguy cơ và các yếu tố làm tăng hoặc giảm các hành vi nguy cơ; thúc đẩy cùng hành động, thực hiện hành vi an toàn để làm giảm nguy cơ và làm giảm sự kỳ thị xã hội. Thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi giúp mọi người hiểu biết đúng đắn và đầy đủ hơn về HIV/AIDS, làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong cộng đồng.

Thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi góp phần nâng cao trách nhiệm và sự quan tâm của các cấp, các ngành, thu hút dư luận xã hội ủng hộ cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, duy trì bền vững những thành quả đã đạt được. Đồng thời, thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi còn góp phần định hướng cho mọi người thực hiện pháp luật và các chính sách về phòng, chống HIV/AIDS, kết nối và thúc đẩy các dịch vụ về dự phòng lây nhiễm HIV; chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS và các dịch vụ hỗ trợ về kinh tế - xã hội khác, tạo môi trường thuận lợi cho mọi người thực hiện các hành vi an toàn. Như vậy, công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cần thiết phải được tăng cường trong thời gian tới với những cách làm mới, thông điệp mới, áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông để có hiệu quả cao nhất.

Truyền thông đại chúng: Tổ chức sản xuất và phổ biến các tin, bài, chương trình, chuyên đề, chuyên mục, phóng sự, phim ngắn về phòng, chống HIV/AIDS... trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố, cũng như hệ thống trạm truyền thanh xã, phường, thị trấn; tăng cường truyền thông qua các chương trình giải trí trên truyền hình, các chương trình quảng cáo, các chương trình tọa đàm, giao lưu với những người nổi tiếng về nội dung HIV/AIDS... Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, đăng tải tin, bài viết... trên các báo in, báo điện tử có lượng người xem lớn.

Truyền thông trực tuyến qua mạng xã hội: Tăng cường truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên hệ thống mạng xã hội như (Facebook, Zalo, TikTok, YouTube, Viber, Lotus...); tin nhắn điện thoại; các loại hình truyền thông trên nền tảng Internet; thông qua các hình thức truyền tải thông điệp hiệu quả cao như: Infographic, videoclip, audioclip; kết nối các trang mạng xã hội của địa phương với các trang mạng xã hội của Cục Phòng, chống HIV/AIDS như: Fanpage Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam...

Truyền thông trực tiếp và truyền thông nhân sự kiện: Tổ chức truyền thông cá nhân và truyền thông nhóm về HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng, lấy lực lượng y tế xã và thôn bản làm nòng cốt, giao nhiệm vụ và định kỳ kiểm tra, giám sát kết quả và hiệu quả các hoạt động truyền thông; lồng ghép và đẩy mạnh truyền thông, tư vấn qua cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, nhất là các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Cung cấp thông tin cho đội ngũ phóng viên, cán bộ truyền thông viết về HIV/AIDS: Cung cấp thông tin cho đội ngũ phóng viên viết về HIV/AIDS để định hướng và cung cấp thông tin thông qua tổ chức gặp mặt báo chí/họp báo, giao ban, tập huấn, tổ chức đi thực địa hoặc gửi thông tin trực tiếp tới các phóng viên; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác truyền thông y tế tại địa phương (chú ý tuyến xã và thôn bản); tập huấn truyền thông, cung cấp thông tin cho người phát ngôn và lãnh đạo đơn vị, cán bộ truyền thông các cấp, lưu ý cán bộ truyền thông trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

Sản xuất và nhân bản tài liệu truyền thông: Sản xuất nhân bản các tài liệu truyền thông dưới các hình thức thích hợp chuyển cho các cơ sở cung cấp dịch vụ, các tuyên truyền viên, cộng tác viên truyền thông phòng, chống HIV/AIDS để phân phối cho các đối tượng; xây dựng và phổ biến các thông điệp phòng, chống HIV/AIDS qua các phương tiện và tài liệu truyền thông khác, xây dựng các cụm pa-nô, khẩu hiệu, treo băng-rôn tại các địa điểm công cộng có đông người qua lại như các trục đường giao thông chính, các bến xe, công viên; cửa ngõ thành phố, xã, phường và cổng các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện; Phổ biến các ấn phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS khác như áp-phích, tranh gấp, tờ rơi, sách mỏng về phòng, chống HIV/AIDS.

Bác sĩ PHƯỚC NHƯỜNG

Có 4 giai đoạn nhiễm HIV

- Giai đoạn sơ nhiễm (còn gọi là thời kỳ cửa sổ): Thời gian kéo dài từ 2 - 6 tháng, cơ thể hoàn toàn bình thường. Xét nghiệm HIV cho kết quả âm tính (vì thế trong giai đoạn này dễ lây bệnh cho người khác nếu quan hệ tình dục không an toàn).

- Giai đoạn nhiễm HIV không triệu chứng: Thời gian từ 5 - 7 năm, cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường. Xét nghiệm cho kết quả dương tính.

- Giai đoạn cận AIDS: Vẫn không có biểu hiện đặc trưng, xét nghiệm cho kết quả dương tính.

- Giai đoạn AIDS: Có các triệu chứng sau: Gầy sút (giảm trên 10% trọng lượng cơ thể); sốt, tiêu chảy, ho kéo dài trên 1 tháng; Xuất hiện nhiều bệnh như: ung thư, viêm phổi, lao, viêm da, lở loét toàn thân.

Người bệnh nhiễm HIV chuyển qua giai đoạn AIDS nhanh chóng tử vong nếu không tuân thủ điều kiện chăm sóc và điều trị: Tuân thủ điều trị ARV giúp người nhiễm HIV khống chế sự phát triển của vi-rút, nâng cao sức đề kháng và duy trì được cuộc sống lâu dài.

Thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các địa phương sẽ tăng cường quản lý can thiệp như xét nghiệm HIV sớm, điều trị ARV sớm vì đây là những can thiệp hiệu quả cả cho công tác dự phòng. Từ ưu tiên này sẽ có các giải pháp can thiệp thích hợp, đẩy mạnh hơn các hoạt động can thiệp như phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị Methadone cũng như truyền thông thay đổi hành vi…

T.L (TH)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.