Người chăn nuôi lo lắng trước dịch tả heo châu Phi

Thứ Sáu, 15/03/2019 | 16:18

Dịch tả heo châu Phi đang bùng phát và lây lan ở các tỉnh phía Bắc, các tỉnh phía Nam chưa xuất hiện dịch. Đến hết ngày 12/3/2019 đã có 14 tỉnh, thành phố phía Bắc xuất hiện dịch tả heo châu Phi, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định và Bắc Kạn. Tổng số heo mắc bệnh và tiêu hủy hơn 17.000 con.

Cán bộ thú y tiêu độc sát trùng tại các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn TP. Bạc Liêu.

Hộ chăn nuôi huyện Phước Long chăm sóc heo nuôi.

Một quầy mua bán thịt heo ở chợ Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ

Do dịch bệnh bùng phát, người tiêu dùng hạn chế dùng thịt nên giá heo ở các tỉnh phía Bắc xuống thấp. Trong khi đó, giá heo hơi ở các tỉnh phía Nam vẫn khá cao, từ 50.000 - 53.000 đồng/kg. Vì vậy, một lượng thịt heo không nhỏ được đưa từ miền Bắc vào Nam tiêu thụ, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh lây lan nếu không kiểm soát tốt.

Hiện nay, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra vận chuyển, mua bán, giết mổ heo, nhất là việc nhập heo từ các tỉnh khác vào địa phương. Người chăn nuôi các tỉnh phía Nam lo lắng, nếu dịch bệnh lây lan, heo hơi sẽ bị rớt giá.

Chị Nguyễn Thị Dung (phường 2, TP. Bạc Liêu) nuôi 10 con heo. Khi nghe dịch tả heo châu Phi xuất hiện và lây lan, sợ heo rớt giá nên chị Dung bán 6 con heo (trọng lượng hơn 80kg/con). Chị Dung cho biết: “Tôi dự định khoảng 3 tuần nữa mới bán heo (lúc ấy trọng lượng heo khoảng 100kg/con). Song, khi nghe tình hình dịch tả heo châu Phi, sợ heo rớt giá nên tôi bán trước 6 con lấy lại vốn, còn 4 con tiếp tục nuôi”. Không ít hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là ở nông thôn, khi nghe dịch tả heo châu Phi đang lây lan ở các tỉnh phía Bắc nên đã bán heo.

Toàn tỉnh có tổng đàn heo gồm 249.285 con. Huyện Vĩnh Lợi là địa phương có đàn heo lớn nhất tỉnh với hơn 30.000 con. Là huyện cửa ngõ của tỉnh nên Vĩnh Lợi đang tăng cường công tác kiểm dịch heo nhập tỉnh và kiểm tra các lò giết mổ gia súc, tổ chức tiêu độc sát trùng, thành lập đường dây nóng để nhận tin báo nhằm nhanh chóng xử lý khi bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn.

Minh Châu

----------------------------------------------------

Tăng cường các giải pháp ngăn ngừa dịch tả heo châu Phi lây lan

Gần đây, dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc và lây lan ra nhiều tỉnh. Trước tình hình trên, các ngành chức năng Bạc Liêu đang nỗ lực phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan vào tỉnh. Phóng viên (PV) Báo Bạc Liêu có cuộc phỏng vấn ông Trương Phước Thông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh về các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi.

PV: Thưa ông, trước tình hình dịch tả heo châu Phi lây lan ở các tỉnh phía Bắc, tỉnh đã có giải pháp nào phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh?

Ông Trương Phước Thông: Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, công điện chỉ đạo về phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Trên cơ sở đó, củng cố và kiện toàn ban chỉ đạo các cấp, thành lập các tổ phòng chống dịch bệnh để tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh.

Cùng với đó là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức người chăn nuôi; tăng cường công tác kiểm tra việc vận chuyển, mua bán, giết mổ heo trên địa bàn toàn tỉnh. Kiểm tra, kiểm dịch tất cả heo nhập tỉnh; tất cả heo nhập tỉnh đều được sát trùng. Đồng thời tổ chức Tháng tiêu độc sát trùng trên diện rộng nhằm tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường, không để dịch tả heo châu Phi lây lan.

PV: Ngành chức năng có khuyến cáo gì đối với người chăn nuôi, thưa ông?

Ông Trương Phước Thông: Người chăn nuôi phải thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Chăn nuôi an toàn sinh học là mua heo giống phải biết rõ nguồn gốc, nuôi cách ly, hạn chế người ra vào chuồng trại. Trước các cửa chuồng trại có hố vôi để sát trùng trước khi vào chuồng trại. Hàng ngày phải vệ sinh, quét dọn chuồng trại sạch sẽ.

Mặc dù chưa có vắc-xin phòng ngừa dịch tả heo châu Phi, nhưng người chăn nuôi phải tiêm phòng cho heo nuôi các loại vắc-xin phòng ngừa các loại dịch bệnh khác để tăng sức đề kháng cho heo. Sát trùng chuồng trại thường xuyên và định kỳ. Trường hợp khi có dịch bệnh xảy ra, hộ chăn nuôi phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y để kịp thời khoanh vùng xử lý, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Người chăn nuôi không được bán heo mắc bệnh làm phát tán mầm bệnh. Hộ chăn nuôi có heo mắc bệnh thông báo với chính quyền địa phương sẽ được hỗ trợ theo quy định…

Minh Đạt (thực hiện)

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.