Vụ lúa hè thu: Xuống giống chậm lịch thời vụ do nắng nóng kéo dài

Thứ Sáu, 12/06/2020 | 17:06

Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang xuống giống vụ lúa hè thu năm 2020. Do nắng hạn cục bộ, các trà lúa mới sạ có nguy cơ ngộ độc phèn nên tiến độ xuống giống chậm hơn so với lịch thời vụ. Dự kiến, nông dân trong tỉnh sẽ xuống giống dứt điểm lúa hè thu vào cuối tháng 6 này.

Nông dân cải tạo đồng ruộng xuống giống lúa hè thu.

NHIỀU DIỆN TÍCH LÚA BỊ THIỆT HẠI DO THIẾU NƯỚC 

Năm nay, nắng hạn kéo dài gây khó khăn cho nông dân trong việc xuống giống lúa hè thu. Đến thời điểm này vẫn còn một số nơi mưa chưa tập trung nên địa phương nào trên kênh lớn còn nguồn nước ngọt bổ sung thì nông dân mới xuống giống cho kịp thời vụ. Ông Nguyễn Văn Chuối (ấp Nam Hưng, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) xuống giống vụ lúa hè thu trên diện tích 3ha được gần 20 ngày. Song, do ảnh hưởng nắng hạn đã làm các trà lúa chết chòm lõm. Ông Chuối cho biết: “Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ nông dân trong ấp cũng bị thiệt hại do nắng hạn. Những nơi ruộng gò cao thì lúa chết chòm lõm nhiều hơn do xì phèn. Để cứu các trà lúa, cứ cách 2 ngày là tôi bơm nước vào ruộng một lần để rửa phèn và cấy dặm lại những nơi lúa chết”. Nắng nóng cộng với nguồn nước ngọt ở các kênh không đủ bơm lên ruộng đã làm cho tiến độ xuống giống của nông dân chậm hơn so với lịch thời vụ. Thậm chí có nơi nông dân chờ mưa xuống đủ nước mới xuống giống.

Đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã xuống giống được hơn 42.000/58.000ha lúa hè thu. Trong đó có hơn 7.500ha lúa hè thu sớm, tập trung nhiều ở hai huyện Hồng Dân và Phước Long. Theo lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp, nông dân xuống giống lúa hè thu chính vụ dứt điểm vào ngày 10/6/2020. Song, do ảnh hưởng nắng hạn nên khả năng nông dân xuống giống vụ lúa này dứt điểm đến cuối tháng 6/2020.

Nông dân xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) cấy dặm các ruộng lúa chết chòm lõm. Ảnh: M.Đ

CÁC GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC

Trước tình hình nắng nóng kéo dài làm các ruộng lúa bị xì phèn ảnh hưởng đến lúa hè thu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn nông dân cách khắc phục và bảo vệ các trà lúa. Trước hết, nông dân cần thường xuyên kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm vào ruộng lúa, đề phòng nhiễm phèn, mặn. Song song đó cần áp dụng kỹ thuật tưới “ngập khô xen kẽ”, gia cố kỹ bờ bao giữ nước, hạn chế thất thoát nước tưới. Đắp các đầu kênh nội đồng, bơm trữ nước trên ruộng, trong các kênh đối với trường hợp nguồn nước trên các sông, kênh cạn kiệt. Tích cực bơm nước từ sông, kênh, mương hoặc giữ nước ngập ruộng từ 7 - 10cm để ngâm 2 - 3 ngày, sau đó tháo nước ra, để ráo mặt ruộng và bơm nước mới trở lại. Đối với các ruộng bị nhiễm phèn, mặn thì tiến hành thay đổi nước vài lần cho ruộng lúa. Bơm tháo nước giúp làm giảm độ chua, mặn trên ruộng và hạn chế ngộ độc phèn, mặn, ngộ độc hữu cơ cho cây lúa. Sau đó, bón vôi kết hợp với bón phân lân; sử dụng các loại phân bón lá giúp cây lúa tăng khả năng chống chịu phèn, mặn, ngộ độc hữu cơ.

Theo kỹ sư Trần Văn Na, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, năm nay nắng hạn kéo dài, mưa không đều nên nông dân xuống giống không tập trung như mọi năm. Để đảm bảo các trà lúa phát triển tốt và khắc phục đối với diện tích bị ngộ độc phèn, Chi cục khuyến cáo những nơi có điều kiện bổ sung nước thì nông dân xuống giống cho kịp thời vụ. Nơi nào không có nước ngọt thì chờ mưa xuống rửa phèn mặn rồi mới xuống giống. Còn các trà lúa hè thu đã xuống giống bị xì phèn, nông dân nên sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm hạn chế cây lúa ngộ độc phèn. Đối với các trà lúa hè thu sớm, nông dân cần phòng trừ bệnh bọ trĩ và đạo ôn trên cây lúa...

MINH ĐẠT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.