Tín dụng chính sách xã hội: Để đồng vốn phát huy hiệu quả

Thứ Hai, 04/05/2020 | 16:25

Để tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận các chương trình tín dụng hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước, trong những năm qua, Bạc Liêu đã triển khai nhiều chương trình tín dụng dành cho các đối tượng này. Tuy nhiên, về chất lượng tín dụng cải thiện chưa nhiều, Bạc Liêu luôn nằm ở vị trí cuối bảng xếp hạng của khu vực ĐBSCL và cả nước trong nhiều năm liền.

Chị Nguyễn Trúc Linh (người thứ hai từ trái sang) chia sẻ kinh nghiệm sử dụng đồng vốn chính sách xã hội.

NỢ XẤU CAO NHẤT TOÀN QUỐC

Tổng kết hoạt động tín dụng chính sách năm qua cho thấy, chất lượng tín dụng cải thiện chưa nhiều, nợ quá hạn và nợ khoanh còn chiếm khá cao, với 289.198 triệu đồng, chiếm 14,2% và Bạc Liêu trở thành địa phương có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong toàn quốc.

Riêng quý 1/2020, nợ quá hạn chiếm 1,81% và chưa đạt so với chỉ tiêu giao đến cuối năm 2020 là dưới 1,5%. Thêm vào đó, tỷ lệ thu lãi 93% (chưa đạt so với chỉ tiêu giao 95%); tỷ lệ thu nợ đến hạn 65% (chưa đạt so với chỉ tiêu giao trên 75%) và giảm nợ khoanh 12,09% (chưa đạt theo chỉ tiêu giao đến cuối năm 2020 còn 11%).

Từ những con số cụ thể trên cho thấy, nếu không làm rõ các nguyên nhân và quyết liệt triển khai các giải pháp thì chất lượng tín dụng năm nay sẽ tiếp tục “giảm không phanh”.

Trong nhiều năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội (CSXH). Điều đó được cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết và người đứng đầu Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh không phải là Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn xã như các địa phương khác trong toàn quốc mà chính là Chủ tịch UBND tỉnh.

Thế nhưng, chất lượng hoạt động trong thời gian qua lại rơi vào cảnh “trên nóng, dưới lạnh”!? Đó là việc các ngành, địa phương và các đơn vị được giao nhận ủy thác chưa thực hiện đúng các giải pháp, cam kết như chỉ đạo. Bằng chứng là vai trò của người đứng đầu chưa được phát huy, còn tình trạng “giao việc” cho cấp dưới làm cho xong, thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo và cả kiểm tra. Cụ thể là trong các kỳ họp Ban đại diện (BĐD) cấp huyện, thị xã, thành phố, vẫn còn một số thành viên BĐD là Chủ tịch UBND cấp xã cử người đi họp thay. Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý hoạt động, quyết định đến chất lượng tín dụng, nhất là việc chỉ đạo các giải pháp để Tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi, nợ quá hạn cao và xử lý lãi đọng lớn.

Thêm vào đó, các hội, đoàn thể nhận ủy thác chưa thể hiện trách nhiệm và làm tròn nghĩa vụ của mình, chỉ mới quan tâm đến việc xét duyệt cho vay, còn hiệu quả sử dụng đồng vốn như thế nào thì thiếu kiểm soát; chưa thực hiện đủ các nội dung theo hợp đồng ủy thác đã ký giữa Ngân hàng CSXH với hội, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) còn thấp (như năm 2019, số Tổ TK&VV hoạt động yếu còn nhiều với 163 tổ, chiếm 8,5%/tổng số tổ TK&VV).

Một nguyên nhân mang tính căn cơ khác là các ngành, địa phương chưa tập trung làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm và việc sử dụng hiệu quả đồng vốn. Hậu quả của nó là hình thành ý thức “vốn chính sách là vốn cho không”, nên có tâm lý chây ỳ trong việc trả nợ, trả lãi theo quy định. Đồng thời, không tham gia gửi tiền tiết kiệm, nộp lãi hàng tháng, trả nợ gốc theo phân kỳ… dẫn đến hết thời gian thanh toán nợ mà không không có khả năng chi trả.

Ông Lê Hải Vũ - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hồng Dân, cho biết: “Qua thực tế trên địa bàn huyện cho thấy, nơi nào cấp ủy và địa phương tập trung làm tốt công tác tuyên truyền thì hiệu quả của đồng vốn chính sách luôn được phát huy. Bởi việc thanh toán nợ và trả lãi đối với các chương trình tín dụng là không nhiều, chỉ cần hộ vay có ý thức trả nợ thì thanh toán nợ đến hạn là không quá khó”.

