Sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững

Thứ Sáu, 12/07/2019 | 16:54

Trong 6 tháng đầu năm 2019, sản xuất nông nghiệp được duy trì và tiếp tục trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế. Điều đó được chứng minh là lĩnh vực nông nghiệp vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng khá với hơn 4.310 tỷ đồng, tăng 5,56% so với cùng kỳ năm trước.

Ngư dân vận chuyển tôm, cá lên Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải) sau chuyến ra khơi đánh bắt thủy sản. Ảnh: L.D

Tiếp tục tăng trưởng

Kinh tế nông nghiệp của tỉnh tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá. Đây là tín hiệu đáng mừng trong điều kiện sản xuất nông nghiệp của cả nước giảm và không đạt kế hoạch đề ra.

Với việc tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị ngành tôm gắn với mục tiêu đưa “Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước”, trong 6 tháng qua, sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh là 100.035 tấn, đạt 41,17% kế hoạch, tăng 7,33% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm nuôi 44.086 tấn, đạt 32,04%, tăng 11,47% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng này chủ yếu là nhờ vào việc ứng dụng các mô hình nuôi tôm kết hợp, nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh.

Hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản vẫn ổn định với sản lượng 61.404 tấn, đạt 52,48% so với kế hoạch và tăng 1,62% so với cùng kỳ (trong đó tôm 7.086 tấn). Qua đó, góp phần nâng tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác ước đạt 161.439 tấn, tăng 5,08% so với cùng kỳ.

Trong sản xuất lúa, toàn tỉnh đã xây dựng 23 cánh đồng lúa lớn với diện tích canh tác 11.643ha (trong đó huyện Vĩnh Lợi 570ha/5 cánh đồng, huyện Hòa Bình 4.990ha/5 cánh đồng, huyện Hồng Dân 2.658ha/4 cánh đồng, huyện Phước Long 3.315ha/8 cánh đồng và TX. Giá Rai 110ha/cánh đồng).

Về phát triển chăn nuôi, đàn heo có biến động, lượng heo giảm do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi (tiêu hủy toàn bộ số heo mắc bệnh). Ngành chức năng và người chăn nuôi đã thực hiện tiêu độc, khử trùng không để dịch phát tán. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, đòi hỏi phải tập trung thực hiện quyết liệt trong thời gian tới để giảm thiểu thiệt hại.

TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VÀ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH

Trong 6 tháng qua, các lĩnh vực sản xuất tuy tiếp tục tăng trưởng, nhưng phát triển trong điều kiện khó khăn và thiếu bền vững. Đơn cử như sản lượng tôm tuy đạt 51.172 tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ, song nếu so với chỉ tiêu cả năm 2019 (151.000 tấn) thì chỉ đạt 33,89%, và so với mức phấn đấu năm 2019 (155.000 tấn) thì chỉ đạt 33,01%.

Mặt khác, sản lượng tôm tăng chủ yếu tập trung ở các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh và mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nhưng số doanh nghiệp áp dụng mô hình này không nhiều. Đến nay, toàn tỉnh chỉ có 10 doanh nghiệp áp dụng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 1.250ha. Bên cạnh đó, sản lượng tôm nuôi tuy tăng, nhưng giá bán tôm nguyên liệu vẫn còn biến động và giảm từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Ở lĩnh vực chế biến tôm xuất khẩu, chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu thô và thiếu những mặt hàng giá trị gia tăng.

Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp tuy phát triển, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đó là thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt gây thiệt hại trên một số diện tích sản xuất; dịch tả heo châu Phi có nguy cơ bùng phát rất cao; giá cả thị trường biến động, không ổn định, nhất là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao so với cùng kỳ làm tăng áp lực cho nông dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số bất cập trong công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, tôm giống, bơm chích tạp chất vào tôm. Tình trạng khai thác thủy sản sai quy định, khai thác sai vùng, sử dụng ngư cụ bị cấm ngày càng tăng. Nguy cơ ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản, chủ yếu ở mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, tiềm ẩn gây thiệt hại lớn, kéo dài đối với nuôi trồng thủy sản nhưng chưa được xử lý triệt để…

Trước những vấn đề trên, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT và các địa phương trong tỉnh tập trung vào nhiều nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục phát triển các mô hình nuôi tôm hiệu quả, cho năng suất cao; cố gắng giảm chi phí sản xuất (hiện nay chi phí sản xuất tôm của Việt Nam vẫn còn cao hơn mức bình quân của các nước xuất khẩu tôm); đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nhằm tạo ra sản lượng lớn để chủ động trong tiêu thụ, từng bước làm chủ giá bán. Chú trọng công tác quản lý, bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững; phấn đấu nâng sản lượng tôm từ mức 51.000 tấn hiện nay lên 155.000 tấn vào cuối năm 2019.

Quan tâm phát triển lúa gạo, cả về sản lượng, giá thành sản xuất, cơ cấu giống lúa lẫn yếu tố thị trường tiêu thụ; mở rộng địa bàn sản xuất lúa trên đất nuôi tôm ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A, gắn với đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng (thủy lợi, giao thông, lưới điện…); xây dựng cánh đồng lớn và nâng cao chuỗi giá trị phát triển bền vững; xây dựng mối liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân.

Về lĩnh vực chăn nuôi, cần triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn dịch tả heo châu Phi, kịp thời hỗ trợ người dân có heo bị tiêu hủy; có biện pháp đồng bộ để tái đàn cũng như đa dạng hóa các loài gia súc, gia cầm để đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2020. Triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đóng mới, nâng công suất các tàu khai thác thủy hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ; có biện pháp quản lý để ngư dân không vi phạm vùng biển các nước trong khu vực…

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp quan tâm chỉ đạo phát triển sản xuất, tập trung làm tốt công tác phòng ngừa dịch bệnh, đặc biệt là trong nuôi trồng thủy sản. Bởi, lĩnh vực thủy sản sẽ tiếp tục đóng vai trò “trụ cột” trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2019.

Tú Anh  

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.