Thực hiện tăng trưởng xanh: Ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ Sáu, 04/01/2019 | 15:26

Quá trình biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng cực đoan đã làm ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển bền vững và sự tồn vong của mỗi quốc gia. Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn nhân loại hiện nay là phải giải quyết hài hòa 3 mối quan hệ một cách chặt chẽ, hợp lý. Đó là tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Đất bị khô hạn gây khó khăn cho phát triển nghề nuôi tôm ở vùng Nam Quốc lộ 1A.

Lúa bị lép và chết khô do xâm nhập mặn ở huyện Hồng Dân. Ảnh: K.T

HƯỚNG ĐẾN TĂNG TRƯỞNG XANH

Thời gian qua, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ môi trường, đồng thời ban hành nhiều chương trình hành động bảo vệ môi trường, trong đó có Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Thực hiện kế hoạch này, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 368/QĐ-UBND năm 2018 ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

Giai đoạn hiện nay, việc chung tay thực hiện tăng trưởng xanh có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi, sau hơn 20 năm phát triển theo mô hình hướng đến bền vững, nền kinh tế thế giới về cơ bản vẫn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường, suy thoái và mất cân bằng sinh thái. Đồng thời sự nóng lên toàn cầu và BĐKH đang là một thách thức mà nhân loại phải đương đầu; cuộc chiến cắt giảm phát thải, chống chịu với BĐKH đang ngày càng trở nên khó khăn khi các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia lớn không có được tiếng nói chung cho vấn đề cắt giảm phát thải khí nhà kính; cộng đồng quốc tế trong một thời gian dài đã không thể đạt được những cam kết pháp lý cần thiết để cắt giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với BĐKH, thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2020.

Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia tiến bộ đang chuyển hướng từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế hậu công nghiệp và từng bước chuyển sang kinh tế tri thức. Do đó, các nền kinh tế trên thế giới cũng đang có xu hướng chuyển dần từ kinh tế “nâu” sang kinh tế “xanh”; các thuật ngữ “phát triển xanh”, “kinh tế xanh”, “tăng trưởng xanh”… đã và đang được ứng dụng trên thực tế. Mục đích của kinh tế xanh - tăng trưởng xanh là tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên, giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển môi trường bền vững. Tăng trưởng xanh đang trở thành hướng tiếp cận mới trong phát triển kinh tế, dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đang lan tỏa thành một trào lưu rộng rãi, cho phép phát triển hài hòa giữa 3 trụ cột: Tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Bạc Liêu được xem là một tỉnh cuối nguồn sông Mê Kông thuộc vùng ĐBSCL, nơi được đánh giá có nguy cơ ảnh hưởng nặng nhất của BĐKH và mực nước biển dâng ở Việt Nam. Địa phương này đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng như: hạn hán, xâm nhập mặn do tác động của BĐKH; nguy cơ cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự gia tăng ô nhiễm môi trường; trình độ phát triển chưa cao, hiệu quả sản xuất và tiêu dùng thấp, các mô hình sản xuất và tiêu dùng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về tính “thân thiện với môi trường”. Do vậy, việc thực hiện tốt tăng trưởng xanh không chỉ là nhu cầu tất yếu, mà còn để Bạc Liêu phát triển bền vững trong tương lai.

CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, Bạc Liêu đã quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, và Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) đặt ra mục tiêu: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, gắn với phát triển công nghiệp và dịch vụ, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại. Tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển; đầu tư, khai thác theo chiều sâu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là khu vực nông thôn. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ động ứng phó với BĐKH; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Để đạt được mục tiêu trên, việc phát triển kinh tế phải được thực hiện trong sự phối hợp chặt chẽ với các hoạt động tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; phát triển nông nghiệp sạch, nông thôn bền vững. Các hoạt động kinh tế cần được chuyển đổi theo hướng “sạch hơn”; giảm phát thải khí nhà kính và giảm nhẹ tác động đến môi trường; sử dụng công nghệ hiện đại để giảm tiêu thụ năng lượng, tài nguyên và giảm ô nhiễm; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường…

Về quản lý tài nguyên, môi trường và ứng phó với BĐKH, Bạc Liêu sẽ khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên thiên nhiên; chống thoái hóa đất và xâm nhập mặn; sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất; bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước; bảo vệ và mở rộng diện tích rừng và cây phân tán; đảm bảo có cơ chế quản lý có hiệu quả các loại chất thải, đặc biệt là chất thải rắn và nước thải. Nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của các bên có liên quan vào công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, rủi ro thiên tai và thực hiện tăng trưởng xanh. Hoàn thiện khung thể chế cho phát triển bền vững và tăng trưởng xanh theo hướng lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, ngành và địa phương. Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đào tạo, tăng cường năng lực quản lý tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư…

Với những việc làm cụ thể trên, Bạc Liêu sẽ chủ động ứng phó với BĐKH và thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tăng trưởng xanh.

THANH THẢO

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.