Phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại

Thứ Sáu, 17/02/2023 | 15:14

UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch 125 nhằm thực hiện Quyết định 176 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động (TTLĐ) đến năm 2030. Để thực hiện thắng lợi Kế hoạch 125, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đồng bộ, thống nhất để TTLĐ phát triển theo hướng hiện đại…

Kết nối TTLĐ trong tỉnh với TTLĐ các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế

Với một tỉnh có nền kinh tế thuần nông như Bạc Liêu, công tác giải quyết việc làm để góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu sản xuất là rất quan trọng. Trong những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình về đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư để thúc đẩy TTLĐ phát triển. Đồng thời thông qua các chính sách này, giải quyết tốt bài toán lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Tuy nhiên trên thực tế, TTLĐ còn kém phát triển, vẫn còn tồn tại tình trạng lao động tự tìm việc làm, thất nghiệp… Đó là chưa nói đến tình trạng “chảy máu” lao động trong điều kiện các doanh nghiệp của tỉnh luôn khan hiếm lao động, nhất là vào mùa vụ. Nguyên nhân cơ bản của các khó khăn, bấp cập này là do nhiều ngành, địa phương và cả doanh nghiệp chưa quan tâm xây dựng các chiến lược phát triển TTLĐ so với thị trường khác như: hàng hóa, tài chính, khoa học - công nghệ… Trong khi TTLĐ lại giữ vai trò quyết định và có sức chi phối đến các thị trường khác với chức năng là chủ thể tham gia trực tiếp vào các thị trường.

Xuất phát từ tầm quan trọng này, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương phải triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển TTLĐ toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả, phù hợp với tình hình, đặc điểm địa phương đã cụ thể hóa trong Kế hoạch 125. Qua đó làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn mới. Từ đó, tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố TTLĐ, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối TTLĐ trong tỉnh với TTLĐ của các tỉnh, thành phố trong nước và cả quốc tế.

Lao động học nghề nông nghiệp tại Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu. Ảnh: K.T

Hoàn thiện thể chế, chính sách

Để thực hiện thắng lợi Kế hoạch 125, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đồng bộ, thống nhất để TTLĐ phát triển theo hướng hiện đại.

Theo đó, tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về cung - cầu lao động, kết nối cung - cầu lao động để phù hợp với quy luật của TTLĐ và phù hợp với lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH. Tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ tạo việc làm, tham gia TTLĐ cho các nhóm lao động đặc thù (người khuyết tật, NLĐ là đồng bào dân tộc thiểu số, lao động khu vực nông thôn, học sinh - sinh viên mới tốt nghiệp các trường đại học và hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp) theo hướng dẫn, triển khai của Bộ LĐ-TB&XH.

Song song đó, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Việc làm, Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến phát triển TTLĐ để nâng cao nhận thức của NSDLĐ và NLĐ về TTLĐ.

Đặc biệt, triển khai các chương trình đào tạo, quan tâm bồi dưỡng kỹ năng nghề trước khi đi làm cho sinh viên mới tốt nghiệp. Các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cho lao động trong quá trình làm việc phù hợp với tính chất đặc thù của từng đối tượng lao động theo hướng dẫn, triển khai của Bộ LĐ-TB&XH. Khuyến khích NSDLĐ tham gia vào quá trình giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao hiệu quả của các công cụ giám sát, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề nghiệp theo tiêu chuẩn quốc gia để NLĐ được đánh giá và công nhận, phản ánh đúng năng lực làm việc thực tế trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lao động theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH, dựa trên các tiêu chuẩn kỹ năng nghề, ứng dụng khoa học - công nghệ số; nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho các nhóm lao động đặc thù.

UBND tỉnh cũng khuyến khích ngành chức năng tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số ngắn hạn theo hình thức thường xuyên, linh hoạt cho NLĐ. Nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút nhân tài, trong đó chú trọng chính sách về nhà ở, lương, thưởng, điều kiện sinh hoạt, làm việc nhằm thu hút và giữ chân các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý có trình độ cao. Khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp, hợp tác xã tham gia vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu TTLĐ, thúc đẩy phát triển du lịch - dịch vụ, nông nghiệp thông minh. Tiếp tục rà soát, kiến nghị đơn giản hóa thủ tục về chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thu, nộp và hoàn thuế để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ các doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh…

Các mục tiêu phát triển TTLĐ đến năm 2030

1. Tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu TTLĐ

- Năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 28,69% và đến năm 2030 tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ khoảng 33,23%.

- Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin (kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản hoặc ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao) đạt 30% năm 2025 và 35% năm 2030.

2. Tạo việc làm tốt hơn cho NLĐ

- Phấn đấu đến năm 2030, duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 2%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3,5%.

- Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành Nông nghiệp đến năm 2025 dưới 55% và đến năm 2030 đạt 45%.

- Tốc độ tăng năng suất lao động đạt tối thiểu 6%/năm vào năm 2025 và 7%/năm vào năm 2030.

3. Giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo

- Phấn đấu giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo dưới 8%.

- Duy trì tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%.

4. Đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho NLĐ

Năm 2025, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH khoảng 45% và đến năm 2030, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH khoảng 60%; trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi vào năm 2025 và chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi vào năm 2030.

5. Đầu tư, phát triển giao dịch việc làm, hệ thống thông tin TTLĐ

- Năm 2025, có 25% và năm 2030 có 30% lao động được Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu có việc làm.

- Đến năm 2030, có 100% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông được hướng nghiệp.

TRẦN TUẤN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.