Năm 2024: Tiếp tục ưu tiên vốn cho phát triển sản xuất - kinh doanh

Thứ Tư, 10/01/2024 | 16:40

Tích cực đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu đã triển khai đầy đủ và kịp thời các văn bản chỉ đạo có liên quan đến hoạt động tiền tệ, ngân hàng để các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn nắm và thực hiện. Theo đó, các TCTD đã triển khai nhiều chương trình tín dụng đầu tư cho phát triển sản xuất - kinh doanh (SX-KD), góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

Hộ nghèo vay vốn phát triển sinh kế tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hòa Bình.

TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG CAO

Tính đến cuối năm 2023, tổng nguồn vốn huy động đạt 30.350 tỷ đồng, tăng 10,79% so với cuối năm trước. Đồng thời, các TCTD đã đầu tư cho phát triển SX-KD và giải quyết việc làm với tổng dư nợ cho vay đạt 42.000 tỷ đồng, tăng 8,11% so với đầu năm. Trong đó, có nhiều lĩnh vực được quan tâm và ưu tiên đầu tư như: cho vay chương trình phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn; cho vay xuất khẩu; cho vay doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa; cho vay chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp…

Trong điều kiện nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng nhiều ngân hàng vẫn giữ vững tăng trưởng và tiếp tục mạnh dạn “bơm vốn” vào nền kinh tế là việc làm đáng được tuyên đương. Điển hình trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bạc Liêu năm đầu tiên đạt 1 tỷ USD và tham gia vào kết quả này có thành tích của các ngân hàng. Có thể kể đến Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam  (Eximbank) - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư vốn cho phát triển SX-KD và xuất khẩu, với tăng trưởng tín dụng đạt hơn 23% so với năm 2022.

Cùng với đẩy mạnh đầu tư vốn cho phát triển SX-KD, một số ngân hàng còn kịp thời chia khó cùng DN trong việc giảm, miễn lãi suất cho vay và tái cơ cấu lại thời hạn thanh toán nợ. Theo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Bạc Liêu, trong năm 2023, trong điều kiện SX-KD của DN gặp nhiều khó khăn, nhưng BIDV Bạc Liêu đã chủ động đầu tư vốn cho DN, với quy mô tín dụng đạt hơn 5.500 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm 2022.

Bên cạnh ưu tiên đầu tư vốn cho phát triển SX-KD, có ngân hàng còn phát huy thế mạnh của mình trong việc tham gia giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, nhất là đầu tư vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Như Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bạc Liêu, năm 2023 đã đầu tư với tổng số tiền trên 894 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đến nay hơn 3.057 tỷ đồng cho gần 95.400 khách hàng. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách này, đã kịp thời hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển các mô hình sinh kế, tạo thu nhập, nhất là tham gia mở rộng việc làm cho trên 20.000 lao động và trên 95.000 hộ thuộc các xã vùng khó khăn…

Doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: K.T

ĐẨY MẠNH ĐẦU TƯ

Với phương châm đồng hành cùng DN và tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, năm 2024 này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục triển khai và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 với mục tiêu chung là ưu tiên vốn cho phát triển sản xuất và tạo việc làm. Trong đó, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai các chương trình chính sách tín dụng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; Dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (15.000 tỷ đồng); Chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP (40.000 tỷ đồng)...

Bên cạnh đó, chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả và cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực SX-KD, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý. Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng gắn với kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán…

Cùng với đó, chỉ đạo, giám sát TCTD trong tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay tiếp sức cho nền kinh tế, đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng. Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, ngân hàng điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, sẽ giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu của các TCTD trên địa bàn, tập trung vào những TCTD có tỷ lệ nợ xấu cao. Chỉ đạo các TCTD rà soát, đánh giá lại các khoản nợ xấu theo quy định. Quản lý, theo dõi hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động ngoại hối và vàng. Tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhằm giải đáp kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri, tránh những thông tin trái chiều ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng trên địa bàn…

Tại Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng. Điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế; tiếp tục triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân, hạn chế và tiến tới sớm chấm dứt "tín dụng đen".

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.