Thanh thiếu niên

Nói không với bạo lực học đường: Cần sự chung tay tự chung tay từ nhiều phía

Thứ Tư, 18/04/2018 | 16:22

“Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường” là một trong những chủ đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh nhằm hướng đến một môi trường giáo dục thân thiện, lấy học sinh làm trung tâm. Nhưng rõ ràng, từ mục tiêu đề ra đi đến hoạt động thực tiễn vẫn còn một khoảng cách khá xa, mà để rút ngắn thì đòi hỏi sự chung tay của nhiều đơn vị, tổ chức.

Để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, các đơn vị liên quan cần tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Trong ảnh: Trao giải cho thí sinh đoạt giải tại hội thi thiếu nhi kể chuyện Bác Hồ. Ảnh: Y.N

Bạo lực học đường - cơn sóng ngầm

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh không còn xảy ra những vụ bạo lực học đường nghiêm trọng khiến dư luận hoang mang. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những người làm công tác giáo dục, đơn vị đoàn thể, phụ huynh có thể lơ là, chủ quan. Thực tế, những vấn đề phát sinh trong đời sống học đường vẫn diễn biến rất phức tạp - giống như cơn sóng ngầm không lường trước được, nếu người lớn thiếu sự quan tâm sâu sát. Một bộ phận giới trẻ ngày nay có thói quen sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề và trớ trêu thay, những hành vi đó lại rơi vào một số đối tượng là học sinh - những người được thừa hưởng sự giáo dục tốt nhất. Và càng bất ngờ hơn khi những nguyên do dẫn đến việc sử dụng bạo lực lại bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt, điều này cho thấy sự manh động, háo thắng của các bạn trẻ. Chẳng hạn như trường hợp của Đ.M, học sinh một trường THPT trên địa bàn TP. Bạc Liêu, vô tình chê một bạn cùng trường “hơi béo”, vậy là trên đường đi học về, Đ.M bị một nhóm học sinh vây đánh cảnh cáo và hăm dọa không được “méc” với ai, nếu không sẽ bị “tẩn tiếp tập 2”. Không chọn cách đánh nhau công khai, quay clip tung lên mạng rầm rộ, mà theo tiết lộ của một học sinh THPT thì khi có mâu thuẫn, nhiều học sinh sẽ chọn những nơi vắng vẻ để đánh dằn mặt, hoặc cả hai bên chọn một địa điểm vắng vẻ nào đó giải quyết mâu thuẫn với “thỏa thuận ngầm” là không tố cáo với thầy cô và phụ huynh, không đánh vào những nơi dễ nhìn thấy trên cơ thể…

Sự nhập cuộc từ nhiều phía

Tình trạng bạo lực đã tồn tại trong đời sống học đường từ nhiều năm nay và có rất nhiều nguyên nhân được các ngành chức năng phân tích, trong đó có cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan như:  ảnh hưởng của trò chơi trực tuyến, phim ảnh; cách giáo dục con chưa đúng của gia đình; thiếu sân chơi; thiếu kỹ năng sống… Thấy được nguyên nhân và đề ra hướng khắc phục, nhưng gần như những chương trình hành động thực tiễn của các tổ chức có vai trò, trách nhiệm quan trọng vẫn chưa được áp dụng rốt ráo. Cách giáo dục ở các trường nặng về kiến thức với lịch học dày đặc, trong khi đó các hoạt động về giáo dục đạo đức, sinh hoạt ngoại khóa như: tổ chức các diễn đàn, xây dựng các phong trào lối sống đẹp… dường như chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, các chương trình hành động của Đoàn, Đội chưa có nhiều phong trào sát thực với đời sống học đường, cách giáo dục sinh hoạt còn cứng nhắc, khô khan. Một yếu tố không kém phần quan trọng là vai trò của gia đình, đôi khi cách hành xử không đúng mực của phụ huynh sẽ hình thành cho các em những thói quen xấu. Trở lại với trường hợp của Đ.M, khi thấy con trai trong mùa nắng nóng bức mà ngày nào cũng mặc áo khoác, mẹ của Đ.M tra hỏi thì mới biết sự việc. Thay vì chọn cách an ủi nhẹ nhàng, mẹ Đ.M lại không tiếc lới mắng nhiếc con trai là “lần sau nếu bị đánh mà không đánh lại thì đi về sẽ… bị ăn đòn tiếp”. Và năm học vừa rồi cũng có trường hợp hai phụ huynh ở một trường tiểu học đến tận nhà ẩu đả, xô xát vì chuyện hai đứa trẻ trong lúc nghịch ngợm đứa này đã lỡ làm trầy xước đứa kia…

Một môi trường giáo dục toàn diện, nơi mà học sinh vừa được lĩnh hội kiến thức, vừa được giáo dục nhân cách, lối sống đẹp là điều mà ngành Giáo dục và toàn xã hội hướng đến. Tất nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần sự chung tay và nhiều hành động thiết thực từ gia đình, nhà trường, tổ chức Đoàn, Đội…

T.A

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.