Tạo dựng chuỗi giá trị ngành tôm: Cần giải pháp hiệu quả

Thứ Sáu, 22/03/2024 | 17:08

Để nâng cao hiệu quả liên kết chuỗi, thời gian qua, Bạc Liêu không ngừng thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nhằm đưa ngành tôm phát triển theo hướng ổn định, bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc liên kết chuỗi là không hề dễ dàng.

Doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu thu mua tôm cho hộ nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: M.Đ

THỰC TRẠNG LIÊN KẾT

Bạc Liêu là tỉnh đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong sản xuất tôm giống chất lượng cao (chiếm hơn 50% của khu vực và khoảng 22% cả nước). Toàn tỉnh có 360 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng; công suất thiết kế trên 40 tỷ post/năm. Hằng năm, Bạc Liêu sản xuất từ 32 - 34 tỷ post, góp phần đưa sản lượng tôm giống có chất lượng cao đạt trên 80%, đáp ứng đủ nhu cầu cho người nuôi tôm trong tỉnh và xuất bán ra ngoài tỉnh.

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (CNC), phát triển mạnh cả về quy mô và công nghệ nuôi. Hiện toàn tỉnh có 25 tổ chức và 832 cá nhân đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh với diện tích thả nuôi 6.624ha. Các mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC được xác định là điểm nhấn và có vai trò quan trọng trong phát triển ngành tôm của tỉnh. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 45 nhà máy chế biến thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, Trung Đông... với công suất thiết kế 209.700 tấn/năm, đứng thứ 3 cả nước. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm của Bạc Liêu đạt 1 tỷ USD.

Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 63 hợp tác xã (HTX), 79 tổ hợp tác (THT) và 153 trang trại nuôi trồng thủy sản đang hoạt động và liên kết để tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như HTX nuôi tôm CNC huyện Đông Hải có 22 thành viên với gần 90ha nuôi tôm CNC; sản lượng tôm nuôi khá lớn nên có khả năng thực hiện chuỗi liên kết. Song, trên thực tế, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm của HTX này đang gặp khó. Ông Tạ Hoàng Nhiệm - Giám đốc HTX nuôi tôm CNC huyện Đông Hải, cho biết: “Việc liên kết chuỗi tôm rất khó, một công ty, doanh nghiệp không thể bao tiêu hết toàn bộ lượng tôm của HTX. Thực tế, khi HTX lên tôm, doanh nghiệp ký hợp đồng lại mua với giá thấp hơn những doanh nghiệp không ký hợp đồng. Chính vì vậy, các thành viên không đồng ý bán. Vì thế, HTX phải ký hợp đồng với nhiều công ty để tìm đầu ra cho các thành viên. Đây là một thực tế mà nhiều năm liền HTX chưa thực hiện chuỗi giá trị tôm một cách hoàn chỉnh”.

GIẢI PHÁP HÌNH THÀNH CHUỖI GIÁ TRỊ

Theo ngành chức năng, để thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ ngành tôm ngày càng hiệu quả, các địa phương cần quan tâm triển khai tổ chức sản xuất tôm thông qua HTX, THT; thúc đẩy liên kết; phát triển vùng nguyên liệu tôm. Xây dựng thí điểm Trung tâm Logistics thủy sản cho HTX trong liên kết với các HTX nuôi trồng thủy sản khác. Tạo vùng nguyên liệu tôm ổn định, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc phục vụ khâu sơ chế, chế biến theo mô hình Trung tâm Logistics của HTX. Bên cạnh đó, thúc đẩy liên kết, kêu gọi doanh nghiệp tham gia liên kết lâu dài với HTX để nâng cao giá trị ngành tôm trên địa bàn.

Nói về vấn đề này, ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Xây dựng chuỗi giá trị ngành tôm là nhiệm vụ quan trọng của ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Song, muốn làm được điều đó cần phát triển mạnh kinh tế hợp tác, HTX, THT. Xây dựng mã vùng nuôi, vùng an toàn dịch bệnh. Người nuôi tôm cần liên kết, gắn kết để phát huy thế mạnh số đông “cùng mua, cùng sản xuất và cùng bán sản phẩm”, tạo vùng sản xuất hàng hóa đủ lớn. Đặc biệt là ứng dụng CNC, hướng đến sản xuất xanh nhưng đa giá trị, tăng thu nhập cho nông dân…

MINH ĐẠT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.