Giảm nghèo - Việc làm

“Trái ngọt” trên hành trình giảm nghèo bền vững

Thứ Hai, 04/12/2023 | 17:01

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo, dự án thuộc chương trình, đặc biệt là dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Từ đó, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm dần qua từng năm.

Các tổ chức từ thiện tặng quà người nghèo.

Giảm nghèo đúng thực chất, bền vững, bao trùm

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, năm 2022, tỉnh Bạc Liêu tổ chức tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, kết quả toàn tỉnh có 11.497 hộ nghèo, chiếm 5,09%; 14.755 hộ cận nghèo, chiếm 6,54%. Nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo bao trùm, bền vững, bên cạnh những chính sách của Trung ương, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 13 về giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2022 - 2025 với nhiều giải pháp, đặt mục tiêu sử dụng hiệu quả các nguồn lực giảm nghèo bền vững ở giai đoạn mới.

Để hoàn thành mục tiêu quan trọng này, một trong những giải pháp hàng đầu chính là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng và sự điều hành của chính quyền các cấp đối với công tác giảm nghèo bền vững. Hằng năm, đưa chỉ tiêu giảm nghèo vào chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở địa phương. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các đồng chí cấp ủy viên phụ trách địa bàn theo dõi, chỉ đạo công tác giảm nghèo, nhất là định hướng giải pháp thực hiện giảm nghèo bền vững. Chú trọng gắn kết công tác giảm nghèo với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là tăng cường huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo; tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình nhằm tạo sinh kế cho người nghèo, đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đều tiếp cận được nguồn vốn vay khi có nhu cầu vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế gia đình…

Các sở, ngành, địa phương cũng chủ động cụ thể hóa Chương trình MTQG giảm nghèo thành chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình đơn vị, điều kiện KT-XH tại địa phương, lồng ghép và gắn với các chương trình phát triển bền vững KT-XH của tỉnh. Các chính sách, dự án, tiểu dự án về giảm nghèo bền vững được các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH của địa phương, làm thay đổi diện mạo nông thôn, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sản xuất và dân sinh.

Những thành quả đạt được đã đưa công cuộc giảm nghèo lên một tầm mới cao hơn, hướng tới bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều mới. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 7.233 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều (chiếm trên 3%), vượt chỉ tiêu đề ra (1,9%/1,5%) và 12.055 hộ cận nghèo (chiếm trên 5%). Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo (tương đương 2.270 hộ); giảm 1% tỷ lệ hộ cận nghèo (tương đương 2.270 hộ).

Các doanh nghiệp hỗ trợ cất nhà tình thương cho hộ nghèo huyện Đông Hải. Ảnh: T.Q

Nâng cao toàn diện cuộc sống người dân

So với trước đây, công tác giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 khó hơn vì không chỉ giảm nghèo về thu nhập mà đòi hỏi giảm nghèo đa chiều, cao hơn, toàn diện hơn, chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện. Do đó đòi hỏi mỗi địa phương, mỗi đơn vị trong tỉnh phải có quyết tâm mới, tầm nhìn xa hơn để có thể hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Theo đó, từ nay đến năm 2025, Bạc Liêu tiếp tục tăng cường đẩy mạnh phát triển kinh tế theo thế mạnh của mỗi địa phương, ưu tiên phát triển các mô hình tại chỗ nhằm tạo việc làm cho người nghèo, hộ nghèo. Huy động nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, vận dụng tối ưu các nguồn lực sẵn có, đẩy mạnh phát triển các công trình có sự hỗ trợ của người dân theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và dạy nghề, tiếp tục đổi mới làm tốt công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho người lao động theo hướng chuyên môn hóa để phân luồng lao động phát triển nguồn lực lao động chất lượng cao.

Nghề đan đát góp phần mang lại thu nhập ổn định cho phụ nữ huyện Vĩnh Lợi.

Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ sở thiết chế văn hóa, thông tin để người dân, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo dễ dàng tiếp cận các chính sách mới của Đảng và Nhà nước ban hành.  Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân; nâng cao chất lượng nguồn lực và giải quyết việc làm, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Cũng như khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản trong công tác giảm nghèo. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH; đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững…

Mặt khác, phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện các phong trào, cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo”, “Tháng hành động Vì người nghèo”... tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo của tỉnh. Tăng cường vai trò lãnh đạo, tiên phong của cấp ủy; phân công đảng viên, cán bộ tham gia giúp đỡ cộng đồng nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Kịp thời phát hiện, tôn vinh, khen thưởng, động viên những tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp cho công tác giảm nghèo và những gương sáng thoát nghèo điển hình, tiêu biểu trong cộng đồng.

Đến thời điểm này, với những “trái ngọt” thu được, có thể nói Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân, đã thật sự đi vào cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân và của chính người nghèo trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là cơ sở vững chắc để Bạc Liêu hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, Nhân dân ngày càng có cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc.

Minh Luân

Bạc Liêu đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn dưới 1% (năm 2022 giảm 1,5%, năm 2023 giảm 2%, năm 2024 giảm 1%). Khu vực nông thôn có tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2%; khu vực thành thị (gồm các phường, thị trấn) giảm còn dưới 1% hộ nghèo (trừ hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội). Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm 1%; không có hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.