Hệ thống thủy lợi hoàn thiện: Giúp nông dân nâng cao năng lực sản xuất

Thứ Sáu, 19/01/2018 | 16:45

Những năm qua, công tác quy hoạch, xây dựng, nạo vét các công trình thủy lợi - thủy nông nội đồng luôn được các địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện. Các công trình thủy lợi từng bước được đầu tư hoàn thiện, thành một hệ thống thống nhất. Qua đó góp phần mang lại hiệu quả thiết thực cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nông dân.

* Xây dựng trạm bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở huyện Phước Long.

* Nạo vét tuyến kênh trục chính trên địa bàn huyện Hồng Dân.

Hệ thống thủy lợi hoàn thiện giúp việc vận chuyển hàng hóa của người dân thuận tiện. Trong ảnh: Nông dân vận chuyển lúa bằng đường thủy. Ảnh: C.L

Đầu tư đồng bộ  

Sau khi tỉnh Bạc Liêu được tái lập (năm 1997), hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được tỉnh quan tâm đầu tư. Nhiều công trình thủy lợi được xây dựng mới; đồng thời, hệ thống đê bao, cống, kênh mương các cấp được cải tạo, nâng cấp; nhiều trạm bơm nước được xây dựng nhằm tăng cường khả năng lấy và tiêu nước, kiểm soát nước mặn. Nhờ đó, tạo thế đưa nước giàu phù sa từ sông lớn vào nội đồng, tiêu rửa phèn, cải tạo đất, cải tạo môi trường nước và vệ sinh đồng ruộng, giúp nông dân áp dụng các mô hình sản xuất mới.

Ở huyện Phước Long, trong năm 2017 đã xây dựng 6 trạm bơm nước, sên vét 43 kênh thủy nông nội đồng với tổng chiều dài 42,46km. Nhờ hệ thống thủy lợi đầu tư tương đối hoàn thiện nên nông dân mở rộng mô hình tôm - lúa kết hợp trên diện tích 800ha.

Vụ mùa 2017, anh Huỳnh Văn Đầy (xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long) chuyển đổi hơn 1ha sang sản xuất mô hình tôm - lúa kết hợp. Lợi nhuận cuối vụ cao gần gấp đôi so với cùng kỳ nên anh Đầy rất phấn khởi. 

Theo ông Trương Phước Hiền, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long: “Khi trạm bơm nước hoạt động, trung bình cứ 1 công đất nông dân sẽ tiết kiệm được 70.000 đồng tiền bơm tát/vụ. Bên cạnh đó, trạm bơm còn tích cực hỗ trợ nông dân sản xuất lúa ở những vùng đất trũng, giúp bà con tăng thêm thu nhập”.

Những đổi thay

Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, ngành Nông nghiệp tỉnh tăng cường khả năng cấp nước từ các trục sông chính thông qua nạo vét, mở rộng, nâng cấp cầu, cống; xây dựng các đập ngăn mặn để chủ động tiêu thoát nước, giữ ngọt ổn định cho các vùng chuyên lúa. Các địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây - con để thích nghi với từng vùng sản xuất theo quy hoạch phát triển nông - lâm - ngư nghiệp và kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, năm 2017, ngành Nông nghiệp đã thi công 424 công trình với chiều dài gần 100km, khối lượng hơn 8,12 triệu mét khối, vốn đầu tư trên 130 tỷ đồng. Đồng thời thường xuyên theo dõi diễn biến nguồn nước, chất lượng nước trên hệ thống thủy lợi vùng phía Bắc Quốc lộ 1A và các cống dọc Quốc lộ 1A; trình UBND tỉnh ban hành quy định phân cấp quản lý, khai thác vận hành các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát các công trình thủy lợi cần được đầu tư trong năm 2017 và xây dựng kế hoạch năm 2018. Đề xuất với UBND tỉnh về việc lập quy hoạch thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.

Trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh xác định mục tiêu phát triển ngành Nông nghiệp hiện đại, sản xuất xanh, sạch, bảo vệ môi trường; nông nghiệp sinh thái gắn với thích ứng biến đổi khí hậu. Đối với trồng trọt, phấn đấu ổn định và tiếp tục mở rộng trồng lúa ở những diện tích đất phù hợp; đưa công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao; hình thành vùng chuyên canh… Điều này đòi hỏi phải xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất đồng bộ, hiện đại, trong đó có hệ thống thủy lợi.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những bất cập, hạn chế trong việc phân công quản lý khai thác các công trình thủy lợi, dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”. Việc chỉ khai thác công trình mà không duy tu bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến tình trạng các công trình thủy lợi xuống cấp nhanh chóng, nhất là các trạm bơm nước. Hệ thống các kênh thủy nông nội đồng ít được duy tu, nạo vét nên thời gian dẫn nước chậm, tổn thất nước trên kênh lớn, hiệu quả tưới thấp dẫn đến giá thành cao. Nhiều diện tích không thể sản xuất do thiếu nước…

Hệ thống thủy lợi đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sản xuất và đời sống nhân dân. Vì vậy, việc quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng hiện đại sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh theo hướng hàng hóa, giá trị kinh tế cao.

Chí Linh

------------------------------------

Năm 2018, ngành Nông nghiệp tỉnh tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời lập quy hoạch thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.

Cùng với đó là huy động các nguồn lực của toàn xã hội đầu tư phát triển thủy nông nội đồng gắn với giao thông nông thôn và thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Đẩy mạnh thực hiện chương trình đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi; ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong thiết kế, xây dựng và quản lý các công trình thủy lợi. Chuyển giao những mô hình canh tác sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý để giảm chi phí và giảm áp lực về nhu cầu nước trong các mô hình sản xuất nông nghiệp.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.