 Điểm giao dịch của hệ thống Ngân hàng CSXH được triển khai khắp các xã phục vụ việc vay và thu hồi nợ. Ảnh: L.D

SÁT DÂN VÀ GẦN DÂN ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ TÍN DỤNG

Thực tiễn đã chứng minh, nếu xây dựng được những mô hình quản lý tốt thì chất lượng và hiệu quả tín dụng sẽ được phát huy. Một trong những mô hình đó chính là “sát dân và gần dân”. Đó là việc trước khi triển khai một chương trình tín dụng nào đó cần xem xét phương án, mô hình, tính khả thi và giúp cho hộ vay sử dụng đồng vốn đúng mục đích. Chuyện của hộ chị Nguyễn Trúc Linh (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) là một ví dụ. Trước đây gia đình chị là hộ nghèo, nhưng nhờ vào đồng vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện, chỉ hơn một năm gia đình chị đã thoát nghèo. Với 20 triệu đồng vay thông qua ủy thác của Hội LHPN xã, chị Linh dùng để bán nước giải khát, tạp hóa và chắt chiu tiết kiệm nên không để xảy ra nợ xấu. Chị Linh cho biết: “Mỗi tháng chỉ cần tiết kiệm hơn 100.000 đồng là có thể trả lãi và gốc, nếu tính ra mỗi ngày chỉ cần dành 5.000 đồng là đủ trả”. Theo chị Linh, một trong những thành công của việc sử dụng hiệu quả đồng vốn đầu tư của ngân hàng là Hội LHPN xã rất quan tâm và thường xuyên đến động viên, đề xuất làm mô hình và khi gặp khó khăn thì giúp đỡ ngay nên đồng vốn vay được phát huy.

Cùng với tổ chức hướng dẫn sử dụng đồng vốn chính sách hiệu quả, có nhiều Tổ TK&VV còn phát huy hiệu quả thông qua làm tốt công tác quản lý ngay từ khâu đầu vào. Đơn cử như mô hình của Đoàn Thanh niên xã Định Thành (huyện Đông Hải) với 5 năm liền xếp loại hoạt động tín dụng tốt vì không có nợ quá hạn.

Để chuyển nguồn vốn ủy thác được phân bổ về ấp đến đúng đối tượng thụ hưởng, tăng cường hiệu quả đầu tư, Đoàn Thanh niên xã Định Thành đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời với cán bộ ấp, Tổ TK&VV tổ chức họp bình xét hộ vay vốn công khai, dân chủ, đúng đối tượng thụ hưởng theo từng chương trình tín dụng. Song song đó, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chương trình tín dụng, chính sách mới đến các thành viên vay vốn, hộ dân trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đối với các Tổ TK&VV bằng cách hằng năm xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ, hàng tháng kiểm tra (mẫu 13/TD) biên lai của từng tổ.

Riêng việc thu hồi nợ đến hạn, ngay từ đầu năm, Đoàn Thanh niên xã Định Thành đã chủ động đề nghị cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn cung cấp danh sách các hộ vay có nợ đến hạn trong năm. Sau đó, gửi cho các Tổ trưởng nắm lại danh sách. Qua đó, phối hợp với Tổ trưởng phân tích khả năng, thời gian, điều kiện trả nợ của từng hộ vay, nhanh chóng thông báo nợ sắp đến hạn và tư vấn cách trả nợ cho từng hộ vay biết để họ có kế hoạch trả nợ theo đúng thời gian quy định của ngân hàng. Ngoài ra, Tổ trưởng Tổ TK&VV thường xuyên thăm hỏi, nhắc nhở, kiểm tra về việc thực hiện trả nợ đối với những hộ vay có nợ sắp đến hạn. Trường hợp những hộ vay có lãi tồn đọng, kỳ kèo, chây ỳ, không có ý thức nộp lãi thì bắt buộc hộ vay viết cam kết trả nợ phân kỳ đúng thời gian quy định. Trong trường hợp hộ vay không thực hiện đúng cam kết thì mời về UBND xã để Ban xử lý nợ của xã tuyên truyền, giáo dục và chỉ đạo Ban quản lý tổ kiểm điểm những hộ vay cố tình kỳ kèo, chây ỳ không thực hiện. Đối với những hộ đi làm ăn xa, Đoàn Thanh niên xã phối hợp với chính quyền địa phương cùng với Ban quản lý tổ tìm cách liên hệ hộ vay thông qua số điện thoại, người thân để vận động hộ vay gửi tiền lãi và tiết kiệm hàng tháng theo quy định, thường xuyên nhắc nhở, thông báo hộ vay ngày nợ đến hạn để hộ vay thu xếp thời gian về trả nợ theo đúng hợp đồng. Còn với hộ vay chưa có nguồn trả nợ do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì căn cứ theo cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàngCSXH làm hồ sơ rủi ro cho hộ vay.

Từ những mô hình, cách làm cụ thể trên cho thấy, tập trung làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh tuyên truyền theo chiều sâu phải được coi là những giải pháp đột phá trong công tác tín dụng CSXH. Muốn vậy, trách nhiệm của những người đứng đầu và các đơn vị được giao ủy thác phải được phát huy.

LƯ TRUNG

Theo chỉ đạo của ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh: Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, năm 2020 này, Bạc Liêu phấn đấu đạt các chỉ tiêu sau: Tăng trưởng dư nợ từ 8 - 10%; nợ quá hạn dưới 1,5%/tổng dư nợ; tỷ lệ thu lãi đạt trên 95% lãi phải thu; tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt trên 75%; giảm nợ khoanh xuống dưới 11%. Vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH 17 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh 10 tỷ đồng và 7 tỷ đồng tại 7 đơn vị cấp huyện). Các xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới, phường văn minh đô thị, chất lượng tín dụng chính sách phải đảm bảo nợ quá hạn dưới 2%.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.