Nỗi khổ từ những dòng kênh “chết”

Thứ Tư, 15/03/2023 | 17:24

Sự xuất hiện của những khu dân cư tự phát, xây cất nhà lấn chiếm lòng kênh, lòng sông khiến dòng chảy bị thu hẹp, ùn ứ, cùng với ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường kém đã “bức tử” những con sông, kênh nước trên địa bàn tỉnh. Từ đó gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân quanh khu vực.

Những con kênh… đầy rác

Kênh Trà Văn, một bên thuộc thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi), một bên là địa phận của khóm 10 (Phường 1, TP. Bạc Liêu) đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác và nước thải. Đủ loại rác, từ rác sinh hoạt đến rác thải từ hoạt động chăn nuôi, rác thải nông nghiệp đặc kín trên dòng kênh. Ở nhiều đoạn kênh, còn có cả xác động vật nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Tại một số chân cầu, miệng cống, rác bị mắc kẹt, kết thành mảng, ứ đọng lâu ngày tạo nên mùi khó chịu, nồng nặc, môi trường xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng xả thải trực tiếp từ các khu dân cư sống ven kênh rất đáng báo động. Thay vì tuân thủ quy định xử lý nước thải trước khi đưa ra môi trường thì các hộ dân ở đây đã trực tiếp xả thẳng nước thải sinh hoạt ra lòng kênh. Trong khi đó, công năng, mục đích sử dụng của kênh Trà Văn là vô cùng lớn: ngoài làm nhiệm vụ tưới tiêu, phục vụ sản xuất cho nhiều hộ dân sống dọc theo tuyến, đây còn được xem như địa giới hành chính tự nhiên, điều hòa không khí cho người dân sống hai bên bờ.

Quan trọng là vậy nhưng hiện tại, kênh Trà Văn chỉ là một dòng kênh “chết”. Bà Trần Thị Minh Châu (khóm 10, Phường 1, TP. Bạc Liêu) phản ánh: “Tôi sống ở đây lâu rồi, con kênh này trước đây nước chảy thông dòng lắm, nhưng từ khi nhiều người về đây cất nhà, lượng rác và nước thải cũng theo đó mà tràn ngập mặt kênh. Bây giờ nó đã trở thành dòng kênh “chết” bốc mùi hôi thối”.

Rác thải sinh hoạt trôi lềnh bềnh trên kênh Ông Bổn - đoạn giáp ranh giữa Phường 5 với ấp Xóm Lẫm (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu). Ảnh: C.L

Cần sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm

Nằm ngay trong lòng TP. Bạc Liêu, kênh Ông Bổn chạy dài từ khu vực Phường 5 đến xã Hiệp Thành từng được ghi nhận là dòng kênh đẹp và cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất cho hàng trăm hộ dân sống dọc theo tuyến kênh này. Thế nhưng, hình ảnh ấy nay chỉ còn trong ký ức, bởi hiện nay, đoạn nào cũng bị rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng “xâm lấn”. Nhiều hộ dân sống ven kênh đã sử dụng ống dẫn nước thải trực tiếp trong quá trình sinh hoạt của gia đình xả thẳng ra kênh. Ở nhiều đoạn kênh chạy qua các khu dân cư gần với khu vực ấp Xóm Lẫm (xã Hiệp Thành) có thời điểm còn bị ách tắc dòng chảy, nguyên nhân gây nên bởi rác, dây leo, cỏ dại mọc thành mảng. Hệ lụy là dòng kênh bị cắt khúc, nước không lưu thông được. Lâu ngày chúng trở thành những hố rác thải đầy muỗi và ô nhiễm. Ông Trần Minh Ngữ (ấp Xóm Lẫm) cho biết: “Con kênh này chỉ thông dòng được vài hôm là rác lại lấp đầy. Nước nuôi tôm thì phải canh con nước lớn từ sông Bạc Liêu - Cà Mau đổ vào để lấy. Mùa này còn đỡ chứ đến mùa mưa thì muỗi nhiều vô số, đây chính là “ổ bệnh” vô cùng nguy hiểm trong thời điểm dịch bệnh và thời tiết chuyển mùa như hiện nay”.

Ngoài những con kênh, dòng sông bị ô nhiễm kể trên, danh sách sẽ còn dài hơn nữa với những cái tên đã được báo chí nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Để giúp những dòng sông, con kênh đang “hấp hối” được “hồi sinh”, rất cần có những hành động cụ thể và thiết thực. Thiết nghĩ, điều chúng ta có thể làm nhanh nhất là tự nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người; đồng thời kêu gọi, tuyên truyền, lan tỏa tinh thần này tới những người xung quanh. Đối với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, cần tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm môi trường và sát sao trong việc xử lý rác thải...

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.