Giá nông sản bấp bênh: Nỗi lo của nông dân

Thứ Hai, 04/06/2018 | 16:49

Có thể nói, một trong những nỗi lo của nông dân lâu nay chính là giá thu mua hàng nông sản lúc lên lúc xuống. Câu chuyện “trúng mùa mất giá” gần như đã trở thành điệp khúc - lâu nay nó thế. Đáng lo hơn, thậm chí không trúng mùa nhưng hàng nông sản vẫn bị rớt giá. Vậy, đâu là nguyên nhân?

Một sạp bán thịt heo ở chợ Hồng Dân. Ảnh: K.T

May nhờ, rủi chịu

Một trong những trăn trở của nông dân lâu nay chính là đầu ra cho sản phẩm. Nếu năm nào trúng mùa thì gần như giá thu mua hàng nông sản bỗng dưng bị giảm mà không biết đâu là nguyên nhân!? Thậm chí, thị trường luôn hút hàng nhưng hàng nông sản vẫn mất giá.

Đơn cử như trong tháng 3/2018, vào thời điểm Tết Thanh minh nên nhu cầu tiêu thụ thịt heo rất lớn. Vậy mà giá thu mua heo hơi vẫn giảm sâu cả chục ngàn đồng/kg. Đáng lẽ giá heo hơi giảm thì giá thịt bán lẻ giảm, song, giá thịt và các sản phẩm được chế biến từ thịt heo vẫn không giảm, mà còn tăng thêm từ 20 - 30%.

Do giá heo hơi thấp nên nông dân tranh nhau bán tháo, bán chạy. Đến khi hết heo thì giá lại bắt đầu tăng cao làm người chăn nuôi tiếc nuối. Cụ thể, giá heo hơi bình quân trong tháng 5/2018 tăng so với tháng 4/2018 gần 11.000 đồng/kg nhưng không có heo để mua.

Còn giá tôm nguyên liệu từ tháng 4/2018 đến nay vẫn chưa nhích lên. Cuối tháng 5/2018, giá tôm nguyên liệu được các thương lái thu mua tại các vuông tôm tiếp tục giảm mạnh. Tôm sú loại I (20 con/kg) giá 200.000 - 210.000 đồng/kg (giảm thêm 50.000 đồng/kg); tôm sú loại II (30 con/kg): 150.000 - 160.000 đồng/kg (giảm thêm 30.000 đồng/kg); tôm sú loại III (40 con/kg): 120.000 - 140.000 đồng/kg (giảm thêm 20.000 đồng/kg)...

Trước thực trạng trên, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân không nên bán tháo, bán chạy tôm và tiếp tục chờ giá nhằm tránh lặp lại vết xe đổ như sự tăng giá của thịt heo. Tuy nhiên, càng neo tôm trong ao chờ giá thì gánh nặng chi phí ngày một tăng cao. Bên cạnh đó, vào những tháng mùa mưa, thời tiết thay đổi thất thường, việc neo tôm trong ao chờ giá sẽ đẩy người nông dân vào cảnh rủi ro.

Ông Dương Thanh Phong, một hộ nuôi heo ở thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) cho biết: “Sản xuất lâu nay thường theo kiểu may nhờ rủi chịu, bởi người nông dân không thể định giá cho sản phẩm. Gia đình tôi chủ yếu lấy công làm lời từ việc nuôi heo nái đẻ để bán heo con, còn giá heo thịt gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường”.

Cần làm gì?

Khi xảy ra việc “trúng mùa mất giá”, người ta thường đổ lỗi cho nông dân sản xuất chạy theo phong trào, ít khi nhắc đến trách nhiệm của ngành quản lý. Trong khi đó, ngành quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc định giá hàng nông sản. Nếu làm tốt công tác quy hoạch thì ngành quản lý có thể kiểm soát số lượng hàng hóa cung ra thị trường và đảm bảo sản xuất cung không vượt cầu. Đồng thời, nếu làm tốt công tác quản lý thị trường thì sẽ không xảy ra chuyện cầu tăng nhưng giá không tăng (mà thịt heo là một mặt hàng điển hình). Rõ ràng, giá cả đã bị các thương lái chi phối, làm giá và định giá cho nông dân, làm cho người sản xuất luôn trong thế bị động. Bởi, nếu không bán thì heo quá lứa, không thu hoạch tôm thì người nuôi không thể gánh nổi chi phí thức ăn!? Rồi việc xây dựng các mối liên kết vẫn chưa thật sự được hình thành và bền chặt. Đây là nguyên nhân chính làm cho nạn “trúng mùa mất giá” trở thành điệp khúc.

Phản ánh thực trạng trên để thấy rằng, ngoài liên kết còn phải có thêm các chính sách để gắn kết doanh nghiệp với người nông dân. Đồng thời đây cũng là nhu cầu cho ngành quản lý và nông dân trong xây dựng các kế hoạch phát triển hàng hóa theo đơn đặt hàng, có bao tiêu và đảm bảo lợi nhuận...

Kim Trung

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